Khi thanh niên tham gia quản lý bảo vệ rừng
Với diện tích trên 59.000 ha vùng trọng yếu và 130.000 ha vùng đệm, Vườn Quốc gia Cư Yang Sin được ví như "Kho báu giữa trời" bởi hệ động thực vật phong phú gồm: 1.078 loài bậc cao, trong đó có 143 loài đặc hữu của Việt Nam, 54 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 26 loài có tên trong Sách đỏ thế giới; hệ động vật có 648 loài, trong đó có 23 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 9 loài có tên trong Sách đỏ thế giới... Ngoài ra, Vườn còn là nơi cung cấp nguồn nước cho sông Sê Rê Pôk, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái
Song những năm gần đây, tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ, săn bắn động vật hoang dã trái phép thường xuyên xảy ra khiến diện tích rừng đệm ở các xã bị xâm hại nghiêm trọng. Đứng trước tình hình đó, Đoàn thanh niên xã Hòa Phong, một trong 6 xã của huyện Krông Bông nằm trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Cư Yang Sin, nơi thường xuyên xảy ra hiện tượng xâm hại rừng trái phép đã chủ động liên hệ với Ban Quản lý Vườn Quốc gia đảm nhận chăm sóc, bảo vệ 44 ha rừng đệm. Tuy số diện tích đó chỉ là một phần nhỏ so với diện tích rừng xã được Vườn giao quản lý, nhưng với ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ xã Hòa Phong trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, khu rừng đệm ngày nào bị người dân chặt phá hết những cây gỗ có giá trị, chỉ còn lại cây bụi và cỏ dại đang được hồi sinh. Hòa Phong là một xã nghèo, đất đai sản xuất chủ yếu là đồi núi, trong khi phần lớn thanh niên dân tộc thiểu số sống phân tán, không mấy hăng say với phong trào đoàn. Do đó, thách thức đặt ra là làm sao để đoàn kết tập hợp và tuyên truyền cho ĐVTN hiểu và ủng hộ kế hoạch là việc làm không hề đơn giản. Với tinh thần trách nhiệm, đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên, Ban Chấp hành Đoàn xã đã luân phiên xuống các cơ sở tìm hiểu những khó khăn vướng mắc của ĐVTN để qua đó định hướng, hỗ trợ kịp thời giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Hằng tháng, thông qua các buổi sinh hoạt, Đoàn xã luôn chú trọng tuyên truyền các chương trình nói về những giá trị lợi ích của rừng, cũng như giới thiệu các mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả từ rừng như VAR, VACR, hay các dự án trồng rừng sản xuất liên kết… để ĐVTN tham khảo, học hỏi.
Đoàn viên thanh niên phát dọn bờ lô bảo đảm an toàn cho rừng cây vào mùa nắng. |
Có thể nói, trong khi nhiều tổ chức đoàn cơ sở đang lúng túng vì thiếu các hoạt động để tập hợp thanh niên, thì ở xã vùng xa tuy còn khó khăn như Hòa Phong, công trình rừng thanh niên được xem như biểu tượng sự đoàn kết, thể hiện tính năng động, sáng tạo khi thu hút hơn 2.200 ĐVTN tham gia quản lý, chăm sóc, bảo vệ. Đây thực sự là một minh chứng khá ấn tượng cho phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế, bảo vệ Tổ quốc” của tuổi trẻ Hòa Phong. Với những kết quả đạt được, nhiều năm qua Đoàn thanh niên xã Hòa Phong đã vinh dự nhận được nhiều giấy khen của UBND xã, huyện và là 1 trong 20 công trình thanh niên tiêu biểu được Tỉnh Đoàn tuyên dương năm 2010.
Ý kiến bạn đọc