Xách giỏ đi chợ... góp phần bảo vệ môi trường
Thời gian gần đây, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, ta thường bắt gặp hình ảnh nhiều bà nội trợ duy trì thói quen xách làn, giỏ nhựa, mây tre đi chợ thay cho túi nilon. Dù vô tình hay hữu ý, đây cũng là hành động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường...
Cô Bình (phường Tân Thành) vẫn có thói quen xách giỏ đi chợ thay cho túi ni lon. |
Tiện lợi, bền, rẻ đã khiến việc dùng túi nilon đựng đồ trở nên phổ biến với nhiều người, nhất là các bà nội trợ. Tại các chợ dân sinh, shop, siêu thị… đa số người mua, kẻ bán đều sử dụng túi nilon. Trong đó có lẽ chợ là nơi người ta sử dụng túi nilon nhiều nhất, từ thực phẩm tươi sống cá, thịt, rau dưa đến đồ khô, gia vị, hành, tỏi, ớt, gừng… tất tần tật đều cho vào túi nilon. Ung dung tay không vào chợ, lúc quay ra, trung bình mỗi bà nội trợ mang theo lỉnh kỉnh hàng chục bịch nilon đựng hàng. Tiện dụng là vậy, nhưng chất liệu nilon cũng gây cho con người nhiều hệ lụy mà từ lâu các nhà khoa học đã cảnh báo, túi nilon khi thải ra môi trường phải mất hàng trăm năm mới tự phân hủy, và có thể sẽ gây tắc nghẽn dòng chảy, ngăn chặn quá trình thẩm thấu của nước trong tự nhiên, làm trơ đất, cản trở sự phát triển của cây cỏ dẫn đến tình trạng xói mòn tại các vùng đồi núi... Chưa hết, túi nilon còn chứa chất phụ gia như chì… nếu dùng đựng thực phẩm lâu ngày dễ gây tác hại cho sức khỏe con người.
Từ những cảnh báo trên, nhiều tổ chức, cơ quan chức năng cũng đưa ra khuyến cáo đến người tiêu dùng, trong khi chưa có bao bì (tiện dụng) khác thay thế, mỗi người nên hạn chế sử dụng túi nilon nhằm góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường… Từ nhiều năm nay, chị Hạnh- tiểu thương bán hàng ở chợ Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) luôn có thói quen gói những thực phẩm khô như tôm, hành, tỏi bằng giấy báo cho khách thay cho những chiếc túi nilon. Chị tâm sự: hàng chị bán, chủ yếu là hàng khô nên gói trong giấy, báo sẽ có cảm giác sạch sẽ, khô ráo hơn chứ dùng túi nilon nhiều khi nghe mùi hăng hắc, rất khó chịu. Nhiều người không hiểu cứ cho là chị sợ tốn kém chiếc túi, đến khi hiểu được chị làm như vậy là để tiết kiệm và góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe cho họ nên ai cũng ủng hộ. Khác với chị Hạnh, hơn một năm nay, bà Bình (phường Tân Thành) luôn duy trì thói quen xách giỏ đi chợ thay vì dùng túi nilon để đựng thực phẩm mua về như trước đây. Bà cho biết, các loại hàng khô thì cho thẳng vào giỏ, còn thực phẩm tươi sống mới cần đến túi nilon. Bà Bình chia sẻ: “Tôi thấy phụ nữ cứ mỗi ngày đi chợ là mang về hàng chục chiếc túi nilon lớn, nhỏ, rồi chờ xe rác đến đổ đi, vừa lãng phí, lại xả rác ra môi trường. Hằng ngày, mỗi khi đi chợ, tôi đều mang theo giỏ, mua món đồ nào cho ngay vào giỏ món ấy, nên tình trạng để quên hàng tại chợ như trước đây không xảy ra với tôi nữa”. Thói quen nhỏ nhưng nhiều tiện ích này cũng được chị Hiền (phường Tân Hòa) áp dụng triệt để. Mỗi ngày đi làm về, chị Hiền tranh thủ tạt ngang qua khu chợ gần nhà để mua thực phẩm về nấu ăn, do không có điều kiện mang theo làn, giỏ mỗi khi đi chợ, chị nhờ lắp một chiếc giỏ nhỏ phía trước xe máy và sử dụng như một chiếc giỏ nhựa cố định để đựng thực phẩm thay vì dùng túi nilon như trước đây. Theo chị Hiền: “như thế không chỉ tiết kiệm túi nilon mà còn đỡ phải mang “rác” về nhà”. Chị Thanh- chủ cửa hàng đồ nhựa ở chợ Tân Thành - cho biết: trước đây, chị nhập giỏ nhựa (dùng cho các mẹ, các chị đi chợ) về, nhưng bán ra hết sức nhỏ giọt, khách hàng chủ yếu là người già hoặc tiểu thương bán lẻ từ các huyện, lên mua về bán lại kiếm lời. Thời gian gần đây, không ít công chức và các chị em trẻ thành thị tìm đến hỏi mua giỏ xách đi chợ, theo họ là để cải thiện tình trạng để quên hàng hóa lại ở chợ. Dù không nhiều, nhưng mỗi ngày chị cũng bán ra được vài ba chiếc, giá từ 30.000- 45.000 đồng/chiếc, lại dùng được đến 5 năm mới hư.
Thời gian gần đây, một số siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã bắt đầu đưa vào sử dụng túi nilon tự hủy thay cho túi thông thường, góp phần bảo vệ môi trường. Đi đầu trong hoạt động này là Co.opMart Buôn Ma Thuột, từ giữa tháng 3 -2012, siêu thị đã dùng túi tự hủy đựng hàng cho khách, đồng thời vận động nhân viên, khách hàng tiết kiệm bao bì bằng hình thức sử dụng túi nilon nhiều lần, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, số doanh nghiệp làm được như Co.opMart vẫn còn ít, các chương trình tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sử dụng túi nilon dù đã có nhưng chưa nhiều và ít đạt hiệu quả. Đã đến lúc cần nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của túi nilon thông qua những đợt tuyên truyền, vận động sâu rộng của các ngành chức năng; đồng thời đẩy mạnh công nghệ sản xuất túi tự hủy với giá thành hợp lý; kêu gọi các trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp bán lẻ, tiểu thương các chợ và người dân nâng cao ý thức, hành động thiết thực bảo vệ môi trường bằng cách hạn chế sử dụng túi nilon.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc