"Đất sống" cho thổ cẩm…
Đơn cử như một chiếc khăn trải bàn rộng 80 cm, dài 2,5 m, phải mất cả tuần mới dệt xong. Cũng bởi vậy với những hoa văn đẹp, phức tạp thì giá của những chiếc khăn trải bàn thổ cẩm ấy lên đến cả tiền triệu một tấm. Độ bền của những sản phẩm này là không thể phủ nhận nhưng mức giá thì lại thiếu sức hấp dẫn. Trong khi đó những sản phẩm may mặc khác phong phú về mẫu mã, chủng loại và “mềm” về giá cả đã thực sự làm cho thổ cẩm bị lép vế khi cạnh tranh trên thị trường.
Bà Bùi Thị Lan, Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo Mặc Vi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, một xã viên của HTX Dệt thổ cẩm Buôn Ma Thuột, rất trăn trở về điều này. Và theo bà, thổ cẩm ngày càng có nguy cơ mai một chính là vì thiếu “đất sống”. Trước sự tác động của nền kinh tế thị trường, trang phục thổ cẩm hầu như chỉ được “sống” trong các dịp lễ hội hay mang tính chất lễ tân, giao lưu về văn hóa, chưa được đời sống hóa. Với con mắt của một nhà kinh doanh thiết kế quảng cáo, bà Lan cho rằng thổ cẩm cũng phải trở thành một ngành thời trang ứng dụng thì mới tồn tại và có sức hấp dẫn. Có nghĩa phải cách tân một cách phù hợp những tinh hoa của văn hóa thổ cẩm vào trong trang phục, không nhất nhất cứ theo khuôn mẫu, chất liệu truyền thống, để phù hợp với gu thẩm mỹ và yêu cầu của sinh hoạt, lao động, học tập hiện nay. Bà Lan nhấn mạnh, bảo tồn lưu giữ văn hóa thổ cẩm nhưng không phải cứ khư khư ôm lấy những mẫu xưa cũ, phải bảo tồn để thích ứng trong môi trường sống thực tại. Để làm được điều ấy, quan trọng là đưa cái hồn của thổ cẩm, tiết tấu hoa văn của thổ cẩm vào trong những chất liệu trang phục phổ biến hàng ngày để ai cũng có thể mặc mà vẫn thấy thuận tiện trong làm việc. Tuy nhiên khi thời trang thổ cẩm được ứng dụng thành công thì vị trí của những nghệ nhân, người thợ dệt thổ cẩm truyền thống sẽ như thế nào? Về điều này, bà Lan cho rằng họ vẫn luôn là những “báu vật sống” để bảo tồn và lưu giữ văn hóa thổ cẩm. Điều cần lưu tâm ở đây chính là giúp họ có cái nhìn mới để sản xuất gắn với thời cuộc.
Câu chuyện của HTX Dệt thổ cẩm Buôn Ma Thuột có lẽ cũng là nỗi niềm của nhiều HTX cũng như thợ dệt thổ cẩm. Và những chia sẻ của bà Lan có thể xem là một cách nhìn mới, gợi mở hướng đi để thổ cẩm cũng như nhiều sản phẩm văn hóa truyền thống khác sống được và được hiện diện nhiều hơn trong thực tiễn.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc