Thời tiết tháng 11 ở Tây Nguyên: Sự chuyển mùa diễn ra khá nhanh và rõ ràng
Tháng 11, thời tiết của Tây Nguyên có sự chuyển biến sâu sắc. Mùa mưa ẩm ướt lùi dần để nhường chỗ cho mùa khô nhiều ánh nắng. Tính chất đặc thù về vị trí địa lý và địa hình đã làm cho thời tiết trong tháng 11 của khu vực này có sự phân hóa khá rõ theo không gian. Ở các vùng nằm về sườn tây của dãy Trường Sơn (chiếm phần lớn diện tích tự nhiên của các tỉnh Tây Nguyên) sự chuyển mùa diễn ra khá rõ ràng ngay từ cuối tháng 10, đến đầu tháng 11 thì thời tiết đã chuyển hẳn sang mùa khô; còn ở các vùng chuyển tiếp hoặc nghiêng về sườn phía đông dãy Trường Sơn thì mặc dù đã có sự chuyển đổi về hướng gió (từ gió Tây Nam sang gió Đông Bắc) nhưng quá trình mưa ẩm vẫn còn tiếp tục kéo dài đến cuối tháng, thậm chí một số vùng như M’Drak (Dak Lak); An Khê, K’Bang (Gia Lai),… tháng 11 còn đang trong thời kỳ cao điểm của mùa mưa. Về dòng chảy và lượng nước trên các sông, suối trong khu vực, tháng 11 còn nằm trong thời gian mùa lũ; lượng dòng chảy trung bình tháng thường đạt cao hơn lượng dòng chảy trung bình năm; một số năm còn có lũ lớn, tập trung chủ yếu ở các sông, suối thuộc lưu vực sông Dak Bla, sông Ba và một số nhánh sông suối của sông Sêrêpôk.
Quy luật chung là vậy, nhưng diễn biến thời tiết, thủy văn không phải năm nào cũng giống năm nào. Những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đã ngày càng trở nên rõ nét hơn nên diễn biến thời tiết, thủy văn cũng có nhiều bất thường, sai khác quy luật nhiều hơn. Thông thường, vào các năm ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, hoặc những năm có bão muộn kết hợp không khí lạnh tăng cường mạnh thì mùa mưa có xu thế kéo dài hơn nên nửa đầu tháng 11 vẫn còn có mưa khá, thậm chí có mưa, lũ lớn; xác suất xuất hiện mưa lũ muộn khoảng từ 20 – 25 %, tức là khoảng 4 – 5 năm thì có một năm xảy ra hiện tượng này. Ngược lại, những năm ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, những năm có mùa mưa kết thúc sớm thì tháng 11 đã là thời kỳ mùa khô ở hầu hết các vùng của khu vực Tây Nguyên. Năm nay, sự chuyển mùa sẽ diễn ra khá nhanh và rõ ràng. Đầu tháng 11, lượng mưa ẩm sẽ suy giảm mạnh ở đa phần các vùng của Tây Nguyên. Ở các vùng nằm hoàn toàn về sườn phía tây của dãy Trường Sơn, các điều kiện của mùa khô sẽ chính thức được thiết lập ngay từ đầu tháng. Các vùng phía đông – đông bắc của Tây Nguyên, mùa mưa sẽ còn tiếp tục duy trì trong một thời gian, ít nhất đến giữa hoặc cuối tháng 11 mới kết thúc. Các kết quả dự báo cho thấy, khả năng có bão muộn xuất hiện trên Biển Đông là vẫn còn và có thể ảnh hưởng gây mưa lũ ở các vùng phía đông – đông bắc của các tỉnh Dak Lak, Gia Lai, Kon Tum.
Nhìn chung, xu thế diễn biến thời tiết, thủy văn trong tháng 11 năm nay được dự báo là sẽ có một số điểm cơ bản sau:
Lượng mưa giảm mạnh so với tháng 10 ở hầu hết các vùng trong khu vực. Trong đó, các vùng phía tây, tây nam và phía nam khả năng có lượng mưa đạt dưới 100mm, tập trung chủ yếu trong thời kỳ đầu và giữa tháng; Các vùng còn lại trong khu vực có mưa từ 100 đến dưới 200mm, riêng các vùng M’Drak (Dak Lak); An Khê, K’Bang (Gia Lai) có khả năng có mưa lớn hơn 200mm.
Trong tháng, thời tiết của Tây Nguyên có khả năng chịu tác động của 3 – 5 đợt không khí lạnh nên thường xuyên có gió Đông Bắc thổi mạnh cấp 2, cấp 3, có lúc mạnh cấp 4, nhiệt độ hạ thấp dần. Ở các vùng trũng thấp, nhiệt độ trung bình từ 23 – 25oC; cao nhất từ 28 – 30OC; thấp nhất từ 18 – 20oC; ở các vùng núi cao, nhiệt độ trung bình từ 20 – 22oC; cao nhất từ 26 – 28OC; thấp nhất từ 16 – 18oC. Với nền nhiệt độ này, sẽ có nhiều ngày trời trở mát, đêm và sáng trời lạnh; vùng núi cao phía bắc Tây Nguyên trời rét.
Mưa giảm nên dòng chảy và lượng nước trên các sông suối cũng giảm dần. Tuy nhiên do được thừa hưởng lượng nước mưa khá lớn trong tháng 10 cũng như trong toàn mùa mưa và trong tháng 11 còn có mưa ở các vùng thượng nguồn nên lượng nước trên các sông, suối khá phong phú; có khả năng duy trì ở mức cao hơn lượng nước trung bình tháng 11 nhiều năm.
Đánh giá chung về xu thế diễn biến thời tiết, thủy văn trong tháng 11-2011 cho thấy, đang và sẽ có sự thuận lợi nhất định đối với đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân các địa phương trong khu vực. Các địa phương sẽ thuận lợi hơn trong việc thu hoạch, phơi khô và bảo quản các loại nông sản cũng như có sự thuận lợi về thời tiết và nguồn nước để bắt đầu gieo trồng mùa vụ mới. Các công trình thủy lợi, thủy điện, các hồ đập cũng có điều kiện thuận lợi hơn để tu sửa, gia cố, tích trữ được nhiều nước hơn cho sản xuất trong mùa khô tới. Bên cạnh đó, diễn biến thơi tiết cũng bộc lộ những yếu tố bất lợi. Sự chuyển mùa diễn ra khá nhanh sẽ làm cho thời tiết có nhiều biến động và thường thay đổi đột ngột, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe con người; dễ gây bệnh cho vật nuôi,...
Ý kiến bạn đọc