Multimedia Đọc Báo in

Chủ động thích nghi, ứng phó linh hoạt với biến đổi khí hậu

17:56, 20/02/2011

Tại cuộc họp mới đây của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các báo cáo, tham luận từ các bộ, ngành liên quan về  thiên tai, một số dấu hiệu ảnh hưởng ngày càng rõ nét của BĐKH đối với Việt Nam đều cho rằng đã đến lúc Việt Nam phải tính tới cả những kịch bản ảnh hưởng của BĐKH xấu hơn nhiều so với các dự báo trước đây.

Người dân nỗ lực tưới nước cứu thửa ruộng của mình trong đợt hạn hán ở miền Trung năm 2010. (Ảnh: T.L)
Người dân nỗ lực tưới nước cứu thửa ruộng của mình trong đợt hạn hán ở miền Trung năm 2010. (Ảnh: T.L)


Theo dự báo, nước ta là một trong những nước đang phát triển trên thế giới chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sản xuất, môi trường, hạ tầng cơ sở, sức khỏe cộng đồng, đe dọa thành quả xóa đói giảm nghèo và sự phát triển bền vững. Theo thống kê, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam trong khoảng 50 năm qua tăng 0,70C, mực nước biển quan trắc ở các trạm Cửa Ông, Hòn Dấu tăng khoảng 20cm. Tác động của nước biển dâng là vô cùng nghiêm trọng khi Việt Nam có bờ biển dài 3.260km, hơn 1 triệu km2 lãnh hải, trên 3.000 hòn đảo gần bờ và hai quần đảo xa bờ, nhiều vùng thấp ven biển nên những vùng này hằng năm phải chịu ngập lụt nặng nề trong mùa mưa và hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô. BĐKH và nước biển dâng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng trên, làm tăng diện tích ngập lụt, gây khó khăn cho thoát nước, tăng xói lở bờ biển và nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt, gây rủi ro lớn đối với các công trình xây dựng ven biển như đường giao thông, bến cảng, nhà máy, các đô thị và khu dân cư. BĐKH sẽ làm các thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, mưa lớn, nắng nóng... trở nên ác liệt hơn và có thể trở thành thảm họa, gây rủi ro lớn cho phát triển kinh tế, xã hội hoặc xóa đi những thành quả nhiều năm của sự phát triển.
Những vùng, khu vực được dự tính chịu tác động lớn nhất của các hiện tượng khí hậu cực đoan nói trên là dải ven biển Trung bộ, vùng núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, vùng đồng bằng Bắc bộ và ĐBSCL. BĐKH làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, một phần đáng kể diện tích đất nông nghiệp ở vùng thấp đồng bằng ven biển, đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long bị ngập mặn do nước biển dâng, những vựa lúa như ĐBSCL có thể mất một phần diện tích nếu không có giải pháp ứng phó. Đặc biệt, tác động của sự nóng lên toàn cầu đối với sản xuất nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mùa vụ có thể thay đổi ở một số vùng, trong đó vụ đông ở miền Bắc có thể bị rút ngắn lại hoặc thậm chí không còn vụ đông, vụ mùa kéo dài hơn. Điều đó đòi hỏi phải thay đổi kỹ thuật canh tác. Nhiệt độ tăng và tính biến động của các yếu tố thời tiết khác và thiên tai làm tăng khả năng phát triển sâu bệnh, dịch bệnh dẫn đến giảm năng suất và sản lượng, tăng nguy cơ rủi ro đối với nông nghiệp và an ninh lương thực. Ở Việt Nam, những lĩnh vực, đối tượng được đánh giá dễ bị tổn thương do BĐKH bao gồm: nông nghiệp và an ninh lương thực, tài nguyên nước, sức khỏe, nơi cư trú - nhất là ven biển và miền núi. Các cộng đồng dễ bị tổn thương bao gồm: nông dân, ngư dân, các dân tộc thiểu số ở miền núi, người già, phụ nữ, trẻ em và các tầng lớp nghèo ở các đô thị - những đối tượng ít có sự lựa chọn.

Mưa to kéo dài vào tháng 11-2010 khiến nhiều nhà dân ở xã Hòa Hiệp (Cư Kuin) bị ngập trong nước. (Ảnh: Nguyễn Xuân)
Mưa to kéo dài vào tháng 11-2010 khiến nhiều nhà dân ở xã Hòa Hiệp (Cư Kuin) bị ngập trong nước. (Ảnh: Nguyễn Xuân)


Thực tế trong những năm qua đã cho thấy, thiên tai tác động cực đoan hơn, nước biển dâng và địa chất thay đổi (nguy cơ động đất, sóng thần có tần suất, cường độ cao hơn). Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung của liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu vào năm 2008. Trong năm 2010, Chương trình mục tiêu quốc gia đã tập trung xây dựng thể chế, chính sách và kế hoạch hành động, đẩy mạnh tuyên truyền, rà soát các quy hoạch phát triển, nghiên cứu khoa học công nghệ, huy động tài trợ quốc tế cho các chương trình lớn. Sau cuộc họp Ban chỉ đạo lần thứ nhất, Việt Nam đã huy động được hơn 1,2 tỷ USD tài trợ quốc tế cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, các nguồn tài trợ đã cam kết và đang đàm phán khoảng 1,3 tỷ USD... Tuy nhiên, trong thời gian tới, cần phải tiến hành đồng bộ các chương trình: Chương trình giảm nhẹ được triển khai dài hạn cùng với các chương trình ứng phó, thích ứng cấp bách, phân chia theo giai đoạn và đề ra các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, cấp bách nhất là phải sớm có đánh giá mới về các kịch bản biến đổi khí hậu,  làm tiền đề  xem xét, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, các dự án giao thông, di dân, đê biển, xây dựng công nghiệp... đặc biệt là hai dự án lớn về cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi  đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng - hai vựa lúa chính của đất nước.

Tại cuộc họp trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, chủ động ứng phó với BĐKH nhằm bảo vệ nhân dân, bảo đảm phát triển bền vững và tích cực tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ BĐKH, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất là những chính sách trọng tâm của Việt Nam trong thời gian tới. Với phương châm “nội lực là chính, chủ động kết hợp, tranh thủ tối đa vận động các nguồn tài trợ, hỗ trợ quốc tế, các thỏa thuận từ các hội nghị quốc tế”, nước ta vừa phải chủ động thích nghi, vừa ứng phó tích cực và linh hoạt về giải pháp đối với từng lĩnh vực, từng khu vực. Thủ tướng đã yêu cầu các ngành, các địa phương sớm có báo cáo để tổng hợp thành các kịch bản, chương trình ứng phó BĐKH toàn quốc. Từ đó xây dựng, ban hành Chiến lược quốc gia về BĐKH của Việt Nam, cùng với các chiến lược phát triển xanh, chiến lược hỗ trợ với BĐKH...

 

Hồng Thủy
(tổng hợp từ báo chí trong nước)

 


Ý kiến bạn đọc