Công trình cấp nước thôn 4 (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột): Phát huy hiệu quả nhờ quản lý, vận hành tốt
Công trình cấp nước thôn 4 (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) được đầu tư xây dựng từ năm 2004 với tổng nguồn vốn 350 triệu đồng, trong đó dự án Danida (Đan mạch) tài trơ 40%, số còn lại do người dân đóng góp từ nguồn vốn vay của Chương trình Nước sạch – vệ sinh môi trường. Tuy đã được đưa vào sử dụng khá lâu nhưng nhờ cách thức quản lý, vận hành tốt nên công trình vẫn phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước hợp vệ sinh của 185 hộ dân trong thôn.
Ông Nguyễn Phi Hùng kiểm tra hệ thống cấp nước của công trình cấp nước thôn 4. |
Ông Nguyễn Phi Hùng, Hội trưởng Hội dùng nước thôn 4 cho biết, trước đây người dân trên địa bàn đều dùng nước giếng, nhưng tình trạng thiếu nước diễn ra thường xuyên, nhất là vào mùa khô. Từ khi công trình đi vào hoạt động, người dân không phải dè sẻn từng giọt nước nữa. Nguồn nước hợp vệ sinh được dùng trong mọi sinh hoạt hằng ngày nên hạn chế các dịch bệnh phát sinh, góp phần hình thành thói quen ăn, ở hợp vệ sinh, bảo đảm sức khỏe và giữ gìn môi trường sống. Gia đình ông Ngô Hữu Cửu đã sử dụng nước của công trình hơn 7 năm qua cho biết từ khi có công trình cấp nước tập trung, gia đình không phải lo thiếu nước sinh hoạt bởi chỉ cần đóng khoảng 50.000 đồng/tháng là cả nhà dùng nước thoải mái. Để công trình phát huy hiệu quả, người dân trong thôn đã cùng họp bàn thành lập Hội dùng nước và công khai, dân chủ bầu chọn 3 thành viên của Hội có trách nhiệm quản lý, vận hành, đấu nối, sửa chữa hư hỏng và thu tiền sử dụng nước. Các thành viên này thường xuyên tham gia các lớp tập huấn của ngành chức năng nhằm nâng cao hiểu biết về cách thức sử dụng, bảo quản, sửa chữa những hư hỏng thông thường. Ban đầu, để có thể cung cấp nước sinh hoạt cho người dân kịp thời, đầy đủ, Hội tranh thủ bơm nước vào ban đêm nhằm khắc phục tình trạng điện yếu vào giờ cao điểm hay những ngày bị cắt điện. Vào thời kỳ mùa khô hoặc ngày lễ, tết, Hội phân chia các khu vực dân cư để điều tiết nguồn nước hợp lý. Sau một thời gian hoạt động, khi đã có thêm kinh phí, Hội đầu tư đấu nối điện 3 pha, thay máy bơm có công suất lớn hơn và mua thêm một máy bơm dự phòng. Điều đáng nói, để phát huy tinh thần dân chủ và ý thức tự quản của người dân, cứ 2-3 năm, Hội tổ chức đại hội một lần, mời đại diện người dân đối chiếu tài chính trực tiếp và công khai mọi khoản thu, chi trước đại hội. Nhờ vậy, người dân đã có ý thức cao trong việc bảo quản, giữ gìn tài sản chung, khi có sự cố thông báo ngay cho Hội để kịp thời khắc phục. “Mỗi hội viên khi tham gia vào Hội dùng nước của thôn đều phải đóng 3 triệu đồng gồm 750.000 đồng chi phí đấu nối và 2.250.000 đồng quỹ Hội. Nguồn quỹ trên dùng để cải tạo công trình và sửa chữa những hư hỏng nhỏ. Hội viên nào xin ra khỏi Hội sẽ được trả lại số tiền đóng góp quỹ và được Hội mua lại các thiết bị đấu nối nếu họ có yêu cầu”, ông Hùng cho biết thêm.
Từ năm 2005 đến nay, gia đình ông Ngô Hữu Cửu đã sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh cho mọi sinh hoạt hằng ngày. |
Trên địa bàn hiện còn nhiều hộ có nhu cầu đấu nối sử dụng nước từ công trình cấp nước của thôn nhưng Hội dùng nước chưa thể phát triển thêm hội viên. Nguyên nhân chủ yếu là do hiện tại công trình chỉ có một giếng khoan, nếu tiếp tục tăng số hộ sử dụng, nguồn nước sẽ bị phân tán, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Vì vậy, Hội dùng nước mong muốn các ngành chức năng quan tâm, đầu tư khoan thêm một giếng và xây thêm một bồn chứa nước để nâng cao năng lực cấp nước của công trình.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc