Dừng lại hành động tàn sát chim cò
Ở xã Cư Bông, huyện Ea Kar có nhiều người làm nghề bẫy chim cò. Đây là việc làm mang tính chất thời vụ, nhưng lại đang gây ra nhiều hậu quả về môi trường, đặc biệt là trong việc bảo vệ đàn chim, cò tự nhiên đang ngày càng hiếm dần.
Một thợ săn cò đang đặt bẫy bên đám cò mồi. |
Nghề bẫy cò xuất hiện ở đây khoảng 20 năm nay từ những người ở Nghệ An, Hà Tĩnh di cư vào. Cứ vào mùa mưa, các cánh đồng ngập nước, cò về kiếm ăn trắng đồng nên hàng ngày có đến hàng chục người đi bẫy cò. Họ đến các cánh đồng hoặc các gò đất cao ven sông, suối để săn cò bay đi ăn lúc sáng sớm. Do dụng cụ và cách bẫy đơn giản, không phải tốn chi phí nên nhiều người rủ nhau đi bẫy cò. Trong số đó, có người coi bẫy cò là thú vui, có người coi đó là nghề để kiếm thu nhập. Để bẫy được loại chim trời này, các thợ săn dùng “công nghệ” cò giả để nhử cò thật sà xuống. Các con cò giả này được đan bằng nứa, quấn vải màn rồi quét sơn trắng, mỏ vàng, có kích thước và màu sắc giống như cò thật. Người ta cắm nhiều con cò giả này xuống vị trí đã chọn trước sao cho giống một đàn cò đang kiếm ăn. Cạnh đó cắm nhiều thanh tre nhỏ đã bôi nhựa dính. Cò đang bay trên cao bị mắc lừa nên sà xuống nhập đàn sẽ dính vào các thanh tre. Để có được loại nhựa này, người ta chặt một loại cây rừng ngâm xuống suối 3 tháng, sau đó lấy nhựa trong thân cây và xử lý để thành keo dính. Một số người còn dùng cò sống buộc vào sợi dây và giật giật để cò kêu hoặc nhảy lung tung để nhử cò trời. Anh Đông, một thợ săn cò ở thôn 20, xã Cư Bông cho biết: thời điểm này, lúa đã thu hoạch xong, trời lại ít mưa nên cò về kiếm ăn rất ít, trung bình mỗi ngày chỉ bẫy được khoảng 5 con. Bẫy cò tuy dễ nhưng để cò dính bẫy nhiều ngoài việc làm cò nhử tốt, đặt bẫy đúng vị trí thì người săn phải có tướng…sát cò!
Trước đây, loài cò nhiều vô kể, một chuyến đi săn, mỗi thợ có thể bẫy được hàng trăm con, cò được bày bán ở nhiều nơi và còn chở đến các chợ ở huyện Ea Kar và TP. Buôn Ma Thuột. Ông Trí, một thợ săn và làm cò giả thuộc dạng lão làng ở vùng này, giờ đã “rửa tay gác kiếm” bộc bạch: “Mình lớn rồi mà còn đi bẫy cò, sau này con cháu mình cũng thế thì chẳng bao lâu nữa loài chim trời này sẽ không còn”. Nhiều người có chung suy nghĩ như ông và bỏ nghề bẫy cò nên lượng người đi săn cò ở đây giờ đã giảm xuống còn khoảng 10 người bẫy cò chuyên nghiệp. Tình trạng săn bắt cò một cách không thương xót khiến số lượng loại chim này giảm xuống nhanh chóng, điều đó đã bị nhiều người lên án vì ảnh hưởng đến môi trường và làm mất cân bằng hệ sinh thái. Địa phương cũng đã cấm việc săn bắn chim cò nhưng do việc đi bẫy chủ yếu ban đêm nên rất khó phát hiện và xử lý. Thiết nghĩ, chính quyền xã Cư Bông cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt tràn lan tàn sát chim trời và tuyên truyền cho người dân ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ loài chim tự nhiên để các cánh đồng vẫn hiện diện những cánh cò trắng mỗi độ lúa chín.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc