Multimedia Đọc Báo in

Biến đổi khí hậu và những “bài học” từ rừng

10:01, 29/08/2011

Tài nguyên rừng suy giảm, nhiều diện tích rừng gần như bị xóa sổ vĩnh viễn, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đễn những hiểm họa mang tính toàn cầu: biến dạng hệ sinh thái, thay đổi khí hậu và gia tăng các tai họa thiên nhiên...  từng ngày đe dọa trực tiếp đến đời sống con người.

Dak Lak là một trong những tỉnh có diện tích rừng đứng đầu cả nước, với tổng diện tích đất có rừng là 640.527 ha, phong phú về hệ sinh thái, đa dạng sinh học. Rừng ở Dak Lak nói riêng, Tây Nguyên nói chung có chức năng phòng hộ, bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn cho toàn bộ hệ thống canh tác nông nghiệp, phòng hộ biên giới. Đặc biệt, phần lớn diện tích rừng Dak Lak là rừng đầu nguồn ảnh hưởng đến dòng chảy của các con sông lớn của khu vực duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ: hệ thống sông Sêrêpôk, sông Ba, sôn Hinh, Đồng Nai… Chính vì vậy, ở Dak Lak, rừng không chỉ giữ vị trí quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học… mà còn có ý nghĩa quan trọng đến đời sống dân sinh, kinh tế, xã hội… Tuy nhiên, trong những năm qua, rừng ở Dak Lak ngày càng suy giảm cả về diện tích lẫn chất lượng; nhiều hệ sinh thái rừng bị phá vỡ, môi trường tự nhiên bị biến đổi dẫn đến hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh… Tổng hợp thống kê hiện trạng rừng trong 5 năm (2006-2010) cho thấy: diện tích rừng bị mất của toàn tỉnh là 8.533 ha, trong đó 8.447 ha rừng tự nhiên (bình quân mỗi năm mất 1.706 ha). Trong đó mất rừng do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang các mục đích khác như làm các công trình giao thông, thủy điện, thủy lợi, trồng cao su…  là 8.093 ha, số còn lại khoảng trên 354 ha do khai thác, chặt phá trái phép.

Tại cuộc họp triển khai công tác thường trực phòng chống lụt bão các tỉnh thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột vào tháng 6-2011, những con số thương vong về người, thiệt hại về vật chất mà khu vực này gánh chịu trong năm 2010 khiến ai cũng phải giật mình. Thiên tai trong năm 2010 đã cướp đi sinh mạng của 256 người, làm 435 người bị thương; 4.188 căn nhà bị đổ, sập, trôi; 460.381 căn nhà bị hư hại, tốc mái; 228.975 ha lúa và hoa màu bị hư hại, mất trắng, tổng thiệt hại lên đến con số 15.500 tỷ đồng. Báo cáo đánh giá của Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương cũng đã chỉ ra: năm 2010 cũng là năm thời tiết trong cả nước có nhiều diễn biến bất thường: áp thấp nhiệt đới xuất hiện ngay trong những tháng đầu năm, nắng nóng liên tiếp xảy ra trên diện rộng, dòng chảy trên sông bị thay đổi, hạn hán và xâm mặn nghiêm trọng xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước… Còn tại các tỉnh miền Trung, trong vòng chưa đầy 2 tháng đã phải chịu liên tiếp 4 đợt mưa lũ lớn gây ngập lụt nghiêm trọng. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bên cạnh những nguyên nhân như đặc điểm địa lý, biến đổi khí hậu khiến tình trạng mưa lũ ngày càng trở nên khốc liệt, còn có nguyên nhân trực tiếp do con người gây nên. Nạn phá rừng đầu nguồn để khai thác gỗ, phát triển nông nghiệp, thủy điện… thiếu quy hoạch làm thảm thực vật trên lưu vực ngày càng giảm dẫn đến khả năng cản dòng chảy kém, lũ tập trung nhanh hơn, mạnh hơn. Còn ở Tây Nguyên, cũng bởi diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp mà voi rừng mâu thuẫn, xung đột với con người. Liên tục trong 5 năm trở lại đây, hiện tượng voi rừng phá hoa màu ở nương rẫy xuất hiện ngày càng nhiều. Không riêng gì ở Dak Lak, người dân ở các tỉnh Đồng Nai, Gia Lai, Bình Thuận, Quảng Nam, Nghệ An cũng thường xuyên phải đối mặt với việc voi rừng phá hoại hoa màu. Xung đột này đang ngày một diễn ra gay gắt khi điều kiện sống của voi rừng bị đe dọa bởi diện tích rừng ngày càng thu hẹp. Chính vì nhiều diện tích rừng thu hẹp để làm đất canh tác đã ảnh hưởng đến môi trường sống của voi, mất hành lang di chuyển theo mùa để tìm kiếm thức ăn, gặp gỡ, giao phối. Điều này lý giải vì sao voi trở nên hung hãn, phá hoại nương rẫy, hoa màu và tấn công cả con người.

Biến đổi khí hậu, một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều diện tích đất nông nghiệp bị khô hạn.
Biến đổi khí hậu, một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều diện tích đất nông nghiệp bị khô hạn.

Thống kê của Cục Kiểm lâm cho thấy: trong 6 tháng đầu năm 2011 có trên 997 ha rừng của cả nước bị chặt phá, chủ yếu lấy đất để làm nương rẫy (540 ha) và 1.174 ha rừng bị cháy. Trong năm 2010, số diện tích rừng bị phá là 1.747 ha, bị cháy 5.668 ha. Với việc diện tích rừng luôn bị “xâm hại” hằng năm cho thấy nguồn tài nguyên thiên nhiên này đang bị đe dọa nghiêm trọng. Hiện nay độ che phủ của rừng trên cả nước khoảng 40%, trong đó diện tích rừng nguyên sinh chỉ còn 10%. Chính tốc độ suy giảm rừng nhanh trong những năm gần đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu, lý giải cho những đợt thiên tai do các hiện tượng thời tiết cực đoan như El Nino, La Nina gây ra với tần suất ngày càng nhiều và khốc liệt. Đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc  (FAO) cũng đã khẳng định Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thiên tai, đặc biệt là mưa bão và lũ lụt. Mưa bão xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam ngày càng tăng cả về tần suất và sự nguy hại, đang trở thành mối đe dọa thực sự đối với cuộc sống của con người và sự phát triển của nền kinh tế. Chính vì vậy, Việt Nam cũng là nước đang tích cực thực hiện 2 chương trình lớn: Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và Chương trình quốc gia về Phòng chống thiên tai. Trong đó trồng và bảo vệ rừng được xem là “chìa khóa” để ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2015, cả nước phấn đấu trồng mới 450.000ha; trồng lại rừng sau khai thác là 600.000ha; khoanh nuôi tái sinh 550.000ha rừng đặc dụng, phòng hộ với tổng vốn đầu tư gần 24.900 tỷ đồng, nâng độ che phủ lên 43%. Riêng đối với Dak Lak, lâm nghiệp luôn được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, chính vì vậy, giai đoạn 2011-2015, tổng kinh phí đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng vừa được tỉnh phê duyệt là 35,96 tỷ đồng với mục tiêu thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ phát triển rừng hiệu quả, nâng độ che phủ rừng từ  48,8% năm 2010 lên 52% năm 2015.

Trong khi biến đổi khí hậu làm tăng tần số và cường độ của các sự kiện thời tiết cực đoan, thì chính việc rừng bị tàn phá càng tác động đến các sự kiện thời tiết này. Phá rừng hoặc quản lý rừng kém làm tăng nguy cơ lũ và lở đất, sóng thần. Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT cũng đã yêu cầu các tỉnh cần tăng cường, phối hợp chặt chẽ với nhau trong bảo vệ và phát triển rừng, và xem đó là giải pháp căn cơ để ứng phó với diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu. FAO cũng nhấn mạnh việc quản lý rừng tốt sẽ đóng vai trò thiết yếu liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng, khu vực để bảo vệ nguồn tài nguyên rừng của nhân loại. Vì các sự kiện thời tiết cực đoan xảy ra xuyên biên giới nên hợp tác quốc tế trong bảo vệ, phát triển rừng đang ngày càng trở nên cấp thiết.

Yên Ninh

Ý kiến bạn đọc