Multimedia Đọc Báo in

Quýt đường miệt vườn lên Tây Nguyên

14:50, 11/05/2013

Từ lâu, khi nói đến cây ăn quả người dân cả nước thường nhắc đến miệt vườn miền Tây với những vườn cây trĩu quả. Tuy nhiên, hiện nay ông Đặng Ngọc Cơ (thôn Tiến Thịnh, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) cũng đã thành công trong việc trồng cây quýt đường miệt vườn trên vùng đất đá nơi đây.

Sinh năm 1962 trên mảnh đất thuần nông nghèo, quanh năm bám ruộng lúa ở Nghệ An, năm 1979, ông Đặng Ngọc Cơ đi nghĩa vụ quân sự và chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Sau khi xuất ngũ (năm 1982), vì cuộc sống nghèo khó nên ông “khăn gói quả mướp” vào Dak Lak mưu sinh. Sống trên vùng đất với bạt ngàn cà phê, cao su, hằng ngày hai vợ chồng ông cần cù chăm bẵm vườn cà phê nhưng thu nhập không đáng kể, số tiền kiếm được cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Sau hơn 30 năm xa quê, đầu năm 2010 trong một lần tình cờ xuống thăm người bà con ở miền Tây, ông thấy nơi đây có những vườn quýt, vườn cam trĩu quả, trái quýt lại có vị ngọt thanh, khi chín có vỏ màu vàng - xanh được thị trường rất ưa chuộng. Thấy mới lạ, thú vị, ông nảy sinh ý định mang cây quýt đường về trồng thử nghiệm trên vùng đất đá Quảng Tiến (huyện Cư M’gar). Ý tưởng phá bỏ những cây cà phê năng suất thấp để trồng quýt đường nhen nhóm trong ông từ đó. Nghĩ là làm, ông mày mò, học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây quýt đường qua các tài liệu, thông tin, thực tiễn từ nhiều mô hình trang trại, rồi đánh liều xuống tận vườn ươm giống cây ăn quả Cái Mơn (Bến Tre) đặt mua gần 1.000 cây quýt đường (với giá 15 ngàn đồng/cây) và phá bỏ hơn 2 sào rẫy cà phê để trồng. Lúc đó, nhiều người thấy ông trồng cây quýt với số lượng lớn đều hết sức lo ngại vì nghĩ rằng đất này bạc màu, cây quýt thì dễ phát sâu bệnh nên khó thành công. Tuy nhiên, sau 2 năm trồng trên đất mới, cây quýt phát triển rất tốt, nhanh cho quả, quả lại ra quanh năm.
Ông Đặng Ngọc Cơ bên vườn quýt đường của gia đình
Ông Đặng Ngọc Cơ bên vườn quýt đường của gia đình
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn quýt đang đến kỳ thu hoạch với những cây trĩu quả, ông chia sẻ về kỹ thuật trồng: Hố trồng quýt đào với kích thước 20cm x 20cm, gốc cách gốc 1,5m, sau đó cho phân xanh hoặc phân bò (khoảng 5 - 10kg/gốc). Khi cây chưa cho trái thì chăm sóc bình thường như những cây khác. Từ năm thứ 2 trở đi cây sẽ cho thu hoạch thì cần chăm sóc theo đúng định kỳ, phù hợp. Cây quýt đường có ưu điểm: Không kén đất, cây sinh trưởng phát triển nhanh, sức kháng bệnh tốt, năng suất cao. Để quả ngọt và mọng nước thì lúc dưỡng quả rất quan trọng, phải chăm sóc đúng kỹ thuật, bón phân vừa đủ liều lượng; thường xuyên tưới đủ nước giữ ẩm cho cây, phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu, bệnh theo định kỳ. Cỏ trong vườn không nên xịt thuốc diệt cỏ mà chỉ dùng máy cắt để giữ độ ẩm… Vườn quýt của ông mới đưa vào thu hoạch nhưng cũng cho năng suất từ 50-60kg/cây. Với giá bán hiện tại từ 20 - 25 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng sau khi đã trừ chi phí đầu tư. Dịp Tết Quý Tỵ vừa qua vườn quýt của gia đình ông bán được hơn 2 tấn, thu khoảng 50 triệu đồng. Không chỉ dừng lại ở cây quýt đường, ông Cơ đang thực hiện trồng thử nghiệm thêm các loại cây: cam sành, chôm chôm Thái Lan, Thanh Long ruột tím… Tất cả những loại trái cây này đều rất ngon, quả quanh năm được thị trường ưa chuộng, sau 3 năm sẽ cho quả bói. Nếu thành công, chắc chắn loại cây này sẽ đưa lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ siêng năng, cộng với tính chịu khó học hỏi mà giờ đây ông Cơ đã biến mảnh đất khô cằn, sỏi đá thành vườn quýt trĩu quả. Không những tự làm giàu cho bản thân, ông còn sẵn lòng hỗ trợ về kỹ thuật trồng và cách chăm sóc cây, đồng thời tạo điều kiện cho nông dân các nơi khác muốn đến tham quan, học hỏi mô hình trồng quýt của mình.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc