Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu nhờ trồng hoa

22:02, 26/05/2017

Năm 2000, sau khi lấy chồng, chị H'Lan Niê (thôn 4, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M'gar) được bố mẹ chia cho hai sào đất sỏi đá để dựng nhà và trồng lúa. Đất sản xuất ít ỏi, vợ chồng chị phải làm thuê nhưng thu nhập cũng không đủ trang trải cuộc sống. Năm 2007, thấy nhiều người đến địa phương thuê đất trồng hoa, đang lúc thiếu việc làm, H'Lan xin làm thuê chăm sóc hoa cho các vườn trong thôn.

Thấy công việc trồng hoa nhẹ nhàng, thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng hoa màu truyền thống trước đây, chị H’Lan dần dần tích lũy vốn và kinh nghiệm để  trồng hoa. Đến năm 2010, vợ chồng chị quyết định chuyển 500 m2 đất trước đây chỉ cấy lúa cho thu nhập thấp chuyển sang trồng thử hoa cúc. Thu nhập từ trồng hoa cúc sau 4 tháng chăm sóc cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Từ đó, chị đầu tư chuyển toàn bộ diện tích hơn một sào đất của gia đình sang trồng hoa cúc và hoa lay ơn, mỗi tháng trồng hai lứa để có thu nhập từ vườn hoa quanh năm.

Chị H'Lan trong vườn hoa cúc của gia đình.
Chị H'Lan trong vườn hoa cúc của gia đình.

Vụ hoa dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, với diện tích 500m2 gia đình chị có lãi 30 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí đầu tư. Nhờ được chăm sóc chu đáo, vườn hoa cúc của chị đẹp nhất thôn, thường nở đúng dịp tết nên có bao nhiêu cũng không đủ cho thương lái đến nhập. Sau vài năm trồng hoa, gia đình chị H’Lan có thu nhập cao và ổn định, nhờ đó chị đã có điều kiện nuôi con ăn học, sắm sửa vật dụng trong gia đình và xây được ngôi nhà khang trang trị giá hơn 300 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, khi đã có vốn, chị mua thêm đất trồng cà phê, tiêu và nuôi dê sinh sản. Chị tận dụng cành lá trong vườn làm thức ăn cho dê, đến nay đàn dê của gia đình chị đã phát triển trên 20 con, phân dê dùng để bón phân cho hoa. Hiện mỗi năm thu nhập của gia đình chị H’Lan có lãi hơn một trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí. Chị còn đang dự định đến TP. Buôn Ma Thuột học hỏi kinh nghiệm để trồng thêm nấm sò.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị H’Lan còn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Với vai trò là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ của thôn kiêm cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình, chị luôn nhiệt tình trong công tác và sẵn sàng giúp đỡ những gia đình chưa có kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi để cùng nhau vươn lên thoát nghèo. Năm 2013, chị H’Lan đã vinh dự được kết nạp Đảng.

Trung Hải


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.