Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”: Còn lắm gian nan
Kỳ cuối: Nỗ lực hướng đến mục tiêu của Đề án
Theo mục tiêu của Đề án 1956: đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có 60 cơ sở dạy nghề, đào tạo nghề cho 90.000 lao động nông thôn và 22.000 cán bộ, công chức xã… với tổng kinh phí thực hiện hơn 492 tỷ đồng, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 45%. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh nỗ lực của các cấp, ngành, rất cần sự đồng thuận, vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và người dân.
Nghề trồng nấm được nhiều nông dân huyện Krông Ana đăng ký theo học ở Trung tâm dạy nghề huyện. |
Nhân rộng những mô hình dạy nghề hiệu quả
Sau 3 tháng học nghề trồng nấm tại Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana, gia đình anh Đoàn Xuân Thu (thôn 4, xã Bình Hòa) đã tận dụng nguồn rơm rạ sẵn có gây dựng một trại trồng nấm rơm, và hơn 1 tháng sau đã thu lại trên 2 triệu đồng vốn đầu tư ban đầu. Nhận thấy hiệu quả rõ rệt từ mô hình này, vợ chồng anh mạnh dạn phá bỏ 4 sào cà phê già cỗi, năng suất thấp, vay mượn thêm vốn đầu tư làm 4 trại nấm. Theo tính toán của anh, mỗi tháng một trại cho thu hoạch bình quân 40 kg nấm rơm, với giá bán 60.000 - 100.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi gần 2 triệu đồng. Anh Thu cho biết: ban đầu gia đình cũng lúng túng khi áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, nhưng được cán bộ Trung tâm xuống tận nơi “cầm tay chỉ việc” nên anh đã thực hiện thành công. Nếu như trước đây rơm chỉ dùng làm nguồn thức ăn chăn nuôi, số còn lại thường đốt đi rất lãng phí thì nay nông dân lại tận thu để trồng nấm. Là một trong những vựa lúa của tỉnh, Krông Ana là huyện có nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển nghề trồng nấm. Nắm bắt thế mạnh này, Trung tâm Dạy nghề huyện đã tập trung mở các lớp dạy nghề trồng và khai thác nấm đem lại hiệu quả rõ rệt. Bà Đinh Thị Danh, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Không chỉ dạy lý thuyết, Trung tâm còn trực tiếp xây dựng mô hình, thành lập tổ sản xuất để học viên thực hành, sau đó phân công từng giáo viên phụ trách địa bàn cụ thể có trách nhiệm hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” cho đến khi nông dân áp dụng thành công nghề đã học”. Nhờ vậy, phần lớn các học viên học nghề trồng nấm tự mở cơ sở sản xuất theo hộ hoặc nhóm hộ, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập từ 2-4 triệu đồng/tháng. Mô hình trồng và khai thác nấm của trung tâm không chỉ được nông dân các huyện Ea Kar, Krông Pak, Ea Súp… đến học mà còn được chuyển giao cho các trung tâm dạy nghề trong và ngoài tỉnh.
Giáo viên Trung tâm Dạy nghề huyện Cư M’gar hướng dẫn học viên cách nhận biết sâu bệnh hại trên cây cà phê. |
“Đối với các lớp dạy nghề nông nghiệp, nếu cứ “cứng nhắc” tổ chức tại trung tâm sẽ không phát huy hiệu quả vì hầu hết học viên đều là lao động chính của gia đình không thể học theo hình thức tập trung tại trung tâm. Hơn nữa nếu chỉ dạy lý thuyết suông, hay dạy bằng mô hình mà không thực hành ngay tại vườn cây, chuồng nuôi thì học viên không thể nhớ và áp dụng vào thực tiễn sản xuất được” - Anh Hồ Thanh Hùng, giáo viên Trung tâm Dạy nghề huyện Cư M’gar lý giải như vậy về việc các lớp dạy nghề nông nghiệp đều được trung tâm tổ chức ngay tại thôn, buôn. Là 1 trong 2 giáo viên của lớp dạy nghề Trồng và chăm sóc cà phê vối đang được tổ chức tại buôn Kroa B (xã Cuôr Đăng) sau phần lý thuyết của mỗi mô-đun bài giảng về nhân giống cà phê, trồng mới, chăm sóc, quản lý sâu bệnh hại… “thầy Hùng” đều cùng với 35 học viên của lớp xuống tận vườn cà phê để thực hành. Các học viên được chia thành từng nhóm nhỏ, tự thực hiện các kỹ thuật đã được học, thuyết trình trước lớp, sau đó giáo viên sẽ nhận xét và đưa ra hướng xử lý cho từng trường hợp cụ thể. Cách làm này đã thực sự “truyền nghề” được cho từng học viên. Anh Y Dhia Ayun, học viên của lớp cho biết, trước đây, các hộ trồng cà phê trong buôn chủ yếu làm theo kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau nên chi phí đầu tư lớn nhưng hiệu quả chưa cao. Qua lớp học này, nông dân đã nắm bắt được kỹ thuật trồng cà phê một cách hệ thống, biết cách phòng trừ sâu bệnh hại và định lượng được lượng phân bón, nước tưới phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây.
Dạy nghề bằng cách “cầm tay chỉ việc”, “truyền nghề trực tiếp” đã được các cơ sở dạy nghề áp dụng ở nhiều nghề như xây dựng dân dụng, sửa chữa xe gắn máy, mây tre đan kỹ nghệ, trồng và khai thác nấm nên đã đem lại hiệu quả cao. Các học viên được trang bị những kỹ năng cần thiết để thực hành nghề và áp dụng vào thực tế sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án 1956, chất lượng nguồn lao động nông thôn của tỉnh đã được nâng lên, nhiều lao động sau đào tạo đã có việc làm mới, tự chuyển đổi nghề nghiệp tăng thu nhập hoặc biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhưng tỷ lệ lao động nông thôn được học nghề còn khá thấp so với thực tế, mới chỉ đạt khoảng 33%. Do vậy, để đạt được mục tiêu của đề án, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động tham gia học nghề, liên kết chặt chẽ với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhằm giúp người lao động tiếp thu nghề nhanh hơn và có việc làm sau đào tạo; phát triển đội ngũ giáo viên, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị; thường xuyên khảo sát, chủ động xác định, bổ sung danh mục ngành nghề đào tạo sát với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, các ngành kinh tế và thị trường lao động. Đối với các địa phương, việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn cũng là mục tiêu trọng yếu để hoàn thành tiêu chí 12 về chuyển đổi cơ cấu lao động trong xây dựng nông thôn mới. Do đó, mỗi địa phương cũng cần từng bước đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, có những ưu tiên, hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn để thu hút người lao động nông thôn tham gia chuyển dịch ngành nghề sau đào tạo, nâng cao thu nhập.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê K’dăm, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 tỉnh cho biết: trong thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, ngành rà soát, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở dạy nghề, xây dựng chỉ tiêu cụ thể về nghề cần đào tạo gắn với nhu cầu của người học và người sử dụng lao động; tập trung đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, lao động nữ và nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương cho công tác dạy nghề. Nhưng để đề án về đích đúng hẹn, rất cần sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự hợp tác và nhận thức của người dân về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc