Tích cực chuẩn bị cho mùa khô 2012-2013 ở Tây Nguyên
Sau đợt mưa do ảnh hưởng của cơn bão số 7, thời tiết ở Tây Nguyên đã có những biến chuyển sâu sắc. Đến giữa tháng 10, dấu hiệu kết thúc mùa mưa năm 2012 đã hiển hiện ở nhiều nơi: Mưa giảm mạnh; ảnh hưởng của không khí lạnh và gió Đông, Đông Bắc, hướng gió chủ đạo trong mùa khô của Tây Nguyên đã rõ ràng hơn, cho thấy mùa khô năm nay đến sớm hơn bình thường.
Theo quy luật, mùa khô hằng năm ở Tây Nguyên kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau với đặc trưng thời tiết chủ yếu là khô, lạnh và có thể có sương giá ở một số nơi trong thời kỳ đầu mùa; nóng, khô cùng với sự xuất hiện của một vài đợt gió Tây khô nóng, hoặc một số trận đông nhiệt, có khi có mưa đá trong thời kỳ cuối mùa. Tổng lượng mưa trong toàn mùa chỉ chiếm từ 5-15% tổng lượng mưa của năm; trong đó chủ yếu là đóng góp của lượng mưa do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc hoặc bão muộn ở thời kỳ đầu mùa và dông nhiệt ở cuối mùa. Thời kỳ ít mưa nhất kéo dài liên tục từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 3 năm sau. Song song với những biến đổi về thời tiết, dòng chảy trong sông, suối cũng có xu thế chung là giảm dần từ đầu mùa đến khoảng tháng 3, tháng 4 thì cạn kiệt nhất. Khan hiếm nguồn nước thường xảy ra vào thời kỳ từ tháng 2 đến tháng 4 với tổng lượng dòng chảy 3 tháng nhỏ nhất chỉ đạt từ 3-6% tổng lượng dòng chảy năm. Trong thời kỳ này, một số sông, suối nhỏ có thể trở nên cạn kiệt hoàn toàn. Những năm gần đây một phần do mất rừng nên khả năng giữ nước của lưu vực giảm sút, phần khác do sông, suối bị ngăn lại làm nhiều tầng, đoạn nên số sông, suối bị cạn kiệt hoàn toàn tăng mạnh, có những con sông có diện tích lưu vực rộng hàng trăm km2 nhưng vẫn bị khô cạn, hết nước.
Năm nay, tổng lượng mưa tính đến giữa tháng 10 còn đạt thấp; nhiều nơi chưa đạt mức tổng lượng mưa năm trung bình nhiều năm, trong khi thời gian mùa mưa đã sắp kết thúc. Từ nay đến hết năm 2012 và các tháng đầu năm 2013, tình hình thời tiết, thủy văn ở Tây Nguyên được dự báo sẽ có nhiều biến động. Với khả năng chịu sự tác động yếu của hiện tượng El Nino, mùa mưa năm 2012 có dấu hiệu kết thúc sớm làm cho mùa khô 2012 – 2013 có thể kéo dài và khắc nghiệt hơn. Khô hạn, thiếu nước có thể xảy ra trên diện rộng.
Vậy nên, ngay từ đầu mùa khô này, các địa phương cần chủ động các biện pháp phòng ngừa bao gồm:
- Tăng cường công tác điều tra, khảo sát đo đạc, tính toán dự báo diễn biến thời tiết và nguồn nước trong từng thời kỳ để chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó có hiệu quả.
- Đẩy mạnh việc duy tu, sửa chữa, nâng cấp hồ đập nhằm nâng cao khả năng tích trữ và cấp nước của công trình. Xem xét khả năng cấp nước của từng vùng để quy hoạch hợp lý diện tích gieo trồng; tích cực làm thủy lợi, nạo vét, sửa chữa, kiên cố hóa hệ thống kênh mương hạn chế thất thoát trong quá trình cấp nước.
- Đo đạc, đánh giá mức độ khô hạn, cạn kiệt và hiện trạng nguồn nước có thể khai thác để có đối sách hợp lý nếu nắng hạn kéo dài; theo dõi sát các bản tin dự báo diễn biến thời tiết và nguồn nước trong từng thời kỳ để có những định hướng chỉ đạo sản xuất phù hợp và phòng chống hạn hiệu quả.
- Mở rộng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc theo sự hướng dẫn chỉ đạo quy hoạch về diện tích, loại cây trồng ở mỗi vùng; nhắc nhở người dân luôn nêu cao ý thức tiết kiệm, san sẻ cùng cộng đồng trong việc khai thác sử dụng nguồn nước, đồng thời chủ động tự tìm nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt của bản thân và gia đình.
- Các địa phương cũng cần sớm triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng trong mùa khô 2012-2013.
Nguyễn Văn Huy
Ý kiến bạn đọc