Ama Sôn làm kinh tế giỏi
Đến buôn Pôk A, thị trấn Ea Pôk (huyện Cư M’gar) hỏi gia đình anh Y Huêch K’Buôr (hay Ama Sôn) thì mọi người trong buôn đều không khỏi nể phục và khen ngợi về nghị lực vượt khó, cũng như cách làm kinh tế hiệu quả của gia đình anh.
Năm 1992 khi mới lập gia đình Ama Sôn cũng gặp rất nhiều khó khăn, mọi thu nhập chủ yếu chỉ dựa vào 5 sào đất trồng hoa màu cho năng suất thấp, lại thêm giá cả bấp bênh nên anh đã quyết định chuyển đổi sang loại cây trồng khác. Nghĩ là làm, năm 1993 Ama Sôn đã mạnh dạn chuyển sang trồng cà phê. Ban đầu khó khăn lớn nhất là thiếu vốn đầu tư, đặc biệt là việc đầu tư phân bón cho cây trồng, do vậy hiệu quả cũng không được như mong muốn. Ama Sôn nhớ lại: “Ngày đó, bình quân mỗi năm tôi vẫn bón phân 3 đợt nhưng mỗi đợt chỉ bón từ 5 - 6 bao, tuy đủ về số lần bón nhưng lại thiếu về số lượng phân nên năng suất đạt thấp. Với 5 sào đất canh tác cà phê mỗi năm chỉ thu được 5 tạ, trong khi đó với diện tích này nhiều hộ dân trong buôn lại thu được 2 - 2,5 tấn. Thời gian đó gia đình tôi thường xuyên phải đi mua nợ gạo và các đồ dùng thiết yếu trong gia đình…”.
Nhận thấy nguyên nhân dẫn đến năng suất thấp là do không đầu tư đầy đủ cho cây trồng, anh đã mạnh dạn làm thủ tục xin vay vốn. Với số tiền 15 triệu đồng vốn vay của ngân hàng, Ama Sôn đã đầu tư mua phân bón, nhờ vậy nên sản lượng cà phê thu hoạch được nâng lên đáng kể, từ chỗ gia đình chỉ thu được 5 tạ/5 sào đất thì đến nay đã tăng lên 2 tấn. Kinh tế gia đình dần ổn định và từng bước đi lên, anh không chỉ trả hết nợ mà còn tích lũy được vốn để tái đầu tư và mở rộng thêm diện tích sản xuất. Đến nay anh đã có trong tay 1,4 ha cà phê, bình quân mỗi năm thu được 5 - 6 tấn. Bên cạnh đó, tranh thủ thời gian rảnh rỗi anh còn nuôi heo, trung bình mỗi lần nuôi từ 6 - 7 con heo, nhờ thực hiện tốt công tác phòng và điều trị dịch bệnh nên các lứa heo đều phát triển tốt, hạn chế được dịch bệnh và cho hiệu quả cao... Từ mô hình kinh tế này, mỗi năm gia đình Ama Sôn thu nhập gần 200 triệu đồng.
Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc