Tiết kiệm đầu tư vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao
10:14, 09/11/2011
Năm 1994 anh Trần Văn Chường đưa gia đình vào lập nghiệp tại buôn Jok, xã Ea H’ding (Cư M’gar). Tài sản của 2 vợ chồng chỉ 2 bàn tay trắng, phải đi làm thuê cho các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn để kiếm sống.
Là người linh hoạt trong làm ăn, anh Chường và vợ đã nấu thêm rượu, đồng thời tận dụng bã hèm nuôi thêm heo, với sự kết hợp này, chi phí đầu tư cho chăn nuôi giảm đáng kể chỉ còn khoảng 30% so với các hộ chăn nuôi khác. Không may, đàn heo bị bệnh chết hết, toàn vốn liếng tích lũy của hai vợ chồng anh cũng hết, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng không thể trụ vững. Song, với sự chịu thương chịu khó, vợ chồng anh cũng dần khắc phục khó khăn. Đến năm 1996, anh đã mua được 4 sào đất về trồng cà phê. Rút kinh nghiệm thực trạng đầu tư nhiều nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế cao của một số hộ dân trên địa bàn, ngay khi đưa cây cà phê vào trồng, anh Chường luôn chú trọng đến việc học hỏi và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Những kỹ thuật nào cảm thấy áp dụng chưa đúng hay còn bỡ ngỡ là anh liền tìm đọc thêm sách báo, nghe đài, xem truyền hình để kịp thời khắc phục và rút ra những kinh nghiệm hữu ích trong sản xuất. Nhờ vậy, anh đã hạn chế được chi phí đầu tư như: giảm được lượng phân bón, tiết kiệm được nguồn nước tưới,… trong khi đó cây trồng vẫn phát triển đều và cho năng suất cao. Trong quá trình sản xuất, anh Chường đã mạnh dạn đưa thêm một số trụ tiêu vào trồng xen trong vườn cà phê. Sau khi thấy được hiệu quả từ cây tiêu đem lại, anh đã mạnh dạn mua thêm đất để đưa loại cây này vào trồng. Do áp dụng tốt khoa học kỹ thuật nên vườn tiêu của gia đình anh phát triển xanh tốt, ít mắc bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với khoảng 500 trụ tiêu, mỗi năm anh thu được từ 1,2-1,5 tấn, với giá cả như hiện nay anh thu lãi trên 100 triệu đồng. Anh Chường chia sẻ kinh nghiệm: “Đầu tư nhiều theo lý thuyết thì sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, song phải biết đầu tư sao cho đúng cách nếu không sẽ dẫn đến tình trạng đầu tư nhiều nhưng hiệu quả vẫn thấp. Chẳng hạn như bón phân quá nhiều cây trồng cũng không hấp thụ hết được sẽ dẫn đến dư thừa; tưới nước cũng vậy, không cần phải kéo nước từ dưới hồ, dưới suối lên mà chúng ta có thể tận dụng mạnh nước ngầm để đào giếng lấy nước, khi tưới nên hạn chế nước tràn ra ngoài bồn, sẽ gây lãng phí lớn,…”.
Nhờ làm ăn khấm khá, anh Chường đã mua thêm đất mở rộng diện tích sản xuất của gia đình. Hiện nay, anh đã có trong tay 1,3 ha đất, trong đó có 8 sào cà phê (trồng xen thêm 100 trụ tiêu) và 5 sào tiêu, mỗi năm sau khi trừ hết chi phí đầu tư gia đình anh thu lãi từ 200-300 triệu đồng. Gia đình anh đã xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm được phương tiện sinh hoạt đắt tiền và con cái có điều kiện học hành.
Anh Trần Văn Chường bên vườn tiêu gia đình. |
Nhờ làm ăn khấm khá, anh Chường đã mua thêm đất mở rộng diện tích sản xuất của gia đình. Hiện nay, anh đã có trong tay 1,3 ha đất, trong đó có 8 sào cà phê (trồng xen thêm 100 trụ tiêu) và 5 sào tiêu, mỗi năm sau khi trừ hết chi phí đầu tư gia đình anh thu lãi từ 200-300 triệu đồng. Gia đình anh đã xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm được phương tiện sinh hoạt đắt tiền và con cái có điều kiện học hành.
Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc