Xu thế thời tiết tháng 7 và tháng 8 ở Tây Nguyên
Tháng 7, tháng 8 là thời kỳ giữa mùa mưa, địa phận Tây Nguyên nằm trong phạm vi ảnh hưởng của áp thấp lục địa châu Á. Bản đồ phân bố khí áp trung bình mặt biển tháng 7 cho thấy Tây Nguyên nằm ở phía nam của trước ngang rãnh áp thấp chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, từ Iran qua Trung bộ Việt Nam đến vùng biển tây nam Thái Bình Dương.
Do đó, hướng gió thịnh hành ở tầng thấp của tầng đối lưu (dưới mực 500mb) trên vùng Tây Nguyên là Tây - Tây Nam, tần suất gió Tây ở mặt đất đều lớn hơn 50%, có nơi trên 60%. Đó là gió mùa Tây Nam - không khí xích đạo từ các vùng áp cao Bắc Ấn Độ Dương và châu Úc đến, thành thử không khí xích đạo là không khí thịnh hành nhất, có hàm lượng ẩm trung bình tháng 7 ở vùng này là 54,7 kg/m3. Đây là khối không khí có hàm lượng ẩm cao nhất trong các khối không khí thịnh hành trong mùa hạ ở Đông Nam Á và có hàm lượng hơi nước gây mưa trung bình tháng 7 cao nhất toàn cầu. Vì thế, tháng 7, tháng 8 ở Tây Nguyên được đánh giá là thời kỳ có lượng mưa, ẩm cao nhất trong năm. Trừ các vùng phía đông, còn phần lớn Tây Nguyên có tổng lượng mưa trong tháng 7 và tháng 8 chiếm từ 25 – 35% tổng lượng mưa năm, tương đương mức 30 – 40% tổng lượng mưa của mùa mưa và số ngày có mưa thường đạt từ 20 – 27 ngày/tháng. Ngược lại với mưa ẩm, do phần lớn thời gian trong tháng bầu trời âm u, nhiều mây nên lượng ánh sáng mặt trời đến mặt đất khá hạn chế và ở mức thấp nhất trong năm. Trong đó, đáng chú ý là ở các vùng phía tây, tây nam và vùng giữa còn có hiện tượng mưa dầm dài ngày kéo dài từ 10 – 15 ngày liên tục, thường xuất hiện từ khoảng giữa hoặc cuối tháng 7 đến cuối tháng 8.
(Ảnh minh họa) |
Nhìn chung, điều kiện thời tiết thủy văn tháng 7, tháng 8 được xem là thời kỳ có nguy cơ xuất hiện tai biến cao trong năm, nhất là đối với các vùng phía tây, tây nam. Các yếu tố mưa ẩm, nhiệt độ, ánh sáng thường ở dạng không thuận lợi đối với đời sống sản xuất của nhân dân. Trước hết là điều kiện thời tiết mát, ẩm, mưa nắng đan xen luôn là môi trường lý tưởng cho các loại côn trùng có hại sinh sôi phát triển đẩy cao nguy cơ xuất hiện các loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và có khi là cả con người. Tiếp đến là khả năng xuất hiện mưa lũ lớn. Từ cuối tháng 7, khi lượng ẩm trong đất đang tiến dần tới cơ chế bão hòa, kết cấu đất ở nhiều nơi bị xung yếu do chịu tác động của nước mưa trong nhiều ngày liên tiếp, nền mực nước sông suối ở mức cao nên khi xuất hiện hình thế thời tiết thích hợp như gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh bột phát hoặc kết hợp với các nhiễu động mạnh như bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động ở khu vực giữa biển Đông đến sát vùng bờ biển Trung bộ sẽ sinh ra những đợt mưa dài ngày liên tiếp với lượng lớn gây lũ lụt, ngập úng, thậm chí là lũ quét và sạt lở đất. Những thiệt hại do mưa lũ trong những năm gần đây cho thấy lũ lụt luôn là mối nguy hiểm lớn nhất, có thể gây hại bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến hiện tượng mưa dầm. Mưa dầm tuy không gây ra những thiệt hại bằng lũ lụt hay dịch bệnh nhưng cũng thường gây ra không ít những khó khăn cho đời sống sinh hoạt, sức khỏe và sản xuất. Tính trung bình trong tháng 8 có khá nhiều nơi có trên 20 ngày có mưa, năm mưa nhiều có thể có từ 27 – 29 ngày, thậm chí có năm, có nơi hầu như ngày nào trong tháng cũng có mưa. Dạng mưa dầm này làm cho bầu trời luôn âm u, ít có ánh nắng, đôi lúc có sương mù làm cản trở tầm nhìn trong giao thông, có khi là nguyên nhân chính gây ra những tai nạn giao thông thương tâm. Độ ẩm cao gây ra rất nhiều khó khăn, bất tiện cho đời sống sinh hoạt và sức khỏe; làm cho mọi vật dụng, đồ dùng, chăn màn quần áo đều có thể bị ẩm mốc khiến sinh hoạt, nghỉ ngơi không được thoải mái; hạn chế quá trình bài tiết mồ hôi, do đó gây khó khăn cho việc điều hòa nhiệt độ cơ thể nên người cảm thấy khó chịu, bứt rứt, lao động chóng mệt mỏi, hiệu suất kém. Trong sản xuất, mưa dầm liên miên làm cho quá trình quang hợp của cây trồng không được đầy đủ do thiếu ánh nắng mặt trời, cây phát triển kém, dễ bị sâu bệnh. Đó là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh phổ biến của cây như héo táp đầu lá, đạo ôn, tiêm lửa; các loại sâu như sâu keo, sâu đục thân, đục trái, rầy nâu v.v… Đối với chăn nuôi, thời tiết ẩm ướt mà chuồng trại lại ít được thông gió thì các khí amôniắc (NH3), cácbôníc (CO2) sẽ tích tụ nhiều trong chuồng trại, gia súc, gia cầm thường bị mỏi mệt, kém ăn, chậm lớn, có khi bị bệnh.
Từ đầu năm 2012 đến thời điểm này, điều kiện thời tiết ở Tây Nguyên đang diễn ra theo chiều hướng tương đối thuận lợi cho đời sống, sản xuất của nhân dân các địa phương. Điều này giúp giảm thấp những khó khăn, thiệt hại do thiên tai gây ra nhưng lại rất dễ gây tâm lý chủ quan trong công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai. Mùa mưa, bão, lũ năm 2012 đang bước vào thời kỳ cao điểm. Đã có 3 cơn bão ít nhiều ảnh hưởng đến thời tiết nước ta; sự thất thường của chế độ mưa nắng ở khu vực cũng cho thấy những dự báo một mùa mưa lũ nhiều biến động của năm 2012 là có cơ sở. Công tác phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra ở Tây Nguyên cũng đã có những bước khởi động. Tin tưởng rằng, với những nỗ lực trong dự báo và chủ động triển khai ứng phó sẽ góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa lũ năm 2012 này.
Nguyễn Văn Huy
Ý kiến bạn đọc