Multimedia Đọc Báo in

Xã Ia T’mốt (Ea Súp): Xóa đói giảm nghèo nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi hiệu quả

09:29, 17/07/2013

Ia T’mốt là một xã thuần nông của huyện Ea Súp, trước đây chủ yếu độc canh cây lúa, hoàn toàn phụ thuộc thiên nhiên nên thu nhập của người dân hết sức bấp bênh, năm nào mưa thuận, gió hòa thì có khoảng 50% số hộ đủ ăn, còn thường thì có đến 70% số hộ bị thiếu lương thực.

Trước tình hình đó, để từng bước ổn định cuộc sống cho người dân và định hướng thoát nghèo bền vững, Đảng ủy, chính quyền xã đã có những đường lối đổi mới phù hợp. Xác định nông nghiệp là thế mạnh của xã, Đảng ủy, chính quyền đã chủ động thực hiện giải pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa những giống cây, con năng suất cao vào trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó cây mía đường, thuốc lá và bông vải đã khẳng định thế mạnh khi trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân thoát nghèo. Thực tế trong khoảng 5 năm trở lại đây, đời sống của người dân xã Ia T’mốt được nâng cao cũng nhờ vào hiệu quả của 3 loại cây trồng này. Hằng năm toàn xã trồng khoảng 350 ha cây mía đường, 300 ha cây thuốc lá và khoảng 200 ha cây bông vải. Nhờ phát triển 3 loại cây này, nhiều hộ dân đã có thu nhập từ 50-100 triệu đồng; điển hình như: gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn (thôn 8) mỗi năm trồng 10 ha mía với thu nhập trên 120 triệu đồng/ha; gia đình anh Trần Văn Hùng (thôn 9) trong năm 2012 đã trồng 5 ha cây thuốc lá, thu lợi 100 triệu đồng/ha…

Chăn nuôi bò ở xã Ia T’mốt đang phát triển theo hướng trang trại tập trung.
Chăn nuôi bò ở xã Ia T’mốt đang phát triển theo hướng trang trại tập trung.

Từ năm 2010 trở lại đây, nhờ hệ thống thủy lợi của kênh Chính Tây, sản xuất lúa nước ở xã đã không còn phụ thuộc vào thời tiết mà có thể chủ động phục vụ nước tưới cho cả 2 vụ. Nhờ đó diện tích đất sản xuất lúa của xã nâng lên 3.404 ha; trong đó, diện tích lúa nước 2 vụ khoảng 2.200 ha. Không chỉ mở rộng diện tích sản xuất, người dân còn chủ động đưa các giống lúa mới năng suất cao vào trồng; trong đó nhiều giống lúa cho năng suất từ 7-8 tấn/ha như các giống: nhị ưu, IR64, lúa lai hai dòng.

Bên cạnh đó, người dân xã Ia T’mốt còn chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư vốn, lao động để phát triển chăn nuôi theo hình thức kinh tế trang trại và gia trại, có thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm…

Để hỗ trợ nông dân sản xuất, xã Ia T’mốt còn giúp người dân sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm thông qua các hội, đoàn thể. Nguồn vốn vay này được nhân dân tập trung đầu tư vào các dự án trồng mía, nuôi bò và khai hoang đất để canh tác. Các tổ chức hội, đoàn thể còn lồng ghép công tác chuyên môn với việc tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên giúp nhau vốn phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo có vốn mở rộng sản xuất, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập. Trên địa bàn xã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, nhiều mô hình xóa đói giảm nghèo được hình thành và hoạt động có hiệu quả như: tổ tín dụng xóa đói giảm nghèo, phong trào nông dân sản xuất giỏi, tổ tiết kiệm phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình, mô hình phát triển kinh tế vườn…

Văn Tân

 


Ý kiến bạn đọc