Multimedia Đọc Báo in

Những vụ thảm họa môi trường tồi tệ nhất tại Mỹ do con người gây ra

09:31, 23/08/2010

Ô nhiễm môi trường được xem là một trong số những nguyên nhân tiềm ẩn gây hiệu ứng khí nhà kính, làm tăng nhiệt độ trái đất, gây nhiều thảm họa kinh hoàng. Dưới đây là một số vụ ô nhiễm nghiêm trọng do chính con người gây ra tại Mỹ được tạp chí môi trường Earth First cập nhật.

1. Vụ ô nhiễm bùn than Tennessee
Vào ngày 22-12-2008, kho chứa bùn than rộng 80 mẫu của nhà máy Fossil Plant bị vỡ gây ô nhiễm một vùng rộng tới trên 300 mẫu, phá hủy ngay 15 gia đình, gây ô nhiễm thạch tín, thủy ngân và chì. Sau 1 năm, sản phẩm phụ của nhà máy đã tung ra môi trường khoảng 18 tấn thạch tín, gần 20 tấn chì, 0,5 triệu cân barium, 40.000 kg crôm và 600.000 kg măng gan. Các chất kim loại này là thủ phạm gây bệnh ung thư, gan và các biến chứng về bệnh thần kinh và nhiều rủi ro khác về sức khỏe. Thực ra vụ ô nhiễm bùn than Tennessee đã âm ỷ kéo dài hàng thập kỷ trước khi nó bị vỡ cuối năm 2008, nhiều vụ kiện phát sinh nhưng cơ quan chủ quản của nhà máy Fossil Plant là Tennessee Valley Authority (TVA) vẫn không có bất kỳ động thái nào, thậm chí TVA còn bỏ tiền ra mua bất động sản của 71 nhà dân bị hại song lại từ chối chi trả bồi thường cho 167 gia đình bị hại. Một trong những nguyên nhân làm cho vụ án kéo dài là do Mỹ không có quy chế cụ thể về việc sử dụng than và xử lý chất thải có liên quan đến nguồn nguyên liệu hóa thạch này.

 

2. Vụ tràn dầu Exxon -Valdez
Đây là thảm họa môi trường nhân tạo được xem là lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ gây ô nhiễm vùng biển lớn tại khu vực Alaska khi 10,8 triệu galông dầu của tàu Exxon Valdez bị rò rỉ khiến trên 11.000 dặm của vùng biển này bị ô nhiễm nặng nề. Sự cố bắt đầu bằng việc tàu chở dầu Exxon Valdez xuất phát từ Valdez (Alaska) đi Long Beach ngày 23-3-1983, lái tàu ngủ gật đã làm cho tàu đi chệch hướng đâm san hô, rò rỉ tới 1/3 lượng dầu có trên tàu. Việc khắc phục sự cố được bắt đầu từ tháng 4-1983, gần 20 năm khắc phục mức độ ô nhiễm vẫn còn nặng. Năm 2001, qua khảo sát ở 91 địa điểm cho thấy còn tới 58% số vị trí này vẫn còn nhiều dầu. Hậu quả về môi trường rất nặng nề, nhất là cuộc sống của động vật hoang dã. Ví dụ có trên 250.000 chim biển, 2.800 con rái cá, trên 300 hải âu, 250 đại bàng trắng, 22 con cá kình, hàng triệu động vật biển khác như rùa, cá hồi... bị chết. Hãng Exxon Mobil, chủ con tàu nói trên đã xin lỗi về vụ tràn dầu này và bị phạt 150 triệu USD mặc dù công ty đã bỏ ra 125 triệu USD để làm sạch dầu. Ngoài số tiền trên, Exxon Mobil còn trả thêm 100 triệu USD khác cho chính quyền bang và liên bang do làm chết các động vật biển và 900 triệu USD cho việc bồi thường dân sự liên quan. Năm 1994, tòa án Anchorage đã phán quyết Exxon Mobil phải trả cho các nạn nhân số tiền 5 tỷ USD. Tháng 8-2008, Tòa án tối cao Mỹ đã quyết định giảm mức này còn 507 triệu USD cho các nạn nhân bị hại, tuy nhiên đến nay số tiền trên vẫn chưa đến tay những người đi kiện.

3. Vụ ô nhiễm amiăng ở Libby, Montana
Vụ ô nhiễm amiăng tại nhà máy WR Grace ở Libby, Montana (Mỹ) được xem là thảm họa môi trường kinh hoàng và nguy hiểm. Theo đó, trong  nhiều thập kỷ, bụi ô nhiễm amiăng đã phát tán vào không khí, làm cho 200 người bị thiệt mạng và trên 1.000 người khác bị mắc bệnh, phổ biến là các loại bệnh nan y như ung thư (u trung biểu mô), tim mạch, khuyết tật bẩm sinh. Năm 2009, chính phủ Mỹ đã cảnh báo việc nhà máy lảng tránh trách nhiệm đền bù cho các nạn nhân. Đến nay đã có trên 270.000 đơn kiện với số tiền phải bồi thường ước khoảng 250 triệu USD.

 

4. Thảm họa nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island
Tháng 3-2009, nước Mỹ kỷ niệm 30 năm ngày diễn ra vụ thảm họa nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island ở Pennsylvania. Vụ thảm họa này xảy ra ngày 21-3-1979, khi tổ máy số 2 của nhà máy này xuất hiện sự cố nghiêm trọng, gây rò rỉ tới 13 triệu đơn vị chất phóng xạ (curies). Mặc dù rất nguy hiểm nhưng vài tháng sau người ta vẫn che giấu sự thật nên người dân không có cách phòng tránh, trong khi đó chính quyền liên bang cũng không để ý do Sở y tế Penesylvania không báo cáo cụ thể sự  việc, thậm chí còn giấu diếm  số liệu những vụ mắc bệnh ung thư nguy hiểm, khi số người mắc bệnh ung thư da và khó thở tăng đột biến thì sự việc mới vỡ lở. Tuy nhiên đến nay ngành công nghiệp này bẫn bưng bít sự thật và cho rằng chưa có ca tử vong nào và từ chối tham gia các cuộc điều tra, xét xử.
 

5. Vụ nhiễm độc chì Picher
Vụ nhiễm độc chì Picher ở Oklahoma là thảm họa môi trường nguy hiểm do chính con người gây ra, biến thành phố cổ kính, đông dân này  thành "thành phố ma" của xã hội hiện đại. Theo đó cả một vùng rộng lớn tới 25.000 mẫu đã bị  nhiễm độc chì nghiêm trọng, nguồn nước ở các vùng lân cận biến thành màu vàng, ngấm xuống đất vào nguồn nước sinh hoạt, làm cho nhiều người mắc bệnh nghiêm trọng, nhất là trẻ em, người già. Mặc dù các mỏ chì ở đây đã bị đóng cửa từ năm 1970 nhưng đến năm 1981 người dân vẫn chưa đi sơ tán và phải mãi đến 2006 khi những nghiên cứu cho thấy mức độ ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng thì những người dân ở đây mới bắt đầu lục tục chuyển đi, tuy nhiên vẫn còn có những hộ gia đình vẫn cố tình ở lại, bởi họ yêu quý mảnh đất này, đặc biệt là những kiến trúc nghệ thuật,  những nhà thờ cổ mà ông cha họ để lại.

6. Bãi rác thải khổng lồ trên biển Thái Bình Dương
Đây là một bãi rác nhựa plastic khổng lồ trôi nổi ở vùng biển phía Bắc Thái Bình Dương, diện tích tương đương của nước Mỹ (hay bãi rác thải lớn nhất hành tinh). Theo báo cáo của Quỹ nghiên cứu biển Algalita (AMRF) của Mỹ công bố năm 2008 thì bãi rác này là thủ phạm làm tăng số lượng động vật phù du và thủ phạm gây ô nhiễm nguồn nước bề mặt lớn nhất trên thế giới hiện nay.

7. Thảm họa Dead Zone
Dead Zone (Vùng chết) để nói về thảm họa môi trường gây nên bởi con người do sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu vô tội vạ dọc hai bên bờ sông Mississippi, làm cho nó ngấm vào nguồn đất, nguồn nước sau đó thải vào Vịnh Mexico và cuối cùng tạo nên vùng chết, tương đương diện tích bang New Jersey, làm cho các sinh vật biển chết hàng loạt do nguồn nước bị kiệt ôxy. Quá trình hủy diệt này có thể tóm tắt như sau: Nitơ có trong các loại phân bón hóa chất, thuốc trừ sâu, từ nguồn thải động vật đã làm cho tảo phát triển mạnh và khi động vật phù du ăn vào, nó bài tiết chất thải, lắng xuống đáy biển tiếp tục phân rã, quá trình trên gây tác động làm cạn kiệt ôxy trong nước và làm cho các động vật khác không thể sống nổi bởi thiếu dưỡng khí. Tháng 7-2010, các chuyên gia môi trường Mỹ đã phân tích mẫu nước tại khu vực này và thấy không có hàm lượng ôxy nhưng lại có mùi hôi của hydrgen sulfide, giống như mùi trứng thối, chứng tỏ diện tích "chết" trong vịnh Mexico hiện đang lan rộng. Ngoài ra, qua kiểm tra nguồn đất và nước dọc sông Mississippi cũng cho thấy hàm lượng nitơ trong đất, nước thải rất cao, đây chính là thủ phạm làm cạn kiệt dưỡng khí trong nước và cuối cùng gây nhiễm độc vịnh Mexico.

Khắc Hùng (Theo EF - 18/8/2010)

 


Ý kiến bạn đọc