09:35, 01/04/2011
Hồ Ea Súp thượng rộng 1.400 ha, dung tích chứa 146 triệu m3 nước, phục vụ tưới tiêu hằng năm cho hơn 10.000 ha cây trồng và nước sinh hoạt cho hơn hai vạn dân sống trên địa bàn huyện Ea Súp. Thời gian gần đây, những cánh rừng phòng hộ khu vực gần hồ bị tàn phá tan hoang, khiến hồ này đứng trước nguy cơ vỡ đập mùa mưa và cạn kiệt vào mùa khô.
|
Rừng Ea Súp thượng bị tàn phá nghiêm trọng. |
Rừng phòng hộ hồ Ea Súp thượng thuộc Công ty Lâm nghiệp Cư M’lan quản lý. 5 năm trước, các tiểu khu 285, 271, 273, 274, 275 được ví như một “thiên đường tự nhiên” của vùng Nam Tây Nguyên, bởi hệ thực vật phong phú, đa dạng với nhiều chủng loại gỗ quý hiếm như gõ, căm xe, bằng lăng, cà chít... nhưng giờ đây đã trở nên tan hoang, nghèo kiệt. Hàng nghìn cây gỗ quý bị đốn hạ không thương tiếc, nay chỉ còn trơ gốc. Trong rừng, đường đi lối lại do các loại xe cày tay, độ chế chở gỗ lậu tạo nên chằng chịt, dọc ngang. Được biết, gỗ khai thác lậu từ rừng phòng hộ hồ Ea Súp thượng chủ yếu được vận chuyển ra ngoài theo ba hướng: qua làng Dao (thuộc xã Ea Tir, huyện Ea H’leo), về Buôn Ya Wầm (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) và cung cấp trực tiếp cho các xưởng chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Ea Súp. Được biết, huyện Ea Súp hiện có khoảng 117 xưởng cưa và cơ sở chế biến đồ mộc dân dụng, mỗi ngày đêm các xưởng này có thể chế biến cả nghìn mét khối gỗ, và ai dám chắc rằng trong số đó không có gỗ lậu(?!). Một cán bộ Công ty Lâm nghiệp Cư M’lan cho biết: hiện nay, việc quản lý bảo vệ rừng nơi đây rất khó khăn, bởi lực lượng kiểm lâm mỏng trong khi lâm tặc hoành hành ngày càng tinh vi, hung hãn; các biện pháp chế tài chưa thực sự đủ mạnh để ngăn chặn triệt để tình trạng này.
Thiết nghĩ, để sớm trả lại “màu xanh” cho rừng phòng hộ nơi đây, các cơ quan, ban, ngành chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn triệt để nạn khai thác, vận chuyển chế biến gỗ trái phép, nhằm bảo vệ nguồn nước cũng như độ an toàn của hồ Ea Súp thượng.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc