Multimedia Đọc Báo in

Công bố chuẩn đầu ra: BƯỚC ĐỘT PHÁ TRONG ĐÀO TẠO NGHỀ

09:34, 10/01/2011

Năm 2010, các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) trên địa bàn tỉnh đã công bố chuẩn đầu ra của 7 nhóm ngành đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Đây là bước đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tế của xã hội.

Đào tạo cái xã hội cần
Theo tiến sĩ Nguyễn Chiến, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Công nghệ Tây Nguyên, đào tạo theo chuẩn Chương trình khung là yêu cầu bắt buộc đối với các trường TCCN, nhất là trong bối cảnh cơ chế thị trường tác động mạnh mẽ đến thị thường lao động. Không như nhiều năm trước, học sinh (HS) sau khi hoàn thành chương trình học được bố trí việc làm ổn định ở các cơ quan, đơn vị, hiện nay, HS phải tự tìm kiếm việc làm và yêu cầu của các đơn vị tuyển dụng đối với lao động đã qua đào tạo trung cấp nghề cũng khắt khe hơn, ngoài kiến thức, cần phải có kỹ năng, tác phong, khả năng lao động... Chính đòi hỏi này buộc các đơn vị đào tạo phải đổi mới mục tiêu đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế của xã hội. Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Chiến, việc chuyển đổi đào tạo từ cái mình có sang cái xã hội cần là một thử thách, áp lực lớn đối với các trường. Song, việc đào tạo đội ngũ lao động đạt chuẩn, thỏa mãn các yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động sẽ khẳng định vị thế của trường trong lòng HS, phụ huynh và xã hội.

Ông Võ Ngọc Trịnh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Dak Lak cho biết, xây dựng mục tiêu đào tạo là khâu then chốt của quá trình đào tạo theo chuẩn đầu ra. Nếu như trước đây, nội dung đào tạo của các nhóm, khối ngành gần như chung chung, HS sau khi tốt nghiệp làm việc gì cũng được, thì hiện nay đã thay đổi. Cả giáo viên và HS phải xác định rõ nội dung ngành nghề đang giảng dạy - học tập và làm được những việc cụ thể gì sau khi tốt nghiệp ra trường. Bên cạnh đó, để đạt được chuẩn đầu ra, tùy theo từng học phần chuyên ngành nhà trường chủ động bố trí giảng viên giàu kinh nghiệm, giúp HS học tập theo hướng tích hợp kiến thức, tăng thời  gian thực hành nghề nghiệp. Nếu như những năm học trước, thời gian thực hành của HS chỉ chiếm 69% thời gian đào tạo, thì sau khi áp dụng chuẩn đầu ra đã nâng lên 73%. Để đào tạo đội ngũ lao động “vừa hồng vừa chuyên”, Hội đồng quản trị và Ban Giám hiệu Trường Trung cấp Kinh tế Công Nghệ Tây Nguyên đã liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp giúp HS có môi trường thực tập tốt, trải nghiệm thực tế; đồng thời mời những chuyên gia công tác tại các đơn vị, doanh nghiệp cùng tham gia giảng dạy. Đội ngũ giảng viên không chuyên này đã cung cấp cho HS những kiến thức thực tế, đặc biệt là những kinh nghiệm trong quá trình làm việc, giúp HS đến gần hơn với nơi sử dụng nguồn nhân lực. Sự liên kết này đã tạo một luồng sinh khí mới cho các trường, giúp các trường tiệm cận gần hơn với mục tiêu đào tạo chuẩn đầu ra, tiến sĩ Nguyễn Chiến khẳng định.

Học sinh Trường Trung cấp Kinh tế Công nghệ Tây Nguyên trong giờ thực hành môn tin học.
Học sinh Trường Trung cấp Kinh tế Công nghệ Tây Nguyên trong giờ thực hành môn tin học.


Cuộc “vật lộn” nặng nề
Chuẩn đầu ra sẽ định hướng kiến thức, kỹ năng, thái độ, khả năng học tập - giảng dạy của HS và giảng viên. Tuy nhiên, đào tạo như thế nào để đạt chuẩn là điều không đơn giản đối với các trường TCCN hiện nay, nếu không muốn nói là một cuộc “vật lộn” nặng nề. Tiến sĩ Nguyễn Chiến phân tích, chất lượng tuyển sinh đầu vào của các trường TCCN hiện nay rất thấp. Việc HS “chịu học” học đã là khó, do đó, trong quá trình thực hiện đào tạo theo chuẩn đầu ra, nhà trường cũng phải linh động, tạo sự đồng thuận trong HS. Đối với 6 khối ngành đào tạo, trước khi HS đi thực tập tốt nghiệp, nhà trường tổ chức một cuộc tổng kiểm tra kiến thức toàn diện để đánh giá chất lượng giảng dạy - học tập. Những HS không đạt yêu cầu được nhà trường bố trí thời gian, giảng viên để củng cố kiến thức, tăng thời gian thực hành, giúp các em vững vàng bước vào môi trường làm việc tại các doanh nghiệp. Về lâu dài, trường sẽ bố trí thời gian hợp lý bổ trợ kiến thức các môn văn hóa cho HS. Đối với những HS đã tốt nghiệp, có việc làm ổn định, nhưng trong quá trình làm việc, nếu kiến thức được trang bị chưa đáp ứng yêu cầu công việc, có thể quay lại trường để được bổ sung. Ông Trương Thức, Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở Giáo dục - Đào tạo) thẳng thắn nhìn nhận, nội lực của các trường TCCN vẫn còn yếu chưa thể đáp ứng tốt mục tiêu, nội dung chương trình và phương pháp đào tạo theo hướng chuẩn đầu ra. Tuy nhiên, việc công bố chuẩn đầu ra là sự cam đoan của các trường về chất lượng đào tạo.

Trong vòng 10 năm (2001 - 2010), toàn tỉnh có 7.572 HS tốt nghiệp hệ TCCN, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề tại địa phương. Qua thống kê của các trường, HS tốt nghiệp có việc làm ổn định chiếm tỷ lệ khá cao. Cụ thể, năm 2009, Trường Trung cấp Kinh tế Công nghệ Tây Nguyên 85% HS tốt nghiệp có việc làm ổn định, tỷ lệ này ở các Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Dak Lak, Trung cấp Trường Sơn, Trung cấp Y tế  là 80%. Đây là tỷ lệ phản hồi khá tích cực, chứng tỏ đào tạo nghề  của các trường đã theo kịp nhu cầu của xã hội.

 

Nguyên Hoa

 


Ý kiến bạn đọc