Multimedia Đọc Báo in

Nước và vấn đề khai thác, sử dụng nguồn nước phục vụ phát triển bền vững ở Tây Nguyên

09:01, 16/02/2011

Trong các nguồn tài nguyên mà thiên nhiên ưu ái cho Tây Nguyên, nước được xem là nguồn tài nguyên dồi dào nhất. Trung bình mỗi năm, 1ha đất tự nhiên của Tây Nguyên được cung cấp một lượng nước là 7526m3, cao hơn so với mức trung bình của cả nước. Điều đáng nói là phần lớn lượng nước này được sinh ra trên chính địa phận Tây Nguyên, trong khi lượng nước từ bên ngoài chảy vào nước ta chiếm tới 62,5% tổng lượng dòng chảy năm của các sông suối cả nước.

Nước là thành phần của hệ sinh thái; là tài nguyên đặc biệt quan trọng, quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của sự sống trên trái đất và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tài nguyên nước hiện đang được xem là lợi thế của Tây Nguyên trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Những năm gần đây, lợi thế về tài nguyên nước đã được các địa phương trong khu vực tập trung đầu tư khai thác mạnh mẽ. Trong lĩnh vực khai thác thủy năng, Tây Nguyên đang phấn đấu thực hiện tổng công suất phát điện đạt 5.000 MW. Theo quy hoạch, trên dòng Sê San sẽ có 6 công trình thủy điện cỡ vừa và lớn, tổng công suất hơn 1.700 MW; sông Sê-rê-pốk 6 công trình, tổng công suất 650 MW; sông Ba 10 công trình, tổng công suất gần 700 MW; sông Đồng Nai 16 công trình. Khu vực Tây Nguyên cũng được đánh giá là vùng có tiềm năng về phát triển thủy điện nhỏ lớn nhất nước ta. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có tới 45 dự án, tổng công suất 288,2 MW; trên địa bàn tỉnh Dak Lak cũng đã khảo sát được trên 100 vị trí có thể xây dựng được các dự án thủy điện vừa và nhỏ. Trong lĩnh vực sản xuất và sinh hoạt, nhu cầu dùng nước cũng liên tục tăng với mức tăng trung bình từ 1-3% năm. Tuy nhiên, tính toán của các chuyên gia về tài nguyên nước cho thấy, tổng lượng nước theo nhu cầu trong lĩnh vực này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ  trong tổng lượng nước tiềm năng (khoảng 6%). Trong đó, nhu cầu nước tưới là lớn nhất (chiếm gần 90% nhu cầu về nước), tiếp đến là nước cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, dịch vụ, chăn nuôi, thủy sản.

Đặc điểm của tài nguyên nước là được tái tạo theo quy luật thời gian và không gian. Vòng tuần hoàn của nước là tự nhiên, nhưng ở một mức độ nào đó, các hoạt động của con người cũng có những tác động nhất định tới quá trình tuần hoàn của nước. Dưới áp lực của quá trình phát triển kinh tế, sự gia tăng dân số, các hoạt động làm thay đổi nhiều đến diện mạo môi trường tự nhiên đã ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên nước. Tình trạng thừa và thiếu nước ở Tây Nguyên sinh ra những tai biến như lũ lụt, lũ quét, cạn kiệt nguồn nước mùa cạn, hạ thấp mực nước ngầm, ô nhiễm, suy thoái chất lượng nước hằng năm diễn ra gay gắt hơn, tác động tiêu cực tới đời sống sinh hoạt, gây thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất, phá hoại mùa màng và kéo theo nhiều hệ lụy khác đối với môi trường sinh thái. Do đó, việc khai thác sử dụng tài nguyên nước phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của khu vực Tây Nguyên hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết phải kể đến sự phân hóa mùa sâu sắc dẫn đến sự chênh lệch quá lớn giữa lượng nước nhận được trong mùa mưa và trong mùa khô. Trên 80% lượng nước mà Tây Nguyên nhận được hằng năm tập trung trong các tháng mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10). Mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 3, tháng 4 năm sau) lượng mưa chỉ chiếm xấp xỉ 15-20%, có nơi chỉ chiếm 8-15%. Do đó, mặc dù nhu cầu dùng nước chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với lượng nước tiềm năng nhưng tình trạng khan hiếm, thiếu nước, thậm chí hạn hán nghiêm trọng vẫn xảy ra thường xuyên mà chưa có giải pháp khắc phục tối ưu, trong khi vào mùa mưa lũ dù đã vận động hết khả năng để chống chọi với lũ lụt nhưng thiệt hại về nhân mạng cùng của cải vật chất vẫn là rất lớn.

Để đạt năng suất cao, cây cà phê luôn cần được bảo đảm về nguồn nước tưới. (Ảnh: T.L)
Để đạt năng suất cao, cây cà phê luôn cần được bảo đảm về nguồn nước tưới. (Ảnh: T.L)

Khó khăn thách thức thứ hai là tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và độ che phủ của rừng bị giảm sút ảnh hưởng mạnh mẽ đến tài nguyên nước của khu vực. Qua phân tích chuỗi số liệu quan trắc khí tượng thủy văn cho thấy những năm gần đây ở khu vực Tây Nguyên đã có những dấu hiệu về sự biến động không theo quy luật chung của thời tiết thủy văn. Biên độ nhiệt ngày đêm ở một số nơi có chiều hướng gia tăng; hiện tượng mưa với cường độ lớn, mưa trận có lượng lớn cũng xuất hiện nhiều hơn; thời gian không có mưa liên tục kéo dài. Đó là nguyên nhân cơ bản làm gia tăng mức độ nguy hiểm của lũ lụt trong mùa mưa và tính chất khắc nghiệt của khô hạn trong mùa khô. Khó khăn thách thức tiếp theo phải kể đến là quá trình gia tăng dân số, nhất là dân di cư tự do vào các tỉnh Tây Nguyên ngày một tăng nhanh, làm cho chỉ số lượng nước trên đầu người giảm; đồng thời nhu cầu dùng nước cho cây trồng, vật nuôi, cho yêu cầu sinh hoạt trên đầu người, phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch, thương mại tăng nhanh (dân số tăng 1 thì nhu cầu dùng nước tăng 3). Ngoài ra, đặc thù vị trí địa lý và địa hình, địa chất, thổ nhưỡng, tập tục sinh hoạt, canh tác cũng có những tác động nhất định đến nguồn nước. Đất đai canh tác trống trải, bị chia cắt, manh mún, địa hình phức tạp, đất bazan ngấm nước mạnh, hệ thống kênh mương nhiều cấp trải rộng nên việc cung cấp nước đến từng đối tượng sử dụng khó khăn và tốn kém. Hơn nữa, việc sử dụng nước ở Tây Nguyên còn lãng phí và thiếu ý thức san sẻ. Vấn đề chất lượng nước cũng cần được xem xét nghiêm túc. Tuy chất lượng nước ở Tây Nguyên nhìn chung còn tốt, nhưng ở nhiều nơi nguồn nước đã bị ô nhiễm, nhất là các đoạn sông qua những khu vực có các nhà máy đường, bia, rượu, nước giải khát, khai thác quặng, sa khoáng,...  Việc khai thác nước ngầm tầng nông để tưới cà phê với quy mô ngày càng lớn cũng làm suy giảm và ô nhiễm nguồn nước ngầm, ảnh hưởng đến cung cấp nước sinh hoạt và các nhu cầu khác
Rõ ràng, nguồn nước ở Tây Nguyên không thiếu mà còn phong phú, dư thừa. Tuy nhiên, tiềm năng này chỉ có ý nghĩa trên cơ sở lý thuyết. Trên thực tế, việc bảo đảm nguồn nước phục vụ phát triển nhanh, bền vững vẫn là bài toán khó. Cần biết rằng, nước là tài nguyên hữu hạn, khai thác sử dụng quá mức có thể làm cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước. Đến nay, nguồn nước được khai thác phục vụ cho các mục tiêu kinh tế và dân sinh ở Tây Nguyên tập trung vào hai loại là nước mặt (tồn tại dưới dạng dòng chảy sông, suối, nước trong các ao, hồ) và nước ngầm. Do vậy, việc khai thác sử dụng hợp lý nguồn nước cần được tính đến những lợi ích tổng hợp giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; hạn chế thiên tai; bảo đảm tính hài hòa giữa lĩnh vực kinh tế này với lĩnh vực kinh tế khác đồng thời giữ gìn, bảo vệ và san sẻ nguồn nước cho các vùng lân cận. Ví dụ như trong khai thác dòng nước của các lưu vực sông, cần tính đến lợi ích tổng hợp bao gồm: Chống lũ, phát điện, cấp nước kết hợp với quy hoạch dân cư, đô thị và khu công nghiệp, du lịch dịch vụ,... Để thực hiện tốt yêu cầu trên thì cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ bao gồm: (1) Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo động thái nguồn nước (mưa, lũ lụt, lũ quét cạn kiệt, nguy cơ ô nhiễm,..); (2) Tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng tham gia vào hệ thống quản lý bao gồm việc thành lập các hiệp hội người sử dụng nước với một cơ chế tham gia quản lý thích hợp và dân chủ khi ra quyết định, quản lý trên cơ sở nhu cầu dùng nước; (3) Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào công tác quản lý, vận hành phân phối nước của các hệ thống cấp nước; (4) Giải quyết việc tranh chấp trên lưu vực theo nguyên tắc đồng thuận và đặt lợi ích toàn cục lên trên lợi ích cục bộ dưới sự giám sát của Hội đồng, Bộ hay Chính phủ; (5) Tăng cường khả năng điều tiết, gìn giữ nguồn nước tự nhiên bằng việc trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc; bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ; (6) Quản lý chất lượng nước bằng cách hướng quy hoạch các khu công nghiệp nằm cách xa bờ sông và không cho phép xả khi chưa qua công nghệ xử lý; áp dụng các chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm.

KS. Nguyễn Văn Huy
(Trung tâm  Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum)

Ý kiến bạn đọc