Mưa đá - tác hại và biện pháp phòng tránh
Mưa đá là một hiện tượng thiên nhiên ít xảy ra nhưng lại có tác động không nhỏ tới sản xuất, có khi mưa đá trở thành thiên tai nguy hiểm gây thiệt hại đáng kể cho một vùng, một địa phương nào đó.
Mưa đá được xác định là giáng thủy ở thể cứng dưới dạng hòn, cục hay tinh thể băng rơi xuống mặt đệm (mặt đất, mặt nước , thảm thực vật,...) từ những khối mây tích vũ hay mây cốc vũ đồ sộ. Thực tế, mưa đá thường chỉ xảy ra trong các cơn dông tố mạnh, kèm với mưa rào cường độ lớn trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Hình dạng, kích thước của viên nước đóng băng trong mưa đá thường rất khác nhau, hay gặp nhất là hình cầu, nón, thấu kính lồi, khối đa diện và một vài hình thù dị dạng khác; đường kính từ khoảng 0,5mm tới vài ba chục mm; trọng lượng từ vài gam đến vài trăm gam. Mưa đá thường chỉ xảy ra khi có dông, song không phải trong cơn dông nào cũng có mưa đá. Tần suất xuất hiện mưa đá trong cơn dông chỉ vào khoảng 10%.
Mưa đá rơi trong khí quyển với vận tốc rất lớn. Vận tốc rơi tăng tỷ lệ với kích thước, trọng lượng của viên đá và dao động trong khoảng 30 – 60m/s, cá biệt có thể tới 90m/s. Với vận tốc như vậy, các cục băng rơi xuống các đồ vật hay thảm thực vật có thể để lại dấu vết và gây ra những tiếng ồn tương đương với tiếng tàu hỏa hay xe tải nặng, hoặc xe bánh xích đi qua cầu. Mưa đá là hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Những trận mưa đá kéo dài từ vài phút trở lên có thể hủy hoại đáng kể cây trồng, làm mất mùa một phần hoặc toàn phần, ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc, nhà cửa, phương tiện giao thông, gây thương tích hoặc làm chết gia súc, gia cầm và có khi là cả con người; đặc biệt mưa đá có ảnh hưởng đến hoạt động của hàng không dân dụng, đe dọa an toàn các chuyến bay.
Nước ta nằm trong vùng có nhiều mưa đá. Trong vòng vài ba chục năm trở lại đây, hầu như năm nào cũng xảy ra mưa đá, năm nhiều nhất có tới hàng chục lần, có lần mưa đá xảy trên diện rộng hàng ngàn km2. Tây Nguyên là một trong những vùng có mưa đá xảy ra nhiều nhất ở nước ta. Mưa đá ở Tây Nguyên thường xuất hiện vào thời kỳ chuyển mùa và giữa mùa hạ, nhiều nhất là thời kỳ chuyển từ mùa khô sang mùa mưa. Ở Tây Nguyên, những vùng hay có mưa đá xuất hiện lại là những vùng canh tác các loại cây trồng có giá trị kinh tế và dễ bị mưa đá làm hư hại như hoa, cây ăn trái, cà phê, tiêu, bông vải, rau màu… Các trận mưa đá xuất hiện trong những năm gần đây đã gây thiệt hại nặng cho hàng trăm ha cây trồng. Vì vậy, vấn đề dự báo mưa đá, biện pháp phòng tránh nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do mưa đá gây ra đã và đang là vấn đề cấp bách.
Để phòng tránh và hạn chế thiệt hại do mưa đá gây ra trước hết phải dự báo chính xác vị trí và thời điểm xảy ra mưa đá. Ở những nước có điều kiện kinh tế và khoa học phát triển, người ta có thể cảnh báo khá chính xác hiện tượng mưa đá dựa trên phương pháp phân tích bản đồ thời tiết, đặc trưng sóng vô tuyến phản hồi của ra đa khí tượng và ảnh mây vệ tinh nhân tạo. Từ việc dự báo trước khả năng xuất hiện mưa đá, người ta có thể có những tác động tích cực lên các khối mây dông – nguồn phát sinh ra mưa đá, làm tan các đám mây dông, xé nhỏ đám mây băng không cho chúng hình thành mưa đá. Biện pháp này cho hiệu quả khá khả quan. Trong điều kiện hạn chế hơn, người ta áp dụng các biện pháp phòng chống thụ động dựa vào kết quả điều tra, xác định vùng lãnh thổ thường xảy ra mưa đá để từ đó bố trí các loại cây trồng ít bị ảnh hưởng, bị tàn phá bởi mưa đá hoặc dịch chuyển thời vụ cho phù hợp để cây trồng phát triển, ra hoa kết quả và cho thu hoạch vào thời điểm an toàn nhất; kịp thời che, đậy hạn chế mức độ tàn phá của mưa đá,...
(Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum)
Ý kiến bạn đọc