Xu thế thời tiết và công tác phòng chống thiên tai trong tháng 10 ở Tây Nguyên
Tháng 10, tháng cuối của mùa mưa hàng năm nhưng lại là tháng cao điểm của mùa bão, lũ ở Tây Nguyên. Theo quy luật nhiều năm, tháng 10 có tổng lượng mưa và số ngày có mưa thấp hơn so với các tháng 8, 9; tuy số ngày có mưa giảm nhưng lại thường xuất hiện những đợt mưa lớn, mưa tập trung trong một số ngày nhất định gây lũ trên các sông suối. Mặt khác, các sông có lưu vực hoặc một phần lưu vực nằm trên vùng chuyển tiếp giữa sườn Đông và sườn Tây Trường Sơn như lưu vực sông Ba (Gia Lai), một phần lưu vực sông Sêrêpốk (Dak Lak), Sông Dak Bla (Kon Tum) và một số sông suối khác thì tháng 10 là thời kỳ chính của mùa lũ nên thường xuất hiện những trận mưa, lũ lớn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sản xuất và môi trường.
Năm nay, tổng lượng mưa tính đến hết tháng 9 trên hầu hết các vùng của Tây Nguyên đạt khá, phổ biến từ trên 60 đến xấp xỉ 100% tổng lượng mưa năm trung bình nhiều năm. Thông thường, vào những năm mà tình hình thời tiết thủy văn diễn ra tương đối phù hợp với quy luật diễn biến chung, không có sự đột biến thì lượng mưa trong ba tháng cuối năm chiếm từ 15 - 30% tổng lượng mưa năm (riêng các vùng phía Đông từ 40 - 65%), tập trung chủ yếu trong tháng 10.
Xu thế diễn biến thời tiết thủy văn cho thấy nhiều khả năng tháng 10 năm nay, thời tiết Tây Nguyên chịu tác động mạnh của bão nên có mưa nhiều và khả năng xuất hiện những đợt mưa lũ lớn. Theo đó: Thời kỳ đầu tháng, thời tiết của khu vực sẽ chịu tác động mạnh mẽ của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung bộ, bị nén bởi không khí lạnh ở phía Bắc, kết hợp với hoàn lưu của bão NALGAE (bão số 6 của nước ta) và gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên ngay từ những ngày đầu tháng có thể có mưa kéo dài trong nhiều ngày; có ngày, có nơi có mưa vừa, mưa to. Trên các sông, suối khả năng xuất hiện một đợt lũ trung bình đến lớn với mực nước đỉnh lũ đạt mức báo động cấp 2 (mức bắt đầu gây nguy hiểm) đến xấp xỉ mức báo động cấp 3 (mức có thể gây thiệt hại nghiêm trọng). Ngoài ra, mưa tập trung với lượng lớn cũng sẽ làm nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và các thiên tai khác tăng cao, đe dọa đến sự an toàn trong đời sống sản xuất và sinh hoạt của nhân dân các địa phương. Thời kỳ giữa và cuối tháng, thời tiết tiếp tục có nhiều biến động với nguy cơ chịu tác động mạnh mẽ của các nhiễu động thời tiết như bão, áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh tăng cường gây ra các đợt mưa, lũ trên diện rộng.
Để nâng cao hiệu quả phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trong tháng 10-2011, Chính quyền và nhân dân các địa phương cần thực hiện tốt một số việc như: Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết thủy văn; chủ động các biện pháp đối phó khi có các tin cảnh báo, dự báo về sự xuất hiện của các nhiễu động thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, dải hội tụ nhiệt đới hoặc không khí lạnh tăng cường có ảnh hưởng mưa đến khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt lưu ý các cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào vùng bờ biển từ Trung Trung bộ đến Nam Trung bộ hoặc các nhiễu động do tác động kết hợp của các yếu tố trên, là các loại hình thời tiết thường gây mưa sinh lũ lớn trên các sông suối. Các xã, thôn, buôn nhất là các thôn buôn có nguy cơ bị chia cắt, cô lập khi có mưa lũ cần thực hiện tốt việc chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết như lương thực, nước uống, chất đốt, thuốc chữa bệnh,.. Đối với mỗi gia đình cần thực hiện thường xuyên việc chằng chống nhà cửa để có thể chống chọi được với gió bão mạnh; làm hoặc tìm cho gia đình một chỗ trú tránh an toàn dễ dàng di dời đến khi mưa, bão, lũ xảy ra. Mỗi gia đình phải chuẩn bị sẵn lương thực và nước uống sạch đủ dùng trong khoảng 3 ngày đến một tuần để phòng khi thiên tai xảy ra phải sơ tán thì mang theo hoặc bị cô lập có thể tự cứu gia đình trước khi có sự ứng cứu từ bên ngoài. Khi thiên tai xảy ra mọi người cần tuân thủ nghiêm hiệu lệnh của chính quyền để thực hiện các biện pháp phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa, bão, lũ, sạt lở đất gây ra.
Một điểm cần lưu ý khác là tháng 10 nằm trong thời kỳ chuyển mùa ở Tây Nguyên. Sự thay đổi liên tục của thời tiết là nguyên nhân làm xuất hiện nhiều các loại dịch bệnh như cảm cúm, sốt phát ban, bệnh tay-chân-miệng ở người; dịch lở mồm long móng; dịch tai xanh ở gia súc; dịch cúm gia cầm; bệnh dại ở vật nuôi (chó, mèo) và sâu, bệnh trên các loại cây trồng. Do vậy, các gia đình nên thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ dùng của gia đình và cá nhân, không ăn thức ăn sống; không uống nước chưa đun sôi để tránh các dịch bệnh về mùa mưa. Làm vệ sinh chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm; không thả rông gia súc, gia cầm khi có mưa liên tục để tránh phát sinh và lây lan dịch bệnh do thời tiết ẩm ướt gây ra. Tích cực làm cỏ, chăm bón cho cây trồng; thường xuyên thăm và phát hiện sớm sự xuất hiện của sâu bệnh để thực hiện các biện pháp diệt trừ.
(Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum)
Ý kiến bạn đọc