Multimedia Đọc Báo in

Những nhiễu động thời tiết có thể gây tai biến thiên tai trong thời kỳ giữa và cuối mùa mưa lũ ở Tây Nguyên

07:51, 16/08/2011

Tây Nguyên nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, không có sự phân chia mùa thiên văn rõ rệt như ở miền Bắc mà chỉ có hai mùa khô và mưa, trùng với hai mùa gió là gió mùa Đông Bắc (mùa khô) hoạt động chi phối từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau và gió mùa Tây Nam (mùa mưa) hoạt động từ tháng 5 đến tháng 10. Gần trùng lặp với hai mùa khô và mùa mưa là mùa cạn và mùa lũ của dòng chảy sông suối. Mùa ở khu vực Tây Nguyên có sự phân hóa theo không gian và biến đổi theo thời gian rõ rệt, hình thành một mùa khô - cạn tương phản sâu sắc với mùa mưa - lũ.

Phân bố lượng mưa năm ở Tây Nguyên mang đậm nét của vùng nhiệt đới gió mùa, có sự khác biệt giữa các tiểu vùng trong khu vực và có đặc thù riêng khác với các khu vực khác ở nước ta. Trong đó đáng kể nhất là sự bắt đầu và kết thúc mùa mưa có sự không đồng nhất giữa các vùng. Mùa mưa ở Tây Nguyên thường bắt đầu từ tháng 5; nơi bắt đầu mùa mưa sớm bao gồm các vùng phía nam tỉnh Dak Nông, phía tây tỉnh Gia Lai, phía tây – tây bắc tỉnh Kon Tum, phần lớn tỉnh Lâm Đồng. Nơi bắt đầu mùa mưa muộn hơn một vài tháng là các vùng phía đông, đông nam các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Dak Lak, phía bắc tỉnh Lâm Đồng. Nhìn chung thời kỳ chuyển tiếp mùa ở Tây Nguyên không rõ ràng. Những năm có hiện tượng La Nina thì gió mùa Tây Nam hoạt động sớm và có những đợt hoạt động mạnh liên tục đem lại lượng mưa hết sức dồi dào, lượng mưa cả năm vượt trung bình nhiều năm (TBNN) từ 10 – 30%, theo đó dòng chảy sông suối cũng phong phú hơn và thường có lũ lớn. Ngược lại, trong những năm có hiện tượng El Ninô, thời gian bắt đầu mùa mưa muộn hơn gần 1 tháng, tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa trong giai đoạn trưởng thành của hiện tượng El Ninô thường ít hơn TBNN. Tuy nhiên vào giai đoạn El Ninô suy yếu thì không có sự tương quan rõ rệt.

Lũ lớn ở Dak Lak mùa mưa 2010.                Ảnh: T.N.Q
Lũ lớn ở Dak Lak mùa mưa 2010. (Ảnh: T.N.Q)
Những tháng cuối mùa mưa, hoạt động của gió mùa Tây Nam yếu dần nên mưa lũ trong thời kỳ này chủ yếu được sinh ra do các nhiễu động như dải hội tụ nhiệt đới, các áp thấp nhiệt đới và bão hoạt động trên các vùng ven bờ biển từ khoảng 10 – 16 độ vĩ Bắc. Đây là những nhiễu động thời tiết thường cho mưa vừa, mưa to đến rất to, sinh lũ lớn trên các sông của Tây Nguyên. Số liệu thống kê trong nhiều năm cho thấy, khu vực duyên hải Trung Trung bộ đến Nam Trung bộ vào các tháng 9,10,11 thường xuyên có bão đổ bộ với tần suất 25 – 40%. Các tỉnh Tây Nguyên có phần lớn diện tích nằm ở phía sườn tây Trường Sơn tuy ít chịu tác động trực tiếp của bão, nhưng lại luôn nhận được lượng mưa lớn do ảnh hưởng của bão. Lượng mưa ngày lớn nhất của những trận bão ảnh hưởng mạnh hoặc có ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh tăng cường luôn đạt và vượt mức 100mm, nhất là vùng thượng nguồn của các sông Sê San, sông Ba và sông Sêrêpôk. Điển hình như cơn bão Kesana năm 2009 cho mưa ngày lớn nhất ở các khu vực thượng nguồn sông Sê San và sông Ba có lượng từ 150 đến gần 300mm. Mưa do bão gây ra thường phân bố theo diện rộng, tâm mưa lớn khá rõ, lượng mưa lớn tập trung ở phía đông – đông bắc hoặc đông nam giảm dần về phía tây; chênh lệch giữa nơi mưa nhiều nhất và nơi mưa ít nhất đạt từ 5 – 7 lần. Tùy theo cấp bão, đường đi và vị trí đổ bộ của bão mà ở các khu vực của Tây Nguyên nhận được lượng mưa khác nhau.

Thông thường khi bão đổ bộ vào khu vực từ Phú Yên trở ra thì mưa lũ tập trung mạnh ở các lưu vực sông Sê San và sông Ba. Khi bão đổ bộ vào khu vực từ Phú Yên trở vào thì thường cho mưa lớn ở Gia Lai, Dak Lak và một phần Dak Nông, Lâm Đồng. Vào những tháng có bão, lượng mưa do bão thường chiếm từ 60 – 90% lượng mưa tháng.

Ngoài tác động của bão hay áp thấp nhiệt đới, mưa lũ trong thời kỳ cuối mùa cũng có thể xảy ra khi gió mùa đông bắc về sớm, có cường độ mạnh. Vào tháng 11 khi gió mùa đông bắc tràn về với cường độ mạnh kết hợp với trục rãnh thấp thường cho mưa rất lớn ở các vùng phía đông; diện mưa hẹp hơn nhưng thời gian dài hơn mưa bão (từ 3,5 đến 7 ngày). Mưa rất lớn ở vùng tâm mưa, có thể đạt 300 – 400mm/ 3 – 5 ngày và giảm nhanh về phía tây.

Hằng năm, mùa lũ chính trên các sông Tây Nguyên như sông Sêrêpôk, sông Ba, sông Sê San thường trùng với mùa hoạt động mạnh của các nhiễu động thời tiết nêu trên. Năm nay, ngay trong các tháng đầu mùa mưa bão đã có 2 trong số 3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới có ảnh hưởng khá rõ đến tình hình mưa ở các tỉnh Tây Nguyên (bão số 2, hình thành từ ngày 21 đến ngày 25-6 và bão số 3 hình thành từ ngày 26 – 30-7) gây mưa trên diện rộng trong nhiều ngày liên tục ở nhiều vùng trong khu vực. Ở các tỉnh Kon Tum, Dak Nông đã xuất hiện lũ trung bình, lũ lớn; ở các tỉnh Gia Lai, Dak Lak đã xảy ra lũ quét, lốc xoáy gây thiệt hại về của cải vật chất và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn khí tượng thủy văn, trong thời kỳ giữa và cuối mùa mưa, bão, lũ năm 2011 còn có khoảng từ 4 - 5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến thời tiết nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ. Tây Nguyên cũng sẽ là khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới trong thời gian tới. Do vậy, các địa phương trong khu vực cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các phương án phòng chống thiên tai, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo khí tượng thủy văn để luôn chủ động ứng phó với thiên tai bão lũ trong thời gian tới.

Nguyễn Văn Huy

Ý kiến bạn đọc