Multimedia Đọc Báo in

Giải pháp nào cho tình trạng thiếu nước ở Tây Nguyên?

20:57, 08/05/2011

Là nơi khởi nguồn của các hệ thống sông Ba, Đồng Nai, Sê San, Sêrêpôk và mội số phụ lưu nhỏ của các sông Thu Bồn, Trà Khúc, Hinh và Sê Bang Hiêng, Tây Nguyên có một lượng nước mặt khá phong phú với 49,87 tỷ m3/năm.

Mặc dù có tổng lượng nước khá phong phú nhưng có tới 70 - 80% lượng nước này tập trung vào các tháng mùa mưa lũ, thường kéo dài từ tháng 5, tháng 6 đến tháng 10, tháng 11 hằng năm, thời gian còn lại là mùa cạn với lượng nước mặt chỉ chiếm khoảng 25 - 30%. Mỗi năm Tây Nguyên phải chịu khô hạn từ 3 - 4 tháng. Vào những năm đặc biệt lượng mưa đạt thấp hơn trung bình, thời gian mùa mưa ngắn hơn bình thường thì thời gian “khát” còn dài hơn nhiều. Như trong mùa khô 2004 -2005, có trên 30% dân số trong vùng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng; trên 200.000 ha cây trồng thiếu nước tưới; hàng trăm nghìn con gia súc bị đói, khát. Mùa khô 2010 – 2011 này, con số thiệt hại cũng đang gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại bởi nắng hạn hiện còn đang rất gay gắt và nhiều khả năng sẽ còn kéo dài.

Về lâu dài, nếu không có các biện pháp hiệu quả hơn thì tình trạng thiếu nước hằng năm tiếp tục diễn ra và có thể còn nghiêm trọng hơn bởi biến đổi khí hậu toàn cầu đang có những tác động tiêu cực tới Việt Nam. Theo các nhà khoa học Khí tượng Thủy văn, những năm gần đây thời tiết thủy văn ở miền Trung - Tây Nguyên có sự biến động khác thường, nhất là mưa. Tổng lượng  mưa năm không có biến động lớn song một số yếu tố như cường độ mưa, lượng mưa trận hoặc lượng mưa ngày lớn nhất có xu thế tăng lên trong khi thời gian mùa mưa giảm xuống. Biến động này làm cho lũ lụt trở nên nguy hiểm hơn đồng thời khô hạn cũng khắc nhiệt hơn. Bên cạnh đó, mức độ gia tăng dân số, đặc biệt là tăng dân số cơ học làm xáo trộn quy hoạch sản xuất và phát triển dân sinh của các địa phương đồng thời là một trong những nhân tố làm tăng mức độ giảm diện tích rừng; nhu cầu nước cho sản xuất sẽ tiếp tục tăng theo đà phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, diện tích rừng và độ che phủ của rừng vẫn đang suy giảm làm giảm khả năng điều tiết tự nhiên.

Đối với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng trong thời gian từ nay đến đầu mùa mưa năm 2011: Việc khắc phục sự thiếu hụt nước trầm trọng hiện nay cần có sự nỗ lực cố gắng chung của cả cộng đồng. Cần quản lý chặt chẽ, tính toán sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ, huy động mọi nguồn lực để tập trung khai thác nguồn nước, đặc biệt là nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt và chăn nuôi; hỗ trợ nhân dân di chuyển đàn gia súc đến nơi gần nguồn nước. Việc khai thác các nguồn nước mặt hiện có (nước sông, hồ) cần có sự chỉ đạo đồng bộ, vì lợi ích chung của cả cộng đồng, ưu tiên cho sinh hoạt và chăn nuôi, tránh việc mạnh ai nấy làm để xảy ra trường hợp nơi thì dư giả, nơi không có nước...

Về lâu dài cần có giải pháp điều chỉnh lại sự phân phối lượng nước tự nhiên trên địa bàn vốn quá chênh lệch giữa hai mùa. Thiết nghĩ, việc đầu tiên phải làm và làm thường xuyên là gìn giữ và tăng cường quản lý và bảo vệ rừng bởi đây là nhân tố quan trọng bảo đảm cân bằng sinh thái trong vùng và có tác dụng to lớn trong việc điều tiết dòng chảy, chống rửa trôi, xói mòn, hoang hóa… Việc tăng độ che phủ của rừng có một tác động rất quan trọng trong việc tạo và lưu giữ nước ngầm, giúp dòng chảy kiệt phong phú hơn, là điều kiện tốt để đáp ứng nhu cầu nước trong mùa khô. So với nhiều vùng khác trong cả nước thì Tây Nguyên hiện đang có tỷ lệ che phủ của rừng khá tốt: 55%. Tuy nhiên, rừng vẫn bị xâm hại, hơn thế nữa Tây nguyên đang còn khoảng trên một triệu ha đất trống đồi núi trọc và nương rẫy bỏ hoang nên biện pháp cấp thiết và lâu dài là phải tăng cường đầu tư cho công tác khoanh nuôi, bảo vệ và trồng mới phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Song song với những nỗ lực nuôi trồng và bảo vệ rừng, những việc làm cấp thiết khác là sự quy hoạch cho quá trình phát triển kinh tế - dân sinh một cách đồng bộ, hợp lý với tài nguyên thiên nhiên. Trước hết là việc kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển dân số, tình trạng tăng  dân số cơ học cần được kiểm soát chặt chẽ, không để tình trạng di dân xảy ra ngoài tầm kiểm soát. Phải bảo đảm có sự phối hợp đầy đủ giữa chính quyền địa phương nơi có dân chuyển đi với chính quyền của địa phương nơi dân sẽ đến để chủ động bố trí đời sống và quy hoạch chỉ đạo sản xuất. Tiếp đến là việc xắp xếp bố trí quy hoạch sản xuất cho nhân dân. Cùng với việc hạn chế du canh, du cư và cấp đất cho các hộ đồng bào là việc hướng dẫn đồng bào trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với trình độ sản xuất, với tài nguyên thiên nhiên, trong đó đặc biệt quan tâm tới nguồn nước. Thứ ba là nâng cao hiệu quả điều tiết nhân tạo với những công tác chủ yếu là nâng cao năng lực trữ và cấp nước của các hồ chứa, các công trình thủy lợi hiện có đồng thời tiếp tục có sự đầu tư thỏa đáng để khảo sát và xây mới. Tây Nguyên có được mạng lưới sông suối khá dày, địa chất, địa hình không quá phức tạp cho việc xây dựng các hồ chứa. Nhưng vì là nơi đầu nguồn của các con sông, độ dốc lòng sông khá lớn, lượng nước tập trung nhiều ở mùa lũ và thời gian tập trung nước lũ vào trong sông khá ngắn (từ 3 - 6 tiếng đối với các sông nhỏ, từ 6 - 18 tiếng đối với các sông lớn và vừa)  nên việc xây dựng các hồ chứa trên mỗi nhánh sông cần bảo đảm tính đồng bộ cho cả hệ thống sông và độ an toàn của công trình. Việc tự phát xây dựng các hồ chứa không theo quy hoạch sẽ dẫn đến hai nguy cơ lớn: không bảo đảm an toàn trong mùa lũ, dễ bị mưa lũ làm vỡ tạo ra tổ hợp lũ gây nguy hiểm cho hạ du; trong mùa khô khi hồ đóng cửa thì phía hạ lưu hồ sẽ cạn kiệt gây ra tình trạng giải quyết được nước cho vùng này lại làm cho vùng khác mất nguồn nước. Bên cạnh đó, công tác dự báo thời tiết thủy văn phục vụ cho sản xuất và đời sống là một trong những yếu tố quan trọng cho việc phòng chống thiên tai nói chung, phòng chống hạn và thiếu hụt nguồn nước nói riêng. Nó giúp cho chúng ta chủ động hơn trong việc đối phó với mọi tình huống diễn biến của thiên nhiên nên rất cần được nâng cao hơn cả về độ sát thực của các bản tin cũng như ý thức sử dụng bản tin. Trong khi các nhà chuyên môn tăng cường đầu tư con người và thiết bị để công tác đo đạc và dự báo đạt chất lượng cao hơn thì các nhà sử dụng bản tin cũng cần có các hình thức, phương pháp khai thác bản tin hiệu quả, phù hợp với từng lĩnh vực. Cần có mạng lưới thông tin hữu hiệu để mọi người dân đều có thể tiếp cận được các bản tin dự báo thời tiết thủy văn một cách nhanh chóng, chính xác từ đó có quyết định sản xuất và sinh hoạt phù hợp cho mình.

KS. Nguyễn Văn Huy
(TT Khí tượng Thủy văn Kon Tum)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.