Ô nhiễm môi trường từ sản xuất, chăn nuôi: Bài toán chưa có lời giải!
Thời gian qua, bên cạnh lợi ích kinh tế, nảy sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống con người từ việc sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gây bức xúc trong nhân dân. Điều đáng nói là thực trạng này không chỉ diễn ra ở khu vực nông thôn mà tồn tại cả một số nơi của nội thành phố.
Dân kêu cứu...
Theo đơn phản ánh của bà Nguyễn Thị Phương (đường Ama Khê, Phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) các hộ dân sống gần trại chăn nuôi heo của bà Đoàn Thị Hồng (hẻm 188, đường Ama Khê) đang bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối từ phân heo. Dù đã góp ý nhiều lần, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không được khắc phục nên bà đã viết đơn phản ánh lên Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh. Sau khi nhận được đơn khiếu nại của bà Phương, Hội đã cử cán bộ đến kiểm tra và nhắc nhở hộ chăn nuôi. Ông Lương Lãng, hội viên Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh, người trực tiếp đến kiểm tra cho biết, sau khi làm việc, bà Hồng đã hứa sẽ khắc phục tình trạng này bằng cách xây dựng hầm bioga vừa để tận dụng phân heo làm chất đốt, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, lời hứa đó liệu khi nào mới thực hiện, đang là dấu chấm hỏi của những hộ dân phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường, bởi đã có biết bao nhiêu trường hợp cũng hứa rồi để… quên như việc gây ô nhiễm của lò mổ heo trong khu dân cư của ông Trần Ngọc Quang (thôn 2, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột), dù Phòng Cảnh sát môi trường (Công An tỉnh) đã đến kiểm tra và nhắc nhở nhưng chủ cơ sở vẫn chưa khắc phục; hay cơ sở sản xuất nhựa tái sinh gây ô nhiễm môi trường của ông Nguyễn Sỹ Hùng (thôn Nghĩa Lập, xã Ea Kuăng, Krông Pak); việc sản xuất của xưởng cơ khí tư nhân Sáu Tiền (số nhà 317 đường Hùng Vương nối dài) thường xuyên gây tiếng ồn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh khu vực...
Một cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường (Ảnh minh họa). |
Còn nhớ cách đây không lâu, trong bài viết "Dân bức xúc vì trại chăn nuôi heo gây ô nhiễm" Báo Dak Lak số ra ngày 19-9-2012 phản ánh trại chăn nuôi heo của hộ ông Nguyễn Lịnh gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Mặc dù cơ sở này đã bị UBND TP. Buôn Ma Thuột ra quyết định xử phạt (ngày 5-10-2011) vi phạm hành chính mức 15 triệu đồng vì “Không có bản cam kết bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định”. Đồng thời, yêu cầu ông Lịnh phải khắc phục tình trạng ô nhiễm chậm nhất đến trước ngày 20-12-2011. Tuy nhiên, đến thời điểm này trại nuôi heo của ông Lịnh vẫn là “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường khiến người dân quanh vùng bức xúc. Ông Võ Công Bình, một người dân sống trong cảnh bị ô nhiễm từ trại chăn nuôi heo cho biết, chúng tôi đã nhiều lần viết đơn phản ánh đến các cơ quan chức năng mấy năm nay nhưng chẳng thấy người gây ô nhiễm bị xử lý triệt để, điều này làm mất lòng tin của người dân đối với cơ quan công quyền.
Xử lý triệt để... đến bao giờ?
Tại Hội thảo giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đô thị do Sở Khoa học & Công nghệ tổ chức ngày 12-10-2012, bên cạnh vấn đề rác thải đô thị, các đại biểu tham dự cũng đã đề cập đến thực trạng ô nhiễm môi trường từ sản xuất, chăn nuôi không được giải quyết triệt để, gây bức xúc trong dân cư. Một đại biểu xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, những năm qua, tình hình ô nhiễm môi trường sống từ các cơ sở xay sát trên địa bàn xã gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Vào các giờ hoạt động cao điểm, ô nhiễm không khí từ các cơ sở này gây ra khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn, họ không dám bước chân ra đường vì khói, bụi bay dày đặc như sương mù. Trước thực trạng này, người dân đã gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng, nhưng sự việc vẫn rơi vào im lặng. Chia sẻ về vấn đề này, các đại biểu tham dự Hội thảo đã đồng tình và trình bày thêm những sự việc tương tự cũng đang tồn tại ở địa phương mình. Mong mỏi lớn nhất của những người đang phải chịu đựng sống trong cảnh ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất, chăn nuôi là cần có biện pháp xử lý triệt để những tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm chứ không nên kiểm tra, xử phạt rồi là xong, không theo dõi kiểm tra hướng khắc phục của họ như thế nào.
Được biết, trên địa bàn tỉnh có 1.731 trang trại, trong đó có 379 trang trại chăn nuôi, chưa kể đến những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Hầu hết việc xử lý chất thải trong chăn nuôi chủ yếu bằng 3 biện pháp: Thải trực tiếp ra môi trường; ủ làm phân bón cho cây trồng; và xử lý bằng công nghệ khí sinh học (hầm biogas) dẫn đến việc ô nhiễm môi trường là điều không tránh khỏi. Trường hợp gây ô nhiễm môi trường của hộ ông Trần Đức Quang (thôn 2, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) là một ví dụ, dù cơ sở đã xây dựng hầm biogas, nhưng vì không xử lý chất thải đúng cách và không đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nên việc sản xuất của gia đình ông vẫn còn tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân sống trong khu vực. Do đó, để khắc phục tình trạng trên, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân. Mặc khác, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; quy định cụ thể trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trách nhiệm phục hồi môi trường trong trường hợp các cơ sở sản xuất, chăn nuôi gây ô nhiễm sẽ phần nào góp phần xử lý dứt điểm các cơ sở sản xuất, chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Thiết nghĩ, việc giải bài toán ô nhiễm môi trường do sản xuất, chăn nuôi gây ra một cách kiên quyết triệt để là con đường hướng tới phát triển xanh, bền vững môi trường trong tương lai.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc