Nghịch lý trong tuyển sinh trường nghề
Hàng chục nghìn học sinh không đỗ đại học, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm hoặc làm không đúng chuyên môn. Trong khi đó, hơn 80% số sinh viên tốt nghiệp trường nghề trên địa bàn tỉnh có việc làm đúng ngành nghề, thu nhập ổn định… Mặc dù vậy, một nghịch lý đang diễn ra là công tác tuyển sinh của các trường nghề ngày càng gặp nhiều khó khăn.
Dễ “đầu ra”mà vẫn khó “đầu vào”
Tốt nghiệp THPT, Y Joan ở xã Ea Trang (M’Drak) nhận thấy học lực của mình không thể thi vào Đại học nên quyết định theo học nghề Cơ khí tại trường Cao đẳng Nghề Dak Lak. Khi gần tốt nghiệp, một số công ty đã đến đăng ký tuyển dụng Y Joan và các bạn trong lớp vào làm việc với mức lương khởi điểm từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Y Joan tâm sự: “Học trường nghề tại địa phương vừa ít chi phí lại vừa có việc làm ngay sau khi ra trường. Vậy mà nhiều bạn cùng trang lứa chưa thấy rõ điều này, đua nhau đi thi đại học rồi trượt, về nhà làm rẫy, làm thuê, công việc thu nhập bấp bênh, cuộc sống chật vật…”.
Lớp học nghề May công nghiệp tại Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên. |
Lãnh đạo Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak cho biết: Hằng năm, nhiều công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã chủ động liên hệ với nhà trường để tuyển nguồn lao động có tay nghề vào làm việc, đặc biệt là đối với các nghề điện, hàn, cắt gọt kim loại… Thế nhưng, những nghề này số lượng hồ sơ nộp vào rất ít và càng ngày nhà trường càng gặp khó khăn hơn trong việc tuyển sinh. Để công tác tuyển sinh đạt chất lượng, cùng với việc tổ chức quảng bá các ngành nghề tuyển sinh, đào tạo trên các phương tiện truyền thông, nhà trường còn liên tục cử cán bộ trực tiếp đến tận các trường THPT và các Trung tâm Giáo dục thường xuyên trong tỉnh để tuyên truyền, tư vấn; đến tận các đơn vị bộ đội sắp có đợt xuất ngũ để thông báo kế hoạch, tình hình tuyển sinh của trường... Vậy mà, kết quả tuyển sinh vẫn có chiều hướng ngày càng đi xuống, thậm chí một số ngành học đang đứng trước nguy cơ phải tạm ngừng đào tạo. Ở bậc Cao đẳng, trường đã phải ngừng tuyển sinh nghề Điện tử công nghiệp, thay vào đó mở thêm nghề kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí để phù hợp với nhu cầu thực tế. Ngay sau khi các trường đại học công bố điểm thì số hồ sơ nộp vào trường tăng vọt (trong tuần đầu tiên có 100 hồ sơ), nhưng so với cùng thời điểm này những năm trước thì vẫn ở mức thấp. Chỉ tiêu tuyển sinh của trường mỗi năm khoảng 600 sinh viên, học sinh cả 2 hệ Cao đẳng và Trung cấp. Năm 2011 hồ sơ nộp vào là 1.000 thì sang năm 2012 chỉ còn 800 kéo theo đó chất lượng đầu vào cũng giảm… Một điều đáng nói nữa là hồ sơ nộp vào từng ngành học có sự chênh lệch quá lớn, chỉ tập trung vào một số ngành như: Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp, còn các ngành Điện dân dụng, Công nghệ thông tin, Kế toán doanh nghiệp thì rất ít.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên, thầy Ra Lan Von Ga chia sẻ: Một số nghề mà các doanh nghiệp luôn đặt hàng, “săn đón” học sinh tốt nghiệp như: Chế biến gỗ, Chế biến cà phê ca cao, Kỹ thuật xây dựng, Cơ khí, Dệt may…thì hồ sơ nộp vào lại cảnh “đìu hiu chợ chiều”. Năm học này trường cần tuyển 1.380 học sinh, sinh viên, nhưng kết thúc đợt 1 mới chỉ mới nhận được 833 hồ sơ. Mặc dù trường đã mở rộng đối tượng dự tuyển và địa bàn rộng ra toàn quốc, đồng thời tăng cường tuyên truyền để định hướng nghề cho học sinh… nhưng số lượng hồ sơ nộp vào trường năm sau vẫn giảm 30% so với năm trước.
Các trường nghề trong tỉnh đều có chung nhận định, với tình hình này, sắp tới công tác tuyển sinh càng khó khăn hơn. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 74 (sửa đổi Nghị định 49), trong đó quy định học sinh, sinh viên vùng cao vẫn phải nộp học phí - điều này sẽ khiến học sinh trong tỉnh và khu vực càng thêm “ngại” học nghề... Bên cạnh đó, Quy định 55 của Bộ GD&ĐT về việc thắt chặt liên thông đã khiến cho con đường học tập nâng cao trình độ của học sinh, sinh viên các trường nghề vốn đã khó khăn, nay càng trở nên hẹp hơn. Muốn liên thông lên đại học, học sinh phải đợi 36 tháng hoặc thi lại như học sinh THPT, trong khi kiến thức nền ở cấp THPT, sau 2 hay 3 năm học nghề đã bị mai một. Điều đó đã làm khó cho trường nghề, bởi đa số các bạn trẻ đã không thích vào học tại các trường nghề, nay lại càng ngại, mặc dù học sinh, sinh viên trường nghề khi tốt nghiệp luôn có tỷ lệ tìm được việc làm đúng với chuyên môn rất cao…
Cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ
Thực tế cho thấy, chỉ riêng kỳ thi đại học năm 2013 vừa qua, Trường Đại học Tây Nguyên có 24.000 hồ sơ dự tuyển, mà chỉ tiêu tuyển sinh là 3.200 sinh viên. Vậy hơn 20.000 thí sinh thi trượt sẽ về đâu? Trong khi đó, các trường nghề trên địa bàn tỉnh và khu vực vẫn chật vật và ngày càng khó khăn trong tuyển dụng! Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc khó tuyển sinh của các trường nghề bao gồm nhiều yếu tố, trong đó vấn đề đầu tiên phải kể đến là do công tác hướng nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Học sinh vẫn chưa đủ hiểu biết và chưa có nhiều cơ hội để thử sức với nghề đã chọn. Hầu hết các trường nghề lại đều phải đợi thí sinh không đỗ đại học mới đăng ký vào học trường nghề. Điều này cũng phản ánh tâm lý của đa số phụ huynh và học sinh khi đại học, cao đẳng vẫn là lựa chọn hàng đầu, học nghề chỉ là giải pháp sau cùng và thường chọn những nghề làm việc nhẹ nhàng, văn phòng mà ít chọn nghề về kỹ thuật, thủ công, nặng nhọc. Trong khi đó, những năm gần đây, các trường đại học, cao đẳng thành lập mới nhiều. Riêng trên địa bàn tỉnh, nhiều trường đại học, cao đẳng mở chi nhánh, phân hiệu tuyển sinh với những chiêu “khuyến mãi”, “hoa hồng” cho người giới thiệu học sinh khá hậu hĩnh. Điều kiện đầu vào các trường đại học, cao đẳng lại thoáng nên thí sinh đã không lựa chọn học nghề. Chưa kể, các trường đại học lớn cũng đào tạo thêm hệ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề và đều hứa hẹn với người học về khả năng được liên thông lên đại học. Điều đó khiến học sinh không “mặn mà” với trường nghề…
Trước thực trạng này các trường nghề trong tỉnh đều nỗ lực nâng cao chất lượng và số lượng tuyển sinh như: tiếp cận, tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh thông qua nhà trường, chính quyền, đoàn thể... Ngoài ra còn có những chiến lược “dài hơi” lấy chất lượng tay nghề, việc làm sau khi ra trường làm thước đo cho công tác tuyển sinh. Thấy Von Ga, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên Dân tộc Tây Nguyên cho biết: Trường hiện là một trong 40 trường nghề trọng điểm của cả nước (4 nghề cấp ASEAN và 3 nghề cấp quốc gia). Chính vì vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, mở rộng các ngành nghề đào tạo phù hợp với thực tế, với xu thế phát triển xã hội, trường còn nhiều dự án lớn đầu tư nhằm phát triển thành trường nghề trọng điểm đào tạo nghề chất lượng cao cho khu vực Tây Nguyên và toàn quốc. Hiện trường có Khoa Sư phạm nghề, mỗi năm đào tạo khoàng 250 đến 300 giáo viên nghề cho các trung tâm dạy nghề trong khu vực. Trường thường xuyên phối hợp với hơn 50 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đào tạo, tuyển sinh, tuyển dụng, xây dựng chương trình, giáo trình, đánh giá học sinh tốt nghiệp… Chính vì vậy hơn 80% số học sinh ra trường có việc làm, trong đó một số nghề đạt tỷ lệ 100% có việc làm. Trước mắt trường sẽ đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo 3 nghề cấp quốc gia là: Lâm sinh, Chế biến cà phê - ca cao và Thú y. Dự án nâng cấp trường giai đoạn 2 do tổ chức KOICA (cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc) tài trợ với tổng kinh phí dự án 6 triệu USD (trong đó 1 triệu USD là vốn đối ứng của Việt Nam). Với nguồn kinh phí này, ngoài các khoản đầu tư trong dự án như xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo đội ngũ giáo viên, trường sẽ hình thành các trung tâm hoạt động như những doanh nghiệp thực thụ. Đây sẽ là nơi để học sinh, sinh viên vừa học vừa làm nhằm sử dụng hiệu quả nhất các trang thiết bị và cơ sở vật chất, đồng thời nâng cao tay nghề, tạo ra sản phẩm thiết thực- thành quả của học tập và làm việc, tăng thu nhập cho giáo viên, học sinh khiến thầy trò đều hứng khởi hơn trong dạy và học nghề…
Tuy nhiên, nếu chỉ có sự đổi mới, nỗ lực của các trường nghề thì vẫn chưa thể “kéo” học sinh đến học nghề được mà cần phải có sự kết hợp đồng bộ từ nhiều phía. Chính quyền, đoàn thể các địa phương cần phối hợp điều tra, nắm bắt tình hình thực tế học sinh trên từng địa bàn để có chính sách khuyến khích, thu hút thanh thiếu niên theo học nghề. Công tác tuyên truyền, quảng bá cần được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thường xuyên và liên tục đến các đối tượng, làm sao để thanh thiếu niên nhận thức được rằng học nghề cũng vẫn có thể lập thân, lập nghiệp. Đồng thời, ngành Giáo dục cần thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh ngay từ bậc THCS…
Minh Quân
Ý kiến bạn đọc