Quản lý chặt sinh vật ngoại lai
08:50, 14/09/2010
Trước ngày 15-9, Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi, Cục Trồng trọt, Cục Thú y, Cục Bảo vệ Thực vật phải khẩn trương xây dựng báo cáo về công tác quản lý các loài ngoại lai, đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về việc tăng cường quản lý các loài ngoại lai xâm hại.
Rùa tai đỏ đã được đưa vào danh sách 206 loài xâm hại toàn cầu |
Trong nhiều năm qua, một loạt sinh vật ngoại lai xâm hại đã có mặt tại nước ta và gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, môi trường và sức khỏe con người như ốc bươu vàng, chuột hamster… và gần đây nhất là rùa tai đỏ, gây lo ngại trong dư luận. Ở nước ta, rùa tai đỏ không có tên trong danh mục giống thủy sản được phép sản xuất kinh doanh và nhập khẩu thông thường. Loài rùa này ban đầu được nhập vào để làm cảnh nhưng đã thoát ra ngoài tự nhiên và phát triển nhanh trong các thủy vực, gây hiện tượng cạnh tranh quyết liệt với loài rùa bản địa và làm tổn hại đến sinh thái thủy vực, đặc biệt là tính đa dạng sinh học.
Rùa tai đỏ (còn gọi là rùa vạch đỏ vì chúng có hai viền màu đỏ ở ngay phía sau mắt) có tên khoa học là Trachemys scripta elegans. Đây là loài sinh vật ăn tạp, hung dữ; có khả năng thích nghi cao với môi trường, đặc biệt là những nơi khí hậu ấm áp, nhiều hồ đầm lầy, sông suối; khi thoát ra ngoài sẽ phá vỡ môi trường sinh thái khu vực. Đồng thời, rùa tai đỏ có thể mang vi khuẩn Salmonella (gây bệnh tả), khi nhiễm vào thức ăn sẽ gây ngộ độc cho người... Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã liệt kê loài rùa tai đỏ vào danh sách 206 loài xâm hại toàn cầu và 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. |
Nhằm quản lý chặt chẽ hơn nữa các loại sinh vật ngoại lai này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị các cơ quan nói trên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về xuất nhập khẩu và quản lý loài ngoại lai xâm hại; đề xuất danh mục các loài ngoại lai xâm hại (bao gồm cả tên thông thường, tên tiếng Anh, tên khoa học, hình thái, tập tính sinh học, những nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường của Việt Nam trong lĩnh vực mình quản lý. Đồng thời, các cơ quan này phải thống kê những loài ngoại lai đã được nhập vào Việt Nam từ trước tới nay, mức độ xâm hại và những ảnh hưởng của chúng; đề xuất những giải pháp quản lý các loài ngoại lai xâm hại. Tổng cục Lâm nghiệp chịu trách nhiệm tổng hợp và phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại; rà soát quy định về nhập khẩu, khảo nghiệm, nuôi trồng, phát triển loài ngoại lai để xem xét sửa đổi bổ sung bảo đảm việc quản lý thống nhất.
T.N
(nguồn chinhphu.vn)
Ý kiến bạn đọc