Sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường: cần lộ trình dài hơi
18:14, 17/06/2011
Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thân thiện môi trường ngày càng tăng, nhưng nguồn cung sản phẩm này đang ở tình trạng rất khan hiếm.
Lý giải thực tế này, đại diện Quỹ tái chế chất thải TP Hồ Chí Minh cho rằng, do Nhà nước chưa luật hóa việc sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường; nhận thức của doanh nghiệp cũng như cộng đồng về vấn đề tiêu dùng xanh chưa cao. Và quan trọng hơn hết, điều kiện kinh tế hoàn cảnh người dân nói chung chưa đủ giàu để thực hiện tiêu dùng xanh. Những sản phẩm thân thiện môi trường thường có giá thành cao hơn những sản phẩm thông thường.
Nghị định 117 có hiệu lực vào tháng 3-2010 (thay thế Nghị định 81 trước đó) tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm môi trường từ 70 triệu đồng lên 500 triệu đồng đã tạo hiệu ứng tích cực là tạo động lực để các doanh nghiệp đầu tư tốt hơn cho công tác bảo vệ môi trường, tự giác hơn trong việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường. Nhưng theo đó, chi phí đầu tư, xử lý chất thải cũng đua nhau tăng giá. Đơn cử, giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại tại các thành phố lớn tăng từ 4 triệu đồng/tấn lên từ 12 triệu đến 40 triệu đồng/tấn. Hóa chất xử lý nước thải, khí thải cũng tăng từ 3 – 4 lần so với năm 2009…
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện cơ sở hạ tầng để đáp ứng yêu cầu xử lý môi trường của doanh nghiệp đang bị thiếu nghiêm trọng, nhất là những doanh nghiệp có đủ năng lực tư vấn, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, dẫn đến tình trạng cầu vượt quá cung. Kéo theo là chi phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải bị đẩy lên cao quá mức khiến không ít doanh nghiệp rơi vào tình cảnh lao đao… Dĩ nhiên tất cả những chi phí trên đều được chủ đầu tư hoạch toán vào giá thành sản phẩm và đánh trực tiếp vào túi người tiêu dùng.
Đến đầu năm 2012, nước ta sẽ triển khai đánh thuế môi trường đối với những sản phẩm không thân thiện môi trường, dao động từ 15% - 150% tùy vào sản phẩm. Việc đánh thuế đã và sẽ một lợi thế cạnh tranh về giá các sản phẩm thân thiện môi trường. Chỉ có điều, hiện trên thị trường chưa hề có sự chuẩn bị nguồn cung ứng sản phẩm thân thiện môi trường, nên khó tránh khỏi giá cả hàng hóa lại có dịp leo thang.
Xu hướng dùng sản phẩm thân thiện môi trường ngày càng tăng |
Để sản phẩm xanh trở thành sản phẩm thông dụng trong xã hội, có khả năng thay thế được sản phẩm cùng loại chưa thân thiện môi trường thì ngoài việc tuyên truyền, vận động người tiêu dùng sử dụng, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tạo ra nguồn cung phong phú, đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng sản phẩm này.
Việc áp dụng biện pháp kinh tế nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng sản phẩm chưa thân thiện môi trường cũng cần nên điều chỉnh theo lộ trình dài hơi hơn, tránh làm phát sinh quá nhiều chi phí sản xuất cùng một lúc, gây ảnh hưởng giá thành sản phẩm, suy giảm chất lượng cuộc sống người dân.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường , hiện Bộ và các địa phương đang triển khai dán nhãn xanh cho sản phẩm thân thiện môi trường. Thế nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia còn hạn chế. Hiện các cơ quan chức năng đang hoàn thiện chính sách hỗ trợ vốn, thuế, giá thành sản phẩm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển dòng sản phẩm thân thiện môi trường, hướng đến phát triển tiêu dùng xanh, bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế nhanh nhưng bền vững.
H.H
(Nguồn: SGTT)
Ý kiến bạn đọc