Multimedia Đọc Báo in

Lũ trên các sông suối ở Tây Nguyên và biện pháp phòng ngừa thiệt hại

09:16, 31/05/2011

Chúng ta biết rằng, nước sông suối trong mùa lũ lên xuống nhấp nhô tựa dạng răng cưa, phản ánh quá trình mưa trong lưu vực. Mỗi trận lũ có một hoặc vài đỉnh. Thông thường, mỗi năm, trên mỗi sông suối ở Tây Nguyên có từ 4 đến 6 trận lũ. Biên độ lũ (chênh lệch giữa mực nước chân lũ lên với mực nước đỉnh lũ) thường từ vài ba mét đến bảy tám mét, thậm chí trên một số sông suối nhỏ biên độ lũ có thể lớn hơn 10 mét.

Do có địa hình dốc, mưa tập trung nên lũ trên các sông suối ở Tây Nguyên có tốc độ dòng chảy lũ khá lớn, từ  2,0 đến 4,0m/s. Lũ lên, xuống cũng khá nhanh, cường suất lũ đạt từ 0,20 đến 0,50m/giờ đối với các sông suối có diện tích lưu vực nhỏ hơn 1.000 km2; từ 0,10 – 0,30m/giờ đối với các sông lớn hơn; cường suất lũ lên lớn nhất có thể đạt 1,50 – 1,80m/giờ. Thời gian mỗi trận lũ phụ thuộc vào tính chất mưa, hình dạng lưu vực và độ che phủ của thảm thực vật trên lưu vực. Hầu hết các sông, suối nhỏ và có thảm phủ kém do cây rừng bị chặt phá nhiều có thời gian một trận lũ chỉ kéo dài vài ba ngày. Những sông suối lớn và những sông suối có sự che chở tốt của rừng đầu nguồn thì thời gian trận lũ kéo dài hơn, thường từ 4 – 5 ngày đến hơn 10 ngày.

Thông thường, những trận mưa sinh lũ thường là mưa lớn trên diện rộng, địa hình lại dốc nên thời gian tập trung lũ khá nhanh, lượng dòng chảy lớn. Theo đó: thời điểm xuất hiện đỉnh lũ muộn hơn từ 3 đến 6 giờ kể từ khi mưa lớn nhất xảy ra đối với các sông suối có diện tích lưu vực từ 500 km2 trở xuống và từ 6 – 12 giờ đối với các sông có diện tích lưu vực lớn hơn 500 km2. Mô đun đỉnh lũ lớn nhất (lượng nước lũ được sinh ra trên một đơn vị diện tích trong một đơn vị thời gian) trên các sông suối ở Tây Nguyên ở mức trung bình so với cả nước, phổ biến đạt từ 0,50 – 1,50m3/s.km2. Trận lũ năm 1999 trên các sông Dak Nông và Dak RTih có mô đun đỉnh lũ (Mmax) đạt 0,80 – 1,00 m3/s.km2; trận lũ trên sông Krông Nô năm 2000, có Mmax = 1,40 m3/s.km2; trận lũ trên sông Sê San năm 2009 có Mmax = 1,67 m3/s.km2
Trong các yếu tố tác động đến sự hình thành và phát triển của dòng chảy lũ trên các sông suối ở Tây Nguyên thì mưa có vai trò chủ đạo. Ngoài lượng mưa, cường độ mưa (lượng mưa trong một khoảng thời gian nhất định nào đó - thường lấy đơn vị tính là mm/giờ) có tác động quyết định đến mức độ khốc liệt của nước lũ. So với các khu vực khác của nước ta thì cường độ mưa sinh lũ ở Tây Nguyên vào hàng trung bình, phổ biến từ 20 – 30mm/h, một số trận mưa tập trung có thể đạt từ 50 – 70mm/h. Lượng mưa một ngày lớn nhất trên mỗi lưu vực sông trong một trận lũ phổ biến từ 50 – 150mm. Tuy nhiên, trong một số năm, ở Tây Nguyên cũng đã xuất hiện những trận mưa có lượng đặc biệt lớn, đạt trên 200mm trong vòng từ 6 đến 24 giờ. Hầu hết những trận mưa rất to này đều sinh lũ lớn hoặc lũ quét, sạt lở đất và để lại hậu quả rất nghiêm trọng.

Để phòng ngừa thiệt hại do mưa lũ gây nên, cần có những giải pháp kịp thời và đồng bộ. ( Ảnh: T.L)
Để phòng ngừa thiệt hại do mưa lũ gây nên, cần có những giải pháp kịp thời và đồng bộ. ( Ảnh: T.L)

Mùa lũ chính vụ trên các sông chính ở Tây Nguyên như sông Sêrêpôk, sông Ba, Dakbla, Đồng Nai thượng thường trùng với mùa có các nhiễu động mạnh như bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông hoặc đổ bộ vào vùng bờ biển từ Trung Trung bộ đến Nam Trung bộ, kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh trong thời kỳ tháng 8, tháng 9 và không khí lạnh tăng cường trong thời kỳ tháng 10, tháng 11. Phần nhiều những cơn bão, áp thấp nhiệt đới này tạo nên dải hội tụ có trục đi ngang qua Trung bộ. Do vậy, đa phần Tây Nguyên nằm ở phần phía Nam dải hội tụ này nên mưa lũ thường xuất hiện. Đặc biệt, nếu bão hoặc áp thấp đổ bộ vào vùng bờ biển từ Bình Định đến Nha Trang thì tàn dư của nó thường gây mưa lũ lớn ở Tây Nguyên.

Những năm gần đây, dưới sự tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, biến trình mưa ở khu vực Tây Nguyên cũng có những thay đổi nhất định. Theo đó, số trận mưa có cường độ và lượng lớn có xu thế tăng lên, kết hợp với những biến đổi tại chỗ như việc chặt phá rừng cùng nhiều hoạt động khác làm thay đổi diện mạo tự nhiên của lưu vực đã khiến cho dòng chảy lũ trên các sông suối ở Tây Nguyên trở nên hung dữ hơn, có mức độ tàn phá khốc liệt hơn. Theo số liệu thống kê, trong vòng 15 năm trở lại đây, ở khu vực Tây Nguyên đã có 22 trận lũ lớn đến đặc biệt lớn và lũ quét gây ngập lụt trên diện rộng. Hậu quả sau mỗi trận lũ như vậy là hàng chục người chết và mất tích, nhiều công trình nhà cửa, cầu cống, đường sá giao thông, mương máng thủy lợi bị hủy hoại... Vì vậy, công tác chuẩn bị, sẵn sàng đối phó với thiên tai lũ lụt ở Tây Nguyên cần được các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể và người dân thực hiện nghiêm túc. Các địa phương nên coi việc thực hiện chỉ đạo nhân dân làm tốt công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai lũ lụt gây ra như một mục tiêu phấn đấu chủ đạo trong các chương trình hành động của mình. Phòng chống lũ lụt bao gồm hai nhiệm vụ là phòng lũ và chống lũ.

Phòng ngừa lũ lụt: Muốn phòng ngừa lũ lụt hiệu quả, trước hết cần đưa chủ trương, đường lối, chính sách phòng lũ lụt vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; cụ thể hóa những quy định về bảo đảm phòng lũ lụt; coi trọng việc định ra các quy chế phòng lũ lụt khi phân vùng sử dụng đất để sản xuất, xây dựng, bố trí dân cư, phát triển thủy lợi, thủy điện. Điều tra, đánh giá, xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ ngập lụt. Thực hiện các biện pháp hạn chế quá trình chảy tràn, giảm tốc độ tập trung nước, gắn công tác phòng lụt với sử dụng đất trên lưu vực sông, kết hợp với giữ đất, giữ nước. Thay đổi đặc trưng lũ lụt thông qua các biện pháp vật lý như khơi thông cải tạo  dòng chảy, đắp đê quai, nuôi dưỡng, gìn giữ rừng phòng hộ; xây dựng nhà cửa, công trình kiên cố phù hợp với điều kiện có lũ lụt thường xuyên. Tuyên truyền, phổ cập, giáo dục huấn luyện cho các cán bộ lãnh đạo, quản lý, và người dân những kiến thức về lũ lụt và biện pháp phòng lũ lụt. Diễn tập chống lũ lụt, thông qua đó phát hiện ra những thiếu sót về kỹ thuật, phương tiện, nhận thức để bổ sung sửa chữa.

Các biện pháp nêu trên mới chỉ dừng lại ở mức độ phòng ngừa, chuẩn bị ứng phó với lũ lụt. Khi lũ lụt đã xảy ra thì  các biện pháp chống lũ lụt có hiệu quả phải  thể hiện qua kết quả bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và của nhân dân trong cả ba giai đoạn kể từ khi lũ lụt xảy ra, tác động và khi lũ lụt đã kết thúc. Nhiệm vụ chống lũ cần phải được thực hiện kịp thời, đồng bộ. Trước hết cần quan tâm đến việc lập kế hoạch chống lũ lụt cho toàn tỉnh, chi tiết cho từng huyện, xã. Đặc biệt quan tâm đến quy hoạch sử dụng đất và các tài nguyên khác trên bề mặt lưu vực sông. Theo dõi chặt chẽ, truyền thông tin kịp thời từ các trạm quan trắc khí tượng thủy văn (KTTV), đến Trung tâm Dự báo KTTV của tỉnh và Đài KTTV khu vực; phát báo kịp thời, truyền thông tin đến cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương nằm trong vùng uy hiếp của lũ để phát lệnh báo động, đồng thời phổ biến thông tin dự báo tới mọi người dân để chủ động tự phòng chống. Tổ chức chống lũ tập trung, huy động sức người, phương tiện tại chỗ và hỗ trợ từ bên ngoài, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Thực hành thao tác khi bất trắc xảy ra và các hoạt động cứu trợ, an ninh, sức khỏe, môi trường và các công việc phục hồi, sửa chữa khắc phục hậu quả lũ lụt. Cung cấp thông tin, giáo dục, huấn luyện, phổ cập các kiến thức về chống lũ lụt cho nhân dân các vùng thường xuyên bị lũ lụt…

KS. Nguyễn Văn Huy
(Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum)

Ý kiến bạn đọc