Ảnh hưởng của bão đến tình hình thời tiết, thủy văn ở Tây Nguyên
Những ngày đầu tháng 10-2012, bão số 7, cơn bão hình thành ngay trên khu vực Biển Đông đang có hướng di chuyển khá phức tạp và còn có khả năng mạnh thêm. Đến cuối tuần đầu tháng 10 (từ ngày 6 đến 8-10) bão số 7 có thể ảnh hưởng đến tình hình thời tiết, thủy văn của các tỉnh Tây Nguyên.
Tây Nguyên nằm xa bờ biển, phần lớn diện tích tự nhiên được che bởi dãy núi Trường Sơn nên ít khi chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Tuy nhiên, bão là một nhiễu động khí quyển mạnh, thường kèm theo mưa lớn nên mỗi khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động ở biển Đông thiết lập nên dải hội tụ nhiệt đới có trục ngang qua Trung Trung bộ đến Nam Trung bộ, kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam trong các tháng 7, 8, 9 hoặc không khí lạnh tăng cường mạnh trong các tháng 10, 11, 12, đặc biệt là khi bão đổ bộ vào vùng bờ biển từ Trung Trung bộ đến Nam Trung bộ thì ở Tây Nguyên thường có mưa to trên diện rộng, sinh lũ lớn.
Hằng năm, vào mùa bão ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta cũng là mùa lũ chính trên các sông, suối ở Tây Nguyên. Sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của bão đã tạo ra nhiều trận mưa lũ lớn, có khi kèm theo các hiện tượng nguy hiểm khác như lũ quét, sạt lở đất gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và của cải, ảnh hưởng xấu, lâu dài tới đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và môi trường sinh thái của khu vực.
Những cơn bão có ảnh hưởng trực tiếp dù khi vào địa phận Tây Nguyên đã suy yếu thành áp thấp hoặc chỉ còn là một vùng thấp nhưng vẫn cho mưa lớn trên diện rộng. Lượng mưa lớn nhất do ảnh hưởng của một trận bão ở các vùng khác nhau của Tây Nguyên có thể đạt từ 150 – 450mm; trong đó lượng mưa ngày lớn nhất có thể đạt từ 100mm đến trên 200mm. Mưa lớn trong điều kiện núi và cao nguyên xen kẽ với các thung lũng dẫn đến tình trạng xói mòn đất, sinh ra những trận lũ lớn trên các sông, suối gây ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều nơi, có khi xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Mưa do ảnh hưởng của bão ở Tây Nguyên thường xuất hiện từ 1 - 3 ngày trước khi bão đổ bộ và tiếp tục kéo dài một vài ngày sau khi bão đã đổ bộ. Tần suất xuất hiện lũ lớn gây ngập lụt do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh hoặc không khí lạnh tăng cường là từ 55 - 65%; riêng lũ quét, sạt lở đất có tần suất xuất hiện từ 20 – 30%.
Nhiều diện tích hoa màu ở huyện Lak bị ngập trong đợt lũ tháng 10-2011. Ảnh: T.L |
Hoạt động của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới tác động tới sự hình thành mưa lũ ở Tây Nguyên có thể được chia là hai thời kỳ khác nhau: Trong thời kỳ từ tháng 7 đến đầu tháng 9, bão, áp thấp nhiệt đới thường ít khi có tác động trực tiếp mà phần nhiều là có tác động kích hoạt gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh lên gây ra những đợt mưa liên tục trong nhiều ngày. Trong đó, vào những ngày bão đi ngang bờ biền Trung bộ thì thường là những ngày mưa ở Tây Nguyên có sự gia tăng mạnh cả về lượng, cường độ cũng như diện mưa nên đây là khoảng thời gian dễ có lũ lớn trên các sông suối ở các vùng phía Nam, Tây Nam tỉnh Dak Nông; các vùng Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar... của tỉnh Dak Lak; các vùng phía Tây và Trung Tâm tỉnh Gia lai; các vùng phía Bắc, Tây Bắc tỉnh Kon Tum. Thời gian này, nguy cơ xuất hiện lũ quét và sạt lở đất cũng đạt cao nhất trong năm. Từ khoảng giữa tháng 9 đến cuối mùa, hoạt động của của bão, áp thấp nhiệt đới có xu hướng đổ bộ dịch xuống phía Nam nên khả năng ảnh hưởng đến sự hình thành mưa lũ ở Tây Nguyên cao hơn, có khi là ảnh hưởng trực tiếp. Đây là thời kỳ mực nước và lượng dòng chảy trên hầu hết các sông suối trong khu vực đạt mức cao nhất và có nhiều lũ lớn trong năm. Tác hại do mưa bão sẽ đặc biệt nghiêm trọng nếu bão ảnh hưởng trực tiếp (như các trận bão số 9 và số 11 năm 2009) hoặc trong khoảng một tuần lễ xảy ra hai cơn bão ảnh hưởng liên tiếp. Không kể sự tác hại của gió bão, lượng mưa do bão gây ra sẽ làm cho nước sông suối dâng cao nhanh chóng và diện ngập lụt sẽ trở nên rất lớn, lũ lụt nguy hiểm hơn rất nhiều. Ở Tây Nguyên, đa số những đợt mưa lũ đặc biệt lớn và có diện ảnh hưởng rộng đều do tác động của các cơn bão dạng này.
Đến ngày 3-10, bão số 7 đang còn ở khá xa đất liền nước ta cũng như khu vực Tây Nguyên. Kết quả dự báo dài hạn của một số trung tâm dự báo lớn trên thế giới và trong nước cũng chưa hoàn toàn trùng khớp nhưng phần nhiều cho rằng bão số 7 sẽ đổ bộ vào vùng ven biển Trung bộ, do đó có khả năng ảnh hưởng đến tình hình thời tiết của khu vực Tây Nguyên. Vậy nên các địa phương cũng cần nhắc nhở nhân dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chủ động phương án ứng phó để có thể hạn chế những thiệt hại nếu mưa bão xảy ra.
KS. Nguyễn Văn Huy (Trung tâm Khí tượng Thủy văn Kon Tum)
Ý kiến bạn đọc