Multimedia Đọc Báo in

Nhân ngày “Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe của nhân dân” (2-7)

“Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân” - từ tư tưởng Hồ Chí Minh đến sự cần thiết của thực tiễn

09:04, 30/07/2012

Ngày 2-7 hằng năm được chọn là “Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”. Đây là một hoạt động dựa trên cơ sở tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Y tế, phù hợp với yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Nhiều loại bệnh tật có thể phòng ngừa được chỉ nhờ những hành động đơn giản.
Nhiều loại bệnh tật có thể phòng ngừa được chỉ nhờ những hành động đơn giản.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác này, Bác thường xuyên nhắc nhở toàn dân phải giữ gìn vệ sinh như một việc làm thể hiện lòng yêu nước. Ngay từ năm 1945, bắt đầu thành lập nước đến khi Bác qua đời, Bác đã có nhiều bài nói, bài viết về công tác y tế nói chung, vấn đề vệ sinh phòng bệnh nói riêng. Khái niệm “vệ sinh” của Bác Hồ bao hàm rất rộng và đầy đủ, nhưng cũng hết sức giản dị và cụ thể. Bác đã quan tâm từ những vấn đề rất nhỏ về vệ sinh môi trường như bảo đảm nước sạch, hố xí vệ sinh, diệt ruồi, diệt muỗi…Bác đã đưa ra quan điểm “phòng bệnh hơn trị bệnh”, và đây chính là định hướng trọng tâm cơ bản cho công tác y tế qua các thời kỳ. Để triển khai tốt các hoạt động về vệ sinh, phòng bệnh, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, Bác cũng đã quán triệt việc phát động phong trào tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng, dựa vào quần chúng để thực hiện. Đặc biệt, ngày 2-7-1958, Bác đã có bài viết về “Vệ sinh yêu nước” đăng trên báo Nhân dân số 1572 nhằm kêu gọi toàn thể người dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh phòng bệnh. Cùng với đó, hàng loạt phong trào như “sạch làng tốt ruộng, sạch bản tốt nương, sạch phố tốt đồng”, phong trào ba sạch “ăn sạch, ở sạch, uống sạch”, phong trào bốn diệt “diệt ruồi, diệt muỗi, diệt chuột, diệt côn trùng”, xây dựng ba công trình “hố xí, giếng nước, nhà tắm”…Chỉ trong vòng 10 năm (1954-1963), hoạt động vệ sinh đã góp phần đổi mới nông thôn và các thành thị miền Bắc. Đáng chú ý là đã thanh toán được bệnh đậu mùa, dịch tả và giảm 50 % bệnh đường ruột, các dịch tiêu chảy, lỵ, thương hàn, mắt hột cũng giảm hẳn.

Sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, nhất là trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm tới công tác y tế dự phòng nói chung, lĩnh vực vệ sinh nói riêng. Hàng loạt các chương trình, chiến lược được Chính  phủ triển khai như: Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Chiến lược Quốc gia về y tế dự phòng, Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…Các tiêu chí về vệ sinh cũng được đưa vào trong các nội dung chỉ đạo của Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Chương trình Làng văn hóa sức khỏe và gần đây nhất là Chương trình xây dựng nông thôn mới…Các chương trình, nhiệm vụ đó đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, góp phần khống chế nhiều dịch bệnh, sức khỏe nhân dân không ngừng được nâng cao. Tuy vậy, cũng như ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, hiện nay, môi trường sống ở Việt Nam đang bị ô nhiễm trầm trọng bởi chất thải trong sinh hoạt và sản xuất. Môi trường sống ở nhiều khu công nghiệp, khu dân cư, làng nghề, hệ thống sông ngòi, kênh rạch bị ô nhiễm trầm trọng bởi các hóa chất công nghiệp, chất bảo vệ thực vật, thuốc phòng trừ sâu bệnh, chất thải trong sản xuất và sinh hoạt…Trong khi ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, bảo đảm vệ sinh môi trường của nhiều người chưa được tốt. Hệ quả là nhiều dịch bệnh mới đang phát sinh, một số dịch bệnh cũ có xu hướng quay trở lại. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như nghiên cứu gần đây nhất tại Việt Nam đã cho thấy mối liên quan giữa vệ sinh môi trường, nguồn nước hộ gia đình và hành vi chăm sóc trẻ của bà mẹ với tình trạng dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi. Cụ thể, nếu tất cả các hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh sẽ giúp giảm 1-10% số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và 4-16% số trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi. Nếu người trông trẻ thực hành rửa tay xà phòng trước và sau khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân sẽ giảm 1-10%. Ngoài ra, nếu các hộ gia đình sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh thì sẽ giảm từ 0 đến 23% số trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và 0 đến 33% trẻ thấp còi.

Có thể nói, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 2-7 hằng năm là “Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” đã kịp thời góp phần  nâng cao ý thức của mỗi người về đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi rất nhiều bệnh có thể được phòng tránh bằng những việc làm hết sức đơn giản như dọn vệ sinh sạch sẽ nơi ở, đổ rác đúng nơi quy định, rửa tay với xà phòng...

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc