Multimedia Đọc Báo in

Khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu

08:01, 03/05/2013

Năm 1995, anh Y Klo Mlô kết hôn với chị H’Bliếp Niê. Sống cùng với gia đình vợ trong 3 năm, cuộc sống hết sức khó khăn, mỗi ngày đều phải vật lộn với nỗi lo cơm áo, gạo, tiền khiến Y Klo không khỏi trằn trọc. Anh quyết định xin ra ở riêng để làm kinh tế, với hy vọng cuộc sống sẽ khá hơn. Vậy là năm 1998, với 5 sào rẫy do gia đình vợ cho làm vốn, anh về sinh sống tại buôn Tring 4, xã Ea Blang (TX.Buôn Hồ).

Y Klo vừa tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ những hộ gia đình có kinh tế khá giả vừa chăm chỉ đi làm thuê kiếm tiền đầu tư cho vườn cà phê. Không chỉ canh tác vườn cà phê của gia đình,  anh nhận làm thêm một số diện tích đất của bà con, anh em. Anh tiếp tục tìm cách cải tạo đất trống và lựa chọn giống cà phê sao cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Dần dần, kinh tế gia đình anh vượt qua khó khăn, có dư và sắm sửa được các phương tiện đi lại cho gia đình như xe máy, xe công nông phục vụ cho sản xuất. Đến nay, với 2 ha cà phê sản lượng hơn 4 tấn/năm, sau khi đã trừ các loại chi phí, gia đình anh có thu nhập bình quân mỗi năm trên 150 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn làm thêm 3 sào ruộng với 2 vụ lúa nước mỗi năm, và một ao cá cung cấp đủ nguồn lương thực, thực phẩm cho gia đình hằng ngày. Thời gian gần đây, tìm hiểu được nhu cầu của người dân trong buôn về dịch vụ xay xát gạo, các loại thức ăn cho chăn nuôi, anh đã sắm thêm một hệ thống máy móc với đầy đủ thiết bị, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập, trang trải cho cuộc sống hằng ngày và nuôi các con ăn học.

Ngoài việc phát triển kinh tế, Y Klo còn là một Chi hội trưởng xuất sắc của Chi hội nông dân buôn Tring 4, được UBND xã Ea Blang tặng giấy khen nhiều năm liền.  Đến năm 2009, anh được bầu làm buôn phó và năm 2012, anh được bà con trong buôn tín nhiệm làm buôn trưởng buôn Tring 4.

Thanh Bình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.