Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn thủy tùng trước nguy cơ bị tuyệt chủng

08:58, 01/11/2010

Tin đồn thủy tùng có thể chữa được bệnh nan y và thú chơi thủy tùng nở rộ đã khiến cuộc săn tìm thứ  gỗ quý này ngày càng quyết liệt. Không chỉ đốn hạ trái phép thủy tùng ở các khu bảo tồn, hàng trăm người dân còn đổ xô đi xăm thủy tùng ở các hồ đập, các cánh đồng... Cùng với đó là nạn trộm vật dụng bằng gỗ thủy tùng. Cuộc săn tìm cây gỗ quý này không chỉ đẩy thủy tùng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng mà còn làm xáo trộn cuộc sống của nhiều người dân!

219 cây thủy tùng tại khu bảo tồn Ea Ral, huyện Ea H'leo có nguy cơ chết do ngập nước hồ thủy lợi và bị lâm tặc tấn công.
219 cây thủy tùng tại khu bảo tồn Ea Ral, huyện Ea H'leo có nguy cơ chết do ngập nước hồ thủy lợi và bị lâm tặc tấn công.

Khốn khổ vì nạn... săn tìm thủy tùng
Dù trời mưa, hàng trăm người dân vẫn trầm mình xuống hồ Ea Ral (Ea H’leo) để xăm thủy tùng.  Trông xa cảnh tượng người dân xăm thủy tùng trên hồ Ea Ral giống như cảnh ngư dân đang bắt cá. Những năm 1978 - 1980, để chắn nước xây dựng đập thủy lợi Ea Ral, hàng trăm cây thủy tùng cỡ lớn được đốn hạ và một số còn nằm lại trong hồ. Thời điểm đó, nhiều người dân còn dùng thủy tùng làm nhà vệ sinh, chuồng gia súc, gia cầm... Nhưng hơn 2 năm qua, xuất hiện tin đồn thủy tùng có thể chữa được ung thư nên gỗ thủy tùng bị săn lùng ráo riết. Do biết được loài cây này rất hiếm, vân gỗ lại đẹp nên dân chơi đồ gỗ đã bỏ nhiều tiền để sưu tầm và tạo ra cơn sốt gỗ thủy tùng. Nắm được điều này, đầu nậu gỗ thuê người dân địa phương lặn xuống hồ xăm tìm thủy tùng.

Vừa bơi từ dưới hồ lên, anh Y Thiên và Y Thao, buôn Ea Riêng (xã Ea Ral) rét run người, vội chui vào vườn cà phê tránh mưa. Hơn một tháng qua, hễ khi nào rỗi là hai anh lại đi mò thủy tùng. Đồ nghề của các anh chỉ là chiếc can nhựa để bơi, một sợi dây để buộc vào thủy tùng kéo lên. “Bọn mình không có bè lớn và máy nổ nên chỉ vớt được những cây nhỏ thôi. Hôm nào vớt trúng, bán cũng được vài ba trăm nghìn”, anh Y Thiên tâm sự. Còn anh Hưng và anh Thủy ở thôn 4 (xã Ea Ral) thì góp tiền mua máy nổ, làm bè, mua bình ôxy… để lặn vớt thủy tùng. “Trước đây, chúng tôi còn vớt được những cây to, nhưng mấy ngày qua ngụp lặn ở hồ mà chỉ được mấy cây nhỏ thôi”, anh Hưng chia sẻ. Thủy tùng dưới hồ gần hết, người đi xăm và mua bán cũng vãn dần. Ông Kế, ở thôn 6 (xã Ea Ral) căng bạt bên mấy gốc cà phê canh mấy gốc thủy tùng vừa mua lại của những người đi xăm. Ông phải ăn ngủ ở đây luôn để canh gỗ, lâu lâu mệt quá thì các con ra thay. “Bán hết số thủy tùng này, tôi cũng về nhà chứ ngồi canh ở đây khổ lắm”, ông Kế buồn bã nói.

Những cánh đồng lúa ở huyện Krông Năng cũng tan nát vì thủy tùng. Giữa cánh đồng Ea Kuanh, hàng trăm người dân từ trẻ tới già lấm lem bùn đất đi xăm thủy tùng. Nơi đây trước kia là đầm lầy, có nhiều thủy tùng. Khi những cánh rừng thủy tùng bị cháy, thân và gốc nằm lại dưới bùn với độ sâu khoảng 2-3m. Mỗi đội xăm thủy tùng có từ 3 đến 10 người với đồ nghề là những thanh sắt dài khoảng 3m, một đầu nhọn để xăm và đầu kia bọc vào một miếng gỗ tròn ngắn làm tay cầm. Khi phát hiện thủy tùng giữa ruộng, họ thay nhau lấy xẻng đào những hố sâu 2 - 3m đưa thủy tùng lên. Anh Y Sui, buôn Giêr, xã Ea Hồ (Krông Năng) cho biết: “Nếu trong ngày mà chưa đào được, chúng tôi phải cắt cử người ở lại canh để khỏi bị người khác đào mất. Rỗi rải việc đồng mới đi chứ xăm thủy tùng vất vả lắm. Bữa nào hên cũng kiếm được vài ba trăm nghìn, còn không thì trắng tay”. Không riêng gì ở đây, những cánh đồng còn lại của huyện Krông Năng là Trấp K’sơr, Ea K’riêng, Ea H’răch và Trấp Bu cũng bị hàng trăm người dân đào xới để tìm thủy tùng.

Mặc dù đã nghiêm cấm, nhưng gỗ thủy tùng vẫn bị trục vớt và bày bán công khai quanh hồ thủy lợi Ea Ral, xã Ea Ral, huyện Ea H'leo.
Mặc dù đã nghiêm cấm, nhưng gỗ thủy tùng vẫn bị trục vớt và bày bán công khai quanh hồ thủy lợi Ea Ral, xã Ea Ral, huyện Ea H'leo.

Đã có không ít lần chỉ vì mấy khúc gỗ thủy tùng mà xảy ra đánh nhau sứt đầu, mẻ trán. Có khi những người đi xăm phát hiện thủy tùng ở những ruộng lúa đang chín nên đến đào và xảy ra xô xát với chủ ruộng; thậm chí có hai nhóm đi xăm cùng phát hiện ra một cây gỗ thủy tùng, đã kéo lên UBND xã nhờ phân giải!

Những người có vật dụng bằng gỗ thủy tùng trong nhà cũng mất ăn, mất ngủ vì lo canh giữ. Anh Ama Trang, cán bộ tư pháp xã Ea Hồ (Krông Năng) cho biết, gần đây trên địa bàn xuất hiện rất nhiều nhóm trộm thủy tùng của người dân. Mấy ngày trước có người đến hỏi mua chiếc cầu thang bằng gỗ thủy tùng nhưng ông Y Lil, buôn Vik (xã Ea Hồ) không bán. Sau đó mấy ngày, chiếc cầu thang bỗng bị trộm mất. Bây giờ, hễ nghe tiếng chó sủa là ông phải bật dậy vì còn mấy rường cột và tấm ván ngôi nhà dài làm bằng thủy tùng. Ông buồn bã nói: “Họ mua bao nhiêu già cũng không bán đâu, ngôi nhà cha ông mình để lại thì phải giữ chứ. Mà giữ nó cũng khổ lắm, đêm nào già cũng thức dậy mấy lần để xem có ai lấy trộm mấy tấm ván đó không”! Vợ chồng anh Y Buih và chị H’Salim ở cùng buôn còn chiếc cầu thang bằng gỗ thủy tùng cũng phải cất đi vì sợ mất, khi nào đi lại mới đem ra dùng! Mấy tháng trước có người đến hỏi mua cầu thang này và mấy tấm ván thủy tùng trước hiên nhà nhưng chị H’Salim không bán, thế là bị trộm mất mấy tấm ván. “Ban đầu họ thuốc chết con chó giữ nhà, sau đó mới đến cạy mấy tấm ván. May mà mình đã cất được chiếc cầu thang”, chị H’Salim kể. Bây giờ, ngõ nhà chị lúc nào cũng đóng vì sợ kẻ trộm vào nhà cạy hết mấy thanh  gỗ thủy tùng của ngôi nhà.

Ở buôn Giêr (xã Ea Hồ), nhà buôn trưởng Y Chơn đêm nào cũng phải để điện sáng trưng trước sân để canh mấy khúc gỗ thủy tùng do ông đi xăm được. Bà H’Biu, vợ ông cho biết: “Chiếc bóng điện trước sân lắp được gần một năm rồi. Từ khi lắp nó, nhà tốn nhiều tiền điện lắm nhưng ông ấy không cho tắt, sợ trộm lấy hết mấy khúc gỗ thủy tùng”. Chuồng bò nhà bà H’Rô ở cùng buôn có 6 cái cột bằng thủy tùng, khi nghe tin nhiều người bị mất trộm, bà đã đem cất nhưng vẫn bị mất 3 cái; còn hàng rào có mấy cột thủy tùng, bà cũng phải dời vào trong và buộc thép lại để phòng kẻ trộm. Bây giờ ở trong buôn, nhà nào có thủy tùng là phải đóng đinh (mặc dù tập tục đồng bào nơi đây không đóng đinh gỗ khi làm nhà dài), canh chừng suốt đêm để giữ thủy tùng.

Một cơ sở chế tác đồ mỹ nghệ thủy tùng ở xã Ea Hồ, huyện Krông Năng.
Một cơ sở chế tác đồ mỹ nghệ thủy tùng ở xã Ea Hồ, huyện Krông Năng.

Bảo tồn thủy tùng trước nguy cơ tuyệt chủng
Hiện tại, tỉnh ta là nơi duy nhất còn lại hai quần thể thủy tùng. Theo thống kê mới đây của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tại huyện Ea H’leo chỉ còn 219 cây thủy tùng trong khu bảo tồn Ea Ral với diện tích 50 ha; tại huyện Krông Năng còn 31 cây trong khu bảo tồn Trấp Ksơ với diện tích 100 ha. Tại các khu bảo tồn Ea Ral và Trấp Ksơ, tỉnh đã thành lập các Trạm Quản lý bảo vệ thủy tùng, thậm chí với những cá thể thủy tùng nằm rải rác ngoài khu bảo tồn, chính quyền địa phương còn thuê các hộ dân có nhà ở gần cây thủy tùng tham gia bảo vệ từng cá thể thủy tùng. Tuy nhiên, bất chấp những biện pháp trên, với giá trị lợi nhuận cao (giá gỗ thủy tùng hiện trung bình khoảng 500 nghìn đồng/kg và trên dưới 1 triệu đồng/kg đối với sản phẩm chế tác từ gỗ thủy tùng), thủy tùng vẫn tiếp tục bị đốn hạ trái phép. Từ đầu năm đến nay, riêng ở Ea H’leo có 4 cây thủy tùng bị lâm tặc khai thác trộm. Hàng chục mét khối gỗ thủy tùng khai thác trái phép đã bị lực lượng Kiểm lâm bắt giữ, nhiều đối tượng đã bị xử phạt hành chính, thậm chí có những đối tượng bị truy tố hình sự về hành vi khai thác trái phép thủy tùng, nhưng thủy tùng vẫn đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt.

Công việc điều tra, nghiên cứu quá trình sinh trưởng, cũng như công tác bảo tồn thủy tùng đã được nhóm các nhà khoa học của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên thực hiện từ năm 2007. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thủy tùng hiện còn trong các khu bảo tồn Ea Ral và Trấp Ksơ là quần thể nhỏ với mật độ 40-50 cây/1.000 m2 nên không thể thụ phấn được, vì vậy hạt thủy tùng không thể nảy mầm; các  quần thể thủy tùng đã và đang bị thoái hóa. Nhất là tại khu bảo tồn Ea Ral, do xây dựng hồ thủy lợi nên đã làm thay đổi môi trường, nước ngập quanh năm nên không còn phù hợp quá trình sinh trưởng của thủy tùng. Vì vậy, hiện 219 cây thủy tùng đang còn sống ở khu bảo tồn này có nguy cơ bị chết dần, rất khó bảo tồn. Ở khu bảo tồn Trấp Ksơ, sự tác động về địa hình, thủy văn không lớn nên số cây thủy tùng còn lại khá mạnh khỏe, tán rộng, thân cây lớn có khả năng bảo tồn được. Tuy nhiên, nếu công tác bảo vệ không tốt, tình trạng chặt phá, khai thác trái phép vẫn phổ biến như hiện nay thì thủy tùng bị tuyệt chủng là khó tránh khỏi.

Về công tác nhân giống thủy tùng, Thạc sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, đồng thời là chủ nhiệm Đề tài “Nghiên cứu đặc đểm sinh học, sinh thái và nhân giống, bảo tồn thủy tùng tại Việt Nam” cho biết, qua nghiên cứu có thể khẳng định: Thủy tùng nhân giống được bằng các phương pháp như “dâm hom”, “cấy mô” và “ghép gốc”. Kết quả thí nghiệm cho thấy phương pháp dâm hom có 17% ra rễ, nhưng khi trồng thì tỷ lệ chết cao; phương pháp cấy mô, cây tạo chồi tốt, nhưng tìm môi trường ra rễ lại khó; còn phương pháp ghép gốc với cây có hệ di truyền gần giống thủy tùng (cụ thể -là cây bụt mọc, hạt bụt mọc được mua tại Mỹ) cho kết quả khả quan với tỷ lệ sống hơn 70%.

Tuy nhiên cũng theo Thạc sĩ Trần Vinh, những kết quả trên mới chỉ là nghiên cứu ban đầu, thực hiện trong phòng thí nghiệm và tại vườn ươm. Để tiến hành thành công việc bảo tồn thủy tùng, Nhà nước cần phải có dự án tương đối lớn, đầu tư toàn diện cả cho công tác nghiên cứu và bảo tồn, nhất là bảo vệ cho được những quần thể gốc thì mới cứu vãn được thủy tùng trước nguy cơ tuyệt chủng. Tỉnh cũng nên sớm có giải pháp ngăn chặn cho được tình trạng mua bán, vận chuyển gỗ thủy tùng cũng như việc chế tác, mua bán, sử dụng đồ mỹ nghệ từ gỗ thủy tùng.

Thủy tùng (có tên khoa học là Glyptostrobus pensilis, thường được gọi là cây thông nước, xuất hiện cách đây khoảng 10 triệu năm) thuộc loài cây lá kim, thân gỗ. Thủy tùng thường sinh trưởng ở vùng đất đầm lầy có độ cao 550-750m so với mực nước biển, thân to, cây trưởng thành cao hơn 20 m, đường kính gốc có thể lên tới hơn 1m, vân gỗ đẹp, gỗ chịu nước, có mùi thơm nên thường được dùng chế tác đồ mỹ nghệ… Thủy tùng có tên trong Sách đỏ Việt Nam và theo công bố của Quỹ sinh vật hoang dã thế giới (WWF), đây là một trong những loài bị săn lùng ráo riết nhất. Nghị định 32/2006/NĐ-CP về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm quy định thủy tùng được xếp vào nhóm Ia, nghiêm cấm khai thác, sử dụng, vận chuyển và chế biến kinh doanh loại cây này. Những hành vi vi phạm đều phải xử lý hình sự.

Công Hoan – Bình Định


Ý kiến bạn đọc