Multimedia Đọc Báo in

Nước biển dâng - một hiểm họa đối với môi trường tự nhiên nước ta

13:58, 09/10/2011

Việt Nam có trên 3.260 km đường bờ biển với khoảng 50% dân số cả nước sống ở vùng ven biển và các vùng đất thấp. Trong những năm vừa qua, kinh tế vùng ven biển  đã phát triển rất mạnh mẽ. Tại nhiều vùng ven biển, nhiều khu đô thị mới, cảng biển, khu nghỉ dưỡng đang được xây dựng hoặc quy hoạch phát triển...Chính vì vậy, sự nóng lên toàn cầu hiện nay và kèm theo đó là hiện tượng nước biển dâng có thể gây tác hại rất lớn đến sự phát triển kinh tế và môi trường tự nhiên ở các vùng ven biển nước ta.

Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam chính thức công bố báo cáo "Giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu ở các thành phố" khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là bản báo cáo đầu tiên về đề tài này nhằm giúp các nhà quy hoạch và quản lý nhận diện tính dễ thương tổn và có kế hoạch chuẩn bị ứng phó đối với các sự kiện thời tiết khắc nghiệt có thể xảy ra. Qua đó, WB  cho biết trong vòng 100 năm tới, mực nước biển dâng 1m sẽ làm ảnh hưởng tới khoảng 5% diện tích, 11% dân số, 7% sản lượng nông nghiệp và làm giảm 10% GDP của Việt Nam. Vị trí và đặc điểm địa hình khiến cho Việt Nam trở thành một trong những nước chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới, từ bão nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán, đến xâm nhập mặn, lở đất và cháy rừng…

Dự báo tác động của nước biển dâng đến môi trường tự nhiên
Khi mực nước biển dâng, hậu quả dễ thấy nhất là nhiều vùng sẽ bị ngập lụt. Nhưng hậu quả của mực nước biển dâng không phải chỉ có ngập tĩnh, động lực biển vùng ven bờ và cửa sông, sóng vỡ khi tiếp cận bờ sẽ tác động mạnh lên đường bờ, bãi triều. Bờ biển bị xâm thực và cơ sở hạ tầng ven biển, cảng biển bị đe dọa lớn hơn. Ở các đồng bằng ven biển, độ ngập sâu hơn, thời gian ngập kéo dài hơn. Xâm nhập mặn sẽ vào sâu, nguồn nước ngọt khan hiếm hơn. Chế độ thủy văn, thủy lực trên từng địa bàn và trên cả đồng bằng sẽ có những thay đổi, khiến cho động thái bồi xói cửa sông, cù lao, cồn bãi, bồi lắng phù sa trên hệ thống sông chính và vùng cửa sông cũng thay đổi.

Ảnh hưởng đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Khu vực này có độ cao tương đối thấp. Trên một số khu vực của Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau nhiều nơi cao chỉ vào khoảng 20 – 30cm so với mực nước biển. Với những tác động đề cập trên đây, các yếu tố thủy nông quyết định cơ cấu mùa vụ, sinh thái thủy vực, hệ sinh thái rừng ngập nước…chịu tác động mạnh mẽ. Đồng bằng sông Cửu Long trước đây rất ít hứng chịu bão. Thế nhưng trong một thập kỷ, năm 1997 đã chịu cơn bão Linda và năm 2006 đã bị cơn bão Durian quét qua. Nhiều nghiên cứu gần đây tìm mối tương quan giữa việc bão ở Tây Thái Bình Dương có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn sau tháng 10 dương lịch và đi hướng về phía xích đạo, với nhiệt độ nước biển trên bề mặt tăng, kết quả của dòng hải lưu bị thay đổi bởi biến đổi khí hậu toàn cầu. Cơn bão Nargis đi qua châu thổ Irrawaddy của Myanmar vào năm 2008 và hậu quả khủng khiếp mà cơn bão này đã gây ra là một cảnh báo đối với đồng bằng sông Cửu Long. Sự tàn phá của các cơn bão đã gây ra cho khu vực này sẽ lớn hơn và khắc nghiệt hơn nhiều nếu mực nước biển dâng lên so với hiện nay.

Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập nước.                             Ảnh: T.L
Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập nước. Ảnh: T.L

Ảnh hưởng đối với khu vực đồng bằng Bắc Bộ: Với việc dự báo mực nước biển dâng 1m, một phần khá lớn diện tích các tỉnh, thành phố như: Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên và một phần của các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình có cao độ mặt đất thấp hơn mực nước trung bình sẽ bị ngập lụt nặng nếu vỡ đê. Cùng với đồng bằng sông Cửu Long, vùng đồng bằng Bắc Bộ của nước ta là một khu vực đất thấp, thường xuyên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thiên tai, đặc biệt là các thiên tai có nguồn gốc từ biển. Hiện tại, xói lở bờ biển đang xảy ra tại nhiều nơi với cường độ ngày càng gia tăng, nhất là trong những năm gần đây. Đặc biệt, trong cơn bão số 7 năm 2005, rất nhiều đoạn đê biển trong khu vực này như đê biển Hải Triều, Hải Hòa, Hải Thịnh đã bị vỡ, gây ngập lụt cho những khu vực rộng lớn ven bờ. Đây là những khu vực có đông dân cư sinh sống với nhiều hoạt động kinh tế và du lịch nên thiệt hại do gió bão, nước biển xâm thực gây ra là rất lớn.

 

Ảnh hưởng đối với vùng duyên hải miền Trung: Dải đất này bị chia cắt bởi nhiều nhánh núi Trường Sơn vươn ra đến tận biển và một số con sông ngắn mà lưu vực chuồi về phía biển Đông. Trong những năm gần đây, rừng đầu nguồn phía Tây bị tàn phá nhiều, địa mạo vùng duyên hải Trung Bộ trở nên ngày càng không ổn định, thể hiện rõ nhất là lở núi, lòng các hồ đập bị lấp dần, các cơn lũ tràn và lũ quét đổ ra biển Đông. Lòng sông, địa mạo các cửa sông thay đổi nhiều sau mỗi mùa lũ. Hậu quả của các cơn bão, các trận lũ quét đối với hạ tầng cơ sở là khá nặng nề. Với mực nước biển dâng, sự không ổn định của địa mạo còn sẽ đến từ phía biển Đông nghĩa là đến từ hai phía của dải đất hẹp miền Trung. Những năm gần đây, tình hình bờ biển bị xâm thực xảy ra nhiều hơn. Khác với hậu quả của các cơn bão hay lũ quét thường xảy ra vào mùa mưa bão hằng năm, sự đe dọa của biển dâng lên cơ sở hạ tầng dọc bờ biển theo mùa, theo kỳ triều và thường xuyên hơn.

Cùng với sự dâng lên của mực nước biển, chắc chắn ảnh hưởng của thiên tai tại các khu vực ven biển và đất thấp sẽ gia tăng. Mức độ ảnh hưởng tới kinh tế, xã hội của hiện tượng nước biển dâng là rất rộng lớn. Có khả năng là các vùng đất màu mỡ sẽ bị ngập lụt hoặc nhiễm mặn, các cánh đồng nuôi tôm có thể phải di chuyển tới những nơi khác, nghề cá ven bờ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Các đặc trưng của các khu vực lân cận không bị ngập lụt thường xuyên có thể bị ảnh hưởng và do vậy các khu vực này không còn phù hợp cho sản xuất nông nghiệp. Các vùng cửa sông có thể bị thay đổi do thay đổi chế độ triều và dòng chảy. Các đầm lầy ven biển, là khu vực sinh sống của nhiều loài cua cá và chim biển, sẽ bị đe doạ do nước biển dâng. Đa dạng sinh học của Việt Nam có thể bị suy giảm mạnh và các khu vực sinh cư đặc thù của động vật biển có thể biến mất. Nước biển dâng có thể dẫn tới sự suy giảm hay biến mất hoàn toàn của rừng ngập mặn tại các khu vực thấp, làm gia tăng xâm nhập mặn và xói lở, và càng tăng khả năng tổn thương do thiên tai nước dâng trong bão. Dân cư sinh sống ven biển dễ bị tổn thương do ngập lụt sẽ phải di dời. Điều này làm tăng áp lực khai thác đất đai và sẽ làm gia tăng nạn phá rừng để làm nhà và trồng trọt. Kết quả của phá rừng là đa dạng sinh học càng bị suy giảm, xói lở gia tăng và ngập lụt trở nên nghiêm trọng hơn…

Các biện pháp ngăn chặn nước biển dâng
Việc ngăn chặn và ứng phó với nước biển dâng là nhiệm vụ có tầm quan trọng hàng đầu về nhiều mặt kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Theo các nhà chuyên môn thì nguyên nhân chính dẫn đến nước biển dâng là do biến đổi khí hậu toàn cầu, mà sự biến đổi khí hậu là do sự tác động của con người đối với môi trường tự nhiên. Nhiệt độ của khí quyển tăng là do lượng CO2 mà người tạo ra trong quá trình đốt nhiên liệu và sử dụng quá nhiều hoá chất và các nguồn nguyên liệu hoá thạch.

Chính vì vậy, để ngăn chặn thảm hoạ nhiệt độ trái đất nóng lên, chúng ta phải tích cực giảm lượng khí thải CO2. Các nhà khoa học còn nhấn mạnh rằng, cuối thế kỷ 21 con người sẽ sống trong thời đại “phi cacbon”, vì thế ngay từ bây giờ cần có ý thức tự tiết giảm lượng CO2 do chính con người tạo ra trong quá trình hoạt động và sản xuất. Việc trái đất nóng lên, ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường tự nhiên thì môi trường nhân văn cũng chịu tác động không nhỏ. Và một trong những nguyên nhân chính là nạn phá rừng cũng khiến cho việc biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và mạnh. Do đó, trồng rừng và trồng rừng ven biển tạo hàng rào chắn gió là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn hiện tượng nước biển dâng.
Như vậy, trước mắt mỗi chúng ta cần có ý thức tiết giảm lượng CO2 bằng những hành động cụ thể; ngăn chặn nạn phá rừng bừa bãi; tích cực trồng rừng, nhất là những cánh rừng ngập mặn ven biển. Có như vậy mới mong đẩy lùi và ngăn chặn được thảm họa do nước biển dâng gây ra.

Nguyễn Thanh Điệp

Ý kiến bạn đọc