Multimedia Đọc Báo in

Chất thải rắn: nguyên nhân chính gây ô nhiễm

17:15, 10/02/2012

Hiện nay, lượng chất thải rắn được thu gom tại các đô thị Việt Nam chỉ đạt khoảng 70% so với yêu cầu thực tế. Vì vậy, loại chất thải này đang trở thành nguyên nhân chính yếu gây ô nhiễm môi trường nước mặt, không khí, đất, cảnh quan đô thị và tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng; đồng thời tốn nhiều quỹ đất, không tận dụng được để tái chế, tái sử dụng.

Ảnh minh họa: T.H

Trong báo cáo về các nội dung chuẩn bị cho "Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011-2015", Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đến năm 2015, khối lượng chất thải rắn phát sinh trong cả nước sẽ lên tới 44 triệu tấn. Riêng thống kê năm 2008, tổng lượng chất thải rắn trên toàn quốc gần 28 triệu tấn, song công tác xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp với số lượng trung bình từ 1-2 bãi ở mỗi đô thị, trong đó 85% đô thị từ thị xã trở lên sử dụng phương pháp đổ thải không hợp vệ sinh; mới có 16/98 bãi chôn lấp chất thải tập trung đạt yêu cầu. Như vậy, trung bình mỗi đô thị ở Việt Nam có từ 1-2 bãi chôn lấp chất thải cần xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường. Cũng theo dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2020, khối lượng chất thải rắn phát sinh là 68 triệu tấn và đến năm 2025 sẽ là 91 triệu tấn (cao gấp 2-3 lần hiện nay).

Theo Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm mỗi trường nghiêm trọng đã được phê duyệt tại Quyết định 64 ngày 22-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ, vào thời điểm đó trên phạm vi cả nước có 52 bãi rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý. Tuy nhiên, đến nay mới có 17 bãi rác đã hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để; 9 bãi rác đang tiến hành xử lý; 26 bãi rác vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. Nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm kéo dài là công tác xã hội hóa, tư nhân hóa trong việc thu gom và xử lý chất thải rắn còn rất thấp, nguồn vốn đầu tư cho công tác quản lý hạn chế.

Việc thực hiện nguyên tắc "người gây ra ô nhiễm phải trả tiền" chưa thực sự triệt để, công tác triển khai nghiên cứu, áp dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng, xử lý thải bỏ chất thải rắn ở Việt Nam còn yếu kém. Theo nhận xét của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, môi trường bị ô nhiễm càng lâu thì việc khắc phục, xử lý càng khó khăn, tốn kém và hệ quả ảnh hưởng đến môi trường và con người càng lớn. Do đó, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải rắn và bãi chôn lấp không hợp vệ sinh gây ra, Nhà nước cần tập trung nguồn lực tài chính để xử lý ngay tình trạng ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm từ các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh .

(Nguồn: TTXVN)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.