Multimedia Đọc Báo in

THỰC HIỆN DỰ ÁN TRỒNG MỚI 5 TRIỆU HA RỪNG GIAI ĐOẠN 1999-2010: Con số và kết quả

17:04, 30/12/2011

Trên 49.780 ha rừng trồng mới; gần 100.000 ha rừng được giao, khoán quản lý bảo vệ (QLBV); khoảng 10.000 ha rừng được khoanh nuôi tái sinh... là kết quả của Dự án trồng mới 5 triệu rừng ha đã được triển khai tại Dak Lak giai đoạn 1999-2010. 

570,5 tỷ đồng cho việc thực hiện...
Trong tổng số 49.780 ha rừng đã trồng có gần 6.000 ha rừng phòng hộ, đặc dụng, gần 43.000 ha rừng sản xuất, với tổng mức đầu tư 570,5 tỷ đồng. Trong đó, 135,2 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, số còn lại (435,3 tỷ đồng) được huy động từ vốn liên doanh, liên kết, hoặc vốn tự có của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công tác giao khoán QLBVR đã được triển khai đến hộ gia đình, trong đó ưu tiên cho những hộ sống gần rừng và đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng diện tích đã thực hiện khoán QLBVR gần 100.000 ha. Việc khoán QLBVR bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực: rừng được tăng cường bảo vệ, còn người dân có thêm nguồn thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế rừng, trong 5 năm trở lại đây, tỉnh đã thu hút nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham gia với nhiều mô hình liên kết. Từ các chương trình liên doanh, liên kết này, bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng mới khoảng 5.000-6.000ha rừng sản xuất. Chính từ các mô hình liên kết này đã tạo được sự gắn kết trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, góp phần thúc đẩy công nghiệp chế biến lâm sản phát triển theo hướng bền vững, gắn sản xuất với phát triển vùng nguyên liệu. Hơn 41.000 ha rừng sản xuất với sản lượng gỗ bình quân đạt 10.000 m3/năm, là nguồn nguyên liệu để phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ.  Kết quả này cho thấy, nghề rừng đã và đang thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia. Đây được xem là một trong những thành công của việc thực hiện Dự án này tại tỉnh ta. Bên cạnh đó, tỉnh đã sớm hoàn chỉnh việc rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng, nhằm xây dựng lâm phần ổn định, bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển, mở ra cơ hội mới thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, thúc đẩy quá trình xã hội hóa ngành lâm nghiệp. Điểm mới trong quy hoạch lần này là có sự tham gia của nhà quản lý và người sử dụng đất trên quan điểm coi trọng mục tiêu sử dụng tài nguyên rừng bền vững, có hiệu quả. Chính quyền cấp xã, người dân từng thôn buôn đều nhận biết được ranh giới 3 loại rừng trên địa bàn mình quản lý. Tính chất xã hội hóa còn được thể hiện ở vai trò quản lý rừng từ Nhà nước là chủ yếu, được chuyển sang nhiều thành phần kinh tế khác, từ đó huy động được mọi nguồn lực vào phát triển rừng.

Người dân buôn Koanh và Ea Chố tham gia làm đường băng cản lửa bảo vệ rừng trong mùa khô ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.
Người dân buôn Koanh và Ea Chố tham gia làm đường băng cản lửa bảo vệ rừng trong mùa khô ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.

...và 50% độ che phủ rừng
Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng với nhiều chính sách phát triển lâm nghiệp được triển khai trên địa bàn tỉnh đã có những tác động tích cực đến phong trào trồng, quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng trong dân, đẩy nhanh quá trình xã hội hóa nghề rừng. Công tác khuyến lâm ngày một được chú trọng đã góp phần tích cực trong việc thu hút người dân, nhất là một bộ phận người dân sống gần rừng tham gia và gắn bó với nghề rừng. Diện tích đất có rừng vì vậy không ngừng tăng lên qua các năm. Theo số liệu kiểm kê đất đai của tỉnh năm 2005, tổng diện tích rừng tự nhiên của tỉnh là 1.312.537 ha, diện tích đất có rừng 604.810 ha, trong đó rừng tự nhiên 587.846 ha, rừng trồng 16.964 ha, độ che phủ đạt 46,1%. Theo số liệu diễn biến tài nguyên rừng năm 2009, diện tích đất có rừng tăng lên 633.289 ha, trong đó rừng tự nhiên 571.940 ha, rừng trồng 61.349 ha, độ che phủ đạt 48,25%. Theo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 của UBND tỉnh, độ che phủ của rừng năm 2010 đạt 50% (tính cả diện tích cao su). Như vậy, so với năm 2005, diện tích đất có rừng tăng trên 24.000 ha; nếu tính cả cây cao su, độ che phủ rừng tăng 3,9%. Với tỷ lệ này, tỉnh ta gần chạm đến mục tiêu phấn đấu là một trong những tỉnh thành có độ che phủ rừng cao nhất trong cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, sự phát triển của ngành lâm nghiệp vẫn bộc lộ nhiều bất ổn. Tuy diện tích rừng trồng tăng mạnh qua các năm, nhưng rừng tự nhiên lại theo xu hướng ngược lại. Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây (2005-2009), diện tích rừng tự nhiên đã giảm khoảng 16.000 ha. Như vậy, bình quân mỗi năm, diện tích rừng tự nhiên bị mất trên 3.000 ha. Rừng mất kéo theo sự giảm sút về đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, chất lượng rừng cũng suy giảm, diện tích rừng nghèo ngày một tăng. Chính tình trạng nghèo kiệt của rừng tự nhiên cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân nhận khoán QLBVR nhưng lại không yêu quý rừng, họ vẫn sẵn sàng phá rừng để lấy đất canh tác.

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2011-2015, độ che phủ rừng phấn đấu đạt 52%, thì lâm nghiệp được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Cho nên, ngoài việc đẩy nhanh tốc độ trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, tỉnh cần chú trọng hơn nữa bảo vệ vốn rừng tự nhiên hiện có. Có như vậy mới phát huy hiệu quả chức năng phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái;  bảo vệ, phát huy tính đa dạng sinh học như mục tiêu mà Chương trình 5 triệu ha rừng đã đề ra.

 

Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc