Multimedia Đọc Báo in

Trắng đêm mắc võng canh sưa!

22:01, 02/07/2012

Có thể nói, cơn sốt gỗ sưa như một “đại dịch” lan tràn khắp cả nước. Tại TP. Buôn Ma Thuột, Công ty TNHH MTV Quản lý đô thị và môi trường Dak Lak đã “trót dại” trồng loại cây được cho là “cân gỗ, cân vàng” ấy tại nhiều tuyến đường, để rồi… báo hại phải cắt cử công nhân hằng đêm mắc võng nằm canh chừng, thậm chí hàn cả lồng sắt quanh gốc cây để bảo vệ…

Công nhân mắc võng canh sưa trên đường Tú Xương.
Công nhân mắc võng canh sưa trên đường Tú Xương.

Từ ngày gỗ sưa lên cơn sốt, những gốc sưa chỉ mới hơn 10 năm tuổi trồng tại một số tuyến đường của thành phố bỗng dưng “có giá” khi liên tục bị “sưa tặc” viếng thăm. Gần 30 công nhân đội cây xanh thuộc Xí nghiệp Công viên cây xanh (Công ty TNHH MTV Quản lý đô thị và môi trường Dak Lak) luân phiên nhau hằng đêm mắc võng vào gốc sưa nằm canh. Mỗi đêm có 4 công nhân, chia làm hai tổ trực tại các tuyến đường có nhiều sưa như Tú Xương, Trần Hưng Đạo, thời gian bắt đầu từ 18 giờ 30 đến 6 giờ sáng hôm sau. Vật dụng không thể thiếu trong mỗi đêm trực mà công nhân luôn phải mang theo là võng dù, gối, chăn mền, áo mưa và đèn pin.

Tại tuyến đường Tú Xương (nơi có gần chục gốc sưa đường kính khoảng 20-30cm) vào một tối cuối tuần, có 2 nam công nhân của đội cây xanh là Nguyễn Văn Đại và Phan Doãn Đức đang mắc võng nằm canh sưa. Thoáng thấy có bóng xe kẹp hai chạy qua, anh Đại vội bấm đèn pin quét một đường dọc theo những gốc sưa để kiểm tra, khi thấy không có động tĩnh gì, anh mới cho biết: đây là tuần trực thứ tư của anh theo sự phân công của xí nghiệp. Trước đó, sau đêm trực đầu tiên anh lên cơn sốt, lăn ra ốm hai ngày liền do áp lực và chưa quen thức đêm. Ngồi nói chuyện với chúng tôi nhưng anh vẫn phấp phỏm lo chuyện ở nhà, bởi anh đang có con nhỏ, vợ lại đang mang bầu. Đêm nào đến phiên trực là anh lại phải nhờ em gái và mẹ vợ đến ngủ cùng vợ con anh để trông chừng kẻo lỡ có xảy ra chuyện gì. Cùng cảnh ngộ, anh Đức mới bước vào đêm trực thứ hai, nhưng cả 2 đêm anh đều phải nhờ người thân đến nhà ngủ cùng để trông vợ, chị đang bụng mang dạ chửa lại sắp sinh.

“Trực đêm vất vả lắm chú ơi. Gặp hôm trời khô ráo còn đỡ, hôm nào trời mưa là anh em tui ướt mèm, phải chạy vào mái hiên các công sở hoặc quán cà phê gần đó để trú nhờ, nhưng vào trú cũng không yên tâm, mắt lúc nào cũng căng ra theo dõi, bởi bọn “sưa tặc” thường lợi dụng trời mưa để cưa trộm cây” – anh Đại chia sẻ.

Anh Vũ Quang Minh và một công nhân trẻ được cắt cử trực canh sưa tại tuyến đường Trần Hưng Đạo cũng tỏ ra khá lo lắng: mỗi tổ trực dù được bố trí hai người, nhưng trực đêm cũng sợ lắm, bởi các anh chẳng được trang bị công cụ hỗ trợ gì nếu gặp bọn trộm manh động, sức của hai người làm sao chống trả lại nỗi, không chừng còn nguy hiểm đến tính mạng…

Giải pháp “mắc võng canh sưa” được triển khai đã hơn hai tháng nay, tuy nhiên, như lời chị Trần Thị Lệ Huyền - Đội trưởng đội cây xanh của công ty thì đây không phải là giải pháp hữu hiệu, việc cắt cử công nhân thay nhau trực rất mất thời gian, lại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe công nhân. Không những thế, những công nhân bảo vệ sưa rất dễ gặp nguy hiểm nếu gặp “sưa tặc” manh động giữa đêm khuya.

Chị Huyền đưa ra dẫn chứng: cách đây không lâu, công nhân trực đêm phát hiện một nhóm người lạ mặt đi trên xe máy, mang theo cưa máy dòm ngó những gốc sưa trên đường Tú Xương, khi gặp công nhân bảo vệ, chúng xuống xe buông lời hăm dọa rồi mới chịu bỏ đi. Bản thân chị Huyền, nhiều đêm 1-2 giờ sáng, khi nhận được tin báo cũng phải xách xe máy chạy đi kiểm tra đôn đốc, động viên anh em trong đội.

Trước áp lực vừa bảo vệ được sưa, vừa hạn chế trực đêm cho công nhân, mới đây Công ty TNHH MTV Quản lý đô thị và môi trường Dak Lak đã cho thí điểm hàn lồng sắt kiên cố quanh 2 gốc cây sưa trên đường Bà Triệu và Trần Hưng Đạo. Lồng sắt được hàn theo hình chữ nhật, cao 2,5 mét, rộng khoảng 1,2 mét và nặng hơn 200 kg, ôm trọn gốc cây sưa và được sơn màu xanh, giá trị mỗi lồng sắt ước tính khoảng 4,5 triệu đồng. Nếu nhận được dư luận tốt từ phía người dân, công ty sẽ cho nhân rộng việc hàn lồng sắt đối với các gốc sưa còn lại trên địa bàn thành phố, nhằm giảm bớt áp lực canh sưa đêm cho công nhân.

Lệ Văn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.