Cần liều thuốc mạnh chữa “bệnh thiếu ý thức” bảo vệ môi trường
Theo báo cáo Môi trường Quốc gia năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải rắn có tốc độ gia tăng khoảng 10% mỗi năm, dự báo thời gian tới sẽ tiếp tục tăng mạnh cả về số lượng và mức độ độc hại. Vấn đề đặt ra không chỉ là việc thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy chất thải, mà điều đáng nói hơn là ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư.
Các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, trong đó công tác tuyên truyền được chú trọng với nhiều hình thức phù hợp. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn, nhiều “điểm đen” về môi trường vẫn chưa có biện pháp khắc phục, hoặc chỉ khắc phục tạm thời mang tính đối phó. Còn nhớ cách đây không lâu, khi báo chí phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường dọc Quốc lộ 14, đoạn từ xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) đến địa phận thị xã Buôn Hồ thì những bãi rác tự phát ở đây đã được dọn đi, nhưng chỉ hơn một tuần sau mọi chuyện lại như cũ. Đoạn đường trên đèo Ea Na (huyện Krông Ana) mặc dù đã có biển báo cấm đổ rác, quy định rõ mức phạt đối với người vi phạm, song người đi đường vẫn “vô tư” vứt rác ngay dưới chân biển cấm. Một số trục đường liên xã trên địa bàn huyện Buôn Đôn, ngay tại biển báo “Khu vực cấm đổ rác” là “những “núi rác” tự phát…
Thực tế cho thấy: chỉ cần mỗi người tự giác thực hiện những việc tưởng chừng rất đơn giản: Không vứt rác, phóng uế bừa bãi; không đổ nước thải ra đường; không hút thuốc lá nơi công cộng; tiến hành trồng thêm cây xanh… thì vấn đề ô nhiễm sẽ được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, đây vẫn là chuyện “biết rồi, nói mãi”. Có lẽ, cần giải pháp mạnh và quyết liệt hơn để chữa “bệnh thiếu ý thức” này, giống như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm với người ngồi trên xe máy khi tham gia giao thông. Bởi vì, nếu chỉ tuyên truyền và trông chờ vào ý thức tự giác của mỗi người thì e rằng khó có được môi trường sống thực sự xanh – sạch – đẹp.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc