Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ rừng: “chìa khóa” để ứng phó với biến đổi khí hậu

11:09, 30/07/2012

Dak Lak là một trong những tỉnh có diện tích rừng đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, tài nguyên rừng hiện đang suy giảm nghiêm trọng. Do vậy, bảo vệ rừng được xem là một trong những giải pháp thiết thực nhất để chống biến đổi khí hậu…

Rừng nguyên sinh ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.
Rừng nguyên sinh ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.

Theo dữ liệu được TS. Nguyễn Quang Tân, Trung tâm vì con người và rừng tại Việt Nam cung cấp tại Hội thảo nâng cao nhận thức về cơ chế “Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng” (REDD) vừa được Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Dak Lak tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột: từ năm 1997, các nhà khoa học đã kết luận rằng nhiệt độ trên thế giới đang tăng nhanh hơn bình thường, mà nguyên nhân chính là sự gia tăng lượng khí nhà kính trong bầu khí quyển, trong đó khi carbonic (CO2) là loại khí nhà kính phổ biến nhất. Khí nhà kính xuất hiện tự nhiên nhưng cũng được tạo ra khi dầu, than, củi… được con người đốt cháy để lấy năng lượng. Dân số thế giới càng tăng, nhu cầu về năng lượng càng nhiều, thì lượng khí nhà kính thải ra khí quyển càng lớn. Và  hậu quả của biến đổi khí hậu là hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra với tần suất, độ bất thường và cường độ tăng lên. Hạn hán, lũ lụt, nền nhiệt độ tăng khiến gia tăng dịch bệnh trên người, gia súc, cây cối, nạn đói, cháy rừng, sự tuyệt chủng của nhiều loài động, thực vật… Mất rừng, suy thoái rừng cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải trên toàn cầu. Chính vì vậy, rừng có ý nghĩa đặc biệt làm giảm nguyên nhân gây biến đổi khí hậu và giúp xã hội thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu. Việc ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng có thể giúp làm giảm gần 20% lượng phát thải CO2 trên toàn cầu. Vì vậy, làm thế nào để thích ứng và giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu là một trong những chương trình hành động mà các quốc gia nằm trong vùng ảnh hưởng tác động lớn như Việt Nam đặc biệt quan tâm. TS. Nguyễn Quang Tân khẳng định: Bảo vệ và phát triển rừng chính là “chìa khóa” để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Với tổng diện tích đất có rừng trên 640.000 ha, rừng của Dak Lak không chỉ giữ vị trí quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học… mà còn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống dân sinh, kinh tế, xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, trong những năm qua, rừng ở Dak Lak ngày càng suy giảm cả về diện tích lẫn chất lượng, nhiều hệ sinh thái rừng bị phá vỡ, môi trường tự nhiên bị biến đổi dẫn đến hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh… Tổng hợp thống kê hiện trạng rừng trong 5 năm (2006-2010) cho thấy: diện tích rừng bị mất của toàn tỉnh là 8.533 ha, bình quân mỗi năm rừng bị mất 1.706 ha. Trong đó trên 8.000 ha bị mất do chuyển đổi mục đích sử dụng như làm các công trình giao thông, thủy điện, thủy lợi, trồng cao su…, số còn lại khoảng trên 354 ha do khai thác, chặt phá trái phép. Trong khi biến đổi khí hậu làm tăng tần số và cường độ của các sự kiện thời tiết cực đoan, thì chính việc rừng bị tàn phá càng tác động đến các sự kiện thời tiết này. Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, trợ thủ đắc lực của con người là rừng, nơi hấp thụ bớt khí thải CO2 hâm nóng địa cầu.

Trước tình trạng rừng bị phá hoại ngày càng nhiều (đặc biệt ở Châu Á Và Châu Mỹ La tinh), Liên Hiệp Quốc đã thiết lập chương trình cắt giảm khí thải CO2 bằng cách hỗ trợ các nước nghèo bảo tồn rừng. Sáng kiến này mang tên là REDD (Reduced Emission from Deforestation and Forest Degradation in Developping Countries) : ''giảm việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng ở các quốc gia đang phát triển''. Giảm phát thải khí thải nhà kính thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng là một trong những chương trình hành động mà Bộ NN &PTNT phối hợp với các cơ quan của Liên Hợp Quốc là UNDP, FAO, UNEP triển khai thí điểm tại tỉnh Lâm Đồng vào năm 2009 đã mang lại những hiệu ứng tích cực: nâng cao năng lực công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên, thu hút các cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ rừng... Tuy Dak Lak chưa nằm trong chương trình của REDD nhưng một khi REDD quốc gia được Chính phủ phê duyệt thì Dak Lak sẽ trở thành tỉnh mà REDD hướng đến. Một khi REDD được triển khai thực hiện, nó được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều triển vọng cho ngành lâm nghiệp của tỉnh, đồng thời góp phần chung tay vào ứng phó với biến đổi khí hậu.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc