Multimedia Đọc Báo in

Phòng chống thiên tai, lụt bão năm 2012: Chú ý vùng trọng điểm, xung yếu

08:11, 12/06/2012

Nhằm hạn chế tối đa những tổn thất do thiên tai gây ra trong mùa mưa lũ năm nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương cần làm tốt công tác chuẩn bị và thực hiện nghiêm túc các phương án PCLB-GNTT. Dưới đây là cuộc trao đổi giữa Phóng viên Báo Dak Lak và  ông MAI TRỌNG DŨNG, Phó Ban Chỉ huy PCLB- GNTT tỉnh chung quanh vấn đề này.

° Năm 2012 được dự báo tình hình thời tiết diễn biến khá phức tạp, đặc biệt ở Dak Lak mùa mưa đến sớm hơn mọi năm. Ông có thể cho biết cụ thể về tác động của thời tiết đối với địa phương trong thời gian tới?

-  Có thể thấy: sự phức tạp của tình hình mưa bão năm nay diễn ra ngay từ tháng 3-2012. Đó là cơn bão số 1 (cơn bão thứ 2 trong 41 năm qua hình thành ở biển Đông vào tháng 3 và đổ bộ vào đất liền), tuy không gây thiệt hại nặng nhưng đã cảnh báo một mùa mưa bão phức tạp. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Dak Lak, nền nhiệt độ năm nay dự kiến xấp xỉ và thấp hơn nền nhiệt trung bình nhiều năm (TBNN). Trong đó nửa đầu mùa thấp hơn, và cuối mùa xấp xỉ TBNN. Mưa bắt đầu phổ biến trong khoảng tuần đầu tháng 5, tập trung nhiều vào tháng 8, 9. Tổng lượng mưa trong mùa cao hơn TBNN. Về mực nước trên các sông trong vụ hè thu năm 2012 diễn biến tương tự quy luật dòng chảy TBNN. Trong thời kỳ đầu thấp hơn TBNN, thời kỳ giữa xảy ra một số đợt biến động mực nước, tại một số trạm mực nước đạt trên mức báo động 2. Thời kỳ cuối nhiều khả năng sẽ xuất hiện lũ lớn, mực nước trung bình các sông lớn hơn TBNN cùng thời kỳ. Mực nước cao nhất năm có nhiều khả năng xuất hiện vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 và đạt trên mức báo động 3, lũ lớn có thể gây ngập lụt diện rộng trên địa bàn các huyện Krông Bông, Lak, Cư Kuin, Krông Ana và Ea Súp.

° Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện có ảnh hưởng quan trọng đến công tác PCLB, vậy vấn đề bảo đảm an toàn hồ chứa được đặt ra như thế nào khi nhiều công trình thủy lợi của tỉnh hiện nay đã xuống cấp?

- Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 643 công trình thủy lợi, trong đó nhiều công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp chưa có kinh phí sửa chữa. Mặc dù, trong những năm qua, UBND tỉnh đã bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp một số công trình, nhưng do nguồn kinh phí còn hạn chế nên chưa thể đáp ứng đủ so với nhu cầu. Đặc biệt nhiều công trình do các Công ty cà phê đầu tư xây dựng trước đây hiện đã xuống cấp, nhưng vẫn chưa được bàn giao cho địa phương quản lý để duy tu, sửa chữa. Những công trình này có nguy cơ mất an toàn chính là mối đe dọa lớn đến công tác PCLB của tỉnh. Vì thế, việc đảm bảo an toàn cho các công trình này được các cấp đặc biệt quan tâm, trong đó, Chi cục Thủy lợi đã tiến hành kiểm tra, rà soát và ưu tiên sửa chữa những công trình có nguy cơ gây mất an toàn đến đời sống dân sinh. Bên cạnh đó, các công ty thủy điện cũng chủ động đưa ra các phương án dự phòng, nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo của bộ, ngành chủ quản về công tác phòng chống lụt bão 2012 gồm: lắp đặt hệ thống cảnh báo cho vùng hạ du đập khi vận hành, xả lũ hồ chứa; kiểm tra các trang thiết bị, hạng mục công trình và tiến hành sửa chữa ngay những chỗ hư hỏng, đe dọa đến sự ổn định của công trình; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, thiết bị tại chỗ, sẵn sàng ứng phó với thiên tai.

° Công tác PCLB, GNTN của tỉnh trong thời gian tới có gì khó khăn không, thưa ông?

- Hiện nay trang thiết bị phục vụ cho công tác PCLB, GNTN còn thiếu, hoặc đã cũ, hư hỏng nhưng  thiếu kinh phí sửa chữa hoặc sắm mới do nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước cấp hằng năm còn ít, chưa kịp thời, cho nên cũng ảnh hưởng nhiều đến công tác PCLB, cứu hộ, cứu nạn. Thêm nữa, Dak Lak có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, lại thiếu các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn chuyên dùng nên chưa đáp ứng tốt yêu cầu PCLB. Chưa kể, do thiếu cán bộ, lực lượng chuyên trách PCLB tại cơ sở,  việc  đào tạo, bồi dưỡng, luyện tập chưa được thường xuyên nên cũng ảnh hưởng đến việc lập và triển khai kế hoạch, phương án PCLB hằng năm. Ngoài ra, không ít người dân chủ quan trước hiểm họa do thiên tai gây ra, thiếu sự hợp tác với cơ quan chức năng trong việc huy động công sức, kinh phí để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. 

Thực hiện Chỉ thị 05/CT-UBND ngày 23-4-2012 của UBND tỉnh về phòng, chống thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2012, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh đã kiện toàn bộ máy, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; xây dựng phương án PCLB trên địa bàn tỉnh để chủ động ứng phó khi có thiên tai xảy ra; phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức diễn tập công tác PCLB và TKCN; chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ; tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống ở các vùng trọng điểm, xung yếu, vùng ngập úng gồm các huyện Ea Kar, Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo.

°Xin cảm ơn ông!

Lê Hương (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc