Multimedia Đọc Báo in

Để công trình cấp nước sinh hoạt xã Ea Yiêng (huyện Krông Pak) tiếp tục phát huy hiệu quả

08:22, 12/10/2012

Công trình cấp nước (CTCN) sinh hoạt xã Ea Yiêng (huyện Krông Pak) được đầu tư xây dựng năm 2001, đến năm 2005 nâng cấp, sửa chữa với tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng, trong đó 80% vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, số còn lại do người dân đóng góp bằng công lao động. Công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh quản lý, hiện cấp nước sinh hoạt cho người dân 4 buôn: Kon Tây, Kon Wang, Kon H’ring, Ea Mao trên địa bàn xã.

Nhiều đồng hồ của công trình cấp nước sinh hoạt xã Ea Yiêng đã hư hỏng gây thất thu tiền sử dụng nước.
Nhiều đồng hồ của công trình cấp nước sinh hoạt xã Ea Yiêng đã hư hỏng gây thất thu tiền sử dụng nước.

Anh Nguyễn Văn Vĩnh, quản lý công trình cho biết, do địa hình ở đây hầu hết là đất cát pha, dễ sụt lở nên rất khó đào giếng, tình trạng thiếu nước diễn ra thường xuyên, nhất là vào mùa khô. Khi công trình cấp nước tập trung hoàn thành, bà con rất phấn khởi vì đã có nguồn nước hợp vệ sinh sử dụng cho mọi sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, công trình đã bộc lộ nhiều bất cập. Từ 515 hộ dân của 4 buôn trên địa bàn xã sử dụng nước của công trình vào năm 2006, đến đầu năm 2011 chỉ còn khoảng 300 hộ. Nguyên nhân là do lượng nước ở 2 giếng khoan của công trình đã bắt đầu cạn kiệt, không đủ cung ứng nhu cầu sử dụng của người dân, nhiều hộ phải quay về dùng nước suối, nước giếng. Gia đình chị Đa (dân tộc Xê Đăng) ở buôn Kon H’ring là một trong những hộ đăng ký sử dụng nước của công trình từ những ngày đầu cho biết: mấy năm trước công trình hoạt động khá ổn định, nguồn nước dồi dào, nhưng từ năm 2011 đến nay, hầu như mỗi ngày chỉ cấp nước 2 lần vào buổi sáng và chiều (mỗi buổi 2 tiếng đồng hồ), nước chảy yếu đến mức, 8 người trong nhà thay nhau trực để hứng nước mà vẫn không đủ dùng. Giải thích nguyên nhân của tình trạng trên, anh Vĩnh cho hay, do nguồn nước cạn kiệt nên nếu bơm nước thường xuyên vừa tốn điện vừa dễ bị cháy máy.

Trong khi đó, tình trạng nợ đọng tiền sử dụng nước kéo dài làm cho công trình không còn kinh phí hoạt động. Trong 2 năm 2010 và 2011 các hộ đã nợ 65 triệu đồng, riêng trong 9 tháng đầu năm 2012 chưa thu được đồng nào tiền sử dụng nước. Vì vậy, để duy trì hoạt động của công trình, Trung tâm phải bỏ tiền chi trả mọi chi phí sửa chữa máy bơm, đường ống, tiền điện và lương cho nhân viên quản lý. Việc nợ đọng tiền nước kéo dài một phần do đời sống của người dân ở xã vùng III còn nhiều khó khăn, hơn nữa số lượng đồng hồ hư hỏng ngày càng nhiều, đến nay đã lên đến 285 cái nên nhân viên quản lý công trình chỉ biết thu tiền nước bằng cách ước lượng bình quân khoảng 1m3/khẩu/tháng. Trước đây gia đình bà Krik ở buôn Kon H’ring đóng tiền sử dụng nước khá đều đặn, nhưng từ năm 2011 đến nay đã nợ 310.000 đồng. “Năm ngoái mất mùa, lo cái ăn cho 5 người trong nhà chưa đủ nên mình đành khất nợ vì biết cán bộ cũng không nỡ cắt nước sinh hoạt của bà con, mà nếu có cắt thì mình hứng nước mưa, xin nước ở nhà thờ về nấu ăn, còn tắm thì ra giếng đào của buôn. Dẫu biết nước giếng rất đục nhưng cũng đành chịu thôi, đến cuối năm nay được mùa nông sản mình sẽ trả tiền nợ cho công trình”, bà Krik thổ lộ.

Theo anh Vĩnh, giải pháp trước mắt khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt ngay giữa mùa mưa là cơ quan chức năng nên đầu tư xây dựng thêm 1 bể chứa khoảng 100 m3 để nhân viên quản lý công trình tranh thủ bơm nước dự trữ vào ban đêm. Về lâu dài, cần thay thế các đồng hồ hỏng, khoan thêm giếng để nâng cao năng lực cấp nước cho người dân.

Việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân xã vùng III Ea Yiêng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đến đời sống bà con. Tuy nhiên cũng rất cần sự hợp tác, ý thức tự giác của người dân trong việc bảo quản, đóng tiền sử dụng nước đầy đủ để công trình có thể duy trì hoạt động, tiếp tục phát huy hiệu quả. 

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.