Multimedia Đọc Báo in

Sơ kết 5 năm (2010-2014) thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020":

Tỷ lệ lao động nông thôn được học nghề mới chỉ đạt 60,3% so với Đề án

09:25, 26/03/2015
Chiều 25-3, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm (2010-2014) thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956), đề ra kế hoạch năm 2015 và 5 năm 2016-2020 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 1956 tỉnh Mai Hoan Niê Kdăm.
 
Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; đại diện các trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
 
1
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 1956 tỉnh Mai Hoan Niê Kdăm phát biểu tại Hội nghị

Sau 5 năm thực hiện Đề án 1956, toàn tỉnh đã hỗ trợ dạy nghề cho 13.751 lao động nông thôn (đạt 60,3% so với Đề án và Nghị quyết số 81/2012/NQ-HĐND) với tổng kinh phí trên 37,4 tỷ đồng, trong đó có 5.826 người được học nghề nông nghiệp và 7.925 người học nghề phi nông nghiệp. Đến cuối năm 2014, đã có 13.012 người học xong, trong đó có 9.824 người (đạt 75,5%) có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn. Đào tạo, bồi dưỡng 2.182 lượt cán bộ, công chức xã (đạt 21,82%) với tổng kinh phí trên 3,2 tỷ đồng. Để thực hiện Đề án 1956, từ cấp tỉnh đến cơ sở đã thành lập Ban chỉ đạo, tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai 4 nhóm mô hình dạy nghề hiệu quả; xây dựng và ban hành 82 bộ chương trình, giáo trình; xây dựng và phê duyệt danh mục nghề đào tạo, định mức chi phí đào tạo nghề. Đồng thời, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề công lập cấp huyện với tổng kinh phí trên 108,7 tỷ đồng; phát triển đội ngũ giáo viên, người dạy nghề và cán bộ quản lý dạy nghề. 

2
Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana phát biểu tham luận tại hội nghị
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn một số tồn tài, hạn chế: số lao động nông thôn được đào tạo nghề chưa đạt chỉ tiêu đề ra; nhiều lao động không theo hết khóa học; khả năng tiếp thu kiến thức, nắm bắt kỹ năng nghề của một số lao động nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ còn hạn chế; việc nắm bắt tình hình việc làm, thu nhập, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn ở một số địa phương thực hiện chưa tốt; kinh phí phân bổ hàng năm còn ít so với nhu cầu học nghề; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề còn yếu, thụ động; việc khảo sát nắm bắt nhu cầu đào tạo nghề ở một số huyện chưa sát với thực tế của người học…
 
3
Trung tâm Dạy nghề huyện Cư M'gar giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm

Hội nghị đã thông qua kế hoạch năm 2015 và 5 năm 2016-2020 với các chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, năm 2015, tổ chức 148 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 5.200 lao động nông thôn; rà soát, cập nhật, phê duyệt 97 nghề; chỉnh sửa, hoàn thiện và phê duyệt 102 bộ chương trình, giáo trình; đào tạo nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng dạy nghề cho 185 người… Giai đoạn 2015-2020, đào tạo nghề nông nghiệp cho 11.207 người và phi nông nghiệp cho 20.814 người; đào tạo nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng dạy nghề cho 1.583 người; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho 6 trung tâm dạy nghề công lập... 

4
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 1956 tỉnh Mai Hoan Niê Kdăm tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân
Tại Hội nghị, đại diện các sở, UBND các huyện và các Trung tâm dạy nghề đã báo cáo tham luận và tham gia thảo luận nêu lên những kết quả, kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 1956.
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 1956 tỉnh Mai Hoan Niê Kdăm đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2014.  Đồng thời nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về mục đích, ý nghĩa của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; củng cố, kiện toàn lại ban chỉ đạo các cấp;  xác định cụ thể nghề cần đào tạo và chỉ tiêu đào tạo phải gắn với nhu cầu của người học, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ sở dạy nghề; tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao năng lực dạy nghề cho các trung tâm dạy nghề công lập. UBND cấp huyện cần bố trí đủ biên chế cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề theo quy định; tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề; làm tốt công tác tuyển sinh, không tổ chức dạy nghề khi chưa xác định được việc làm sau đào tạo; tăng cường huy động các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn…
 
Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 6 tập thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2014.
 
Nguyễn Xuân
 

Ý kiến bạn đọc