Multimedia Đọc Báo in

Kiểm lâm Dak Lak: Nỗ lực giữ rừng trước nhiều áp lực

07:47, 27/11/2012

Cuộc chiến giữ rừng của lực lượng kiểm lâm càng trở nên cam go khi họ với phải đối diện với nhiều áp lực, khó khăn chủ yếu do khách quan mang lại...

Áp lực

Việc quản lý bảo vệ rừng có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Công tác này ở Dak Lak càng được đặc biệt coi trọng khi nó còn có mối quan hệ đối với việc phòng hộ cho các tỉnh phía Nam và Nam Trung bộ. Tuy nhiên, để thực hiện tốt được việc quản lý bảo vệ rừng, nhiều khó khăn, áp lực khách quan thử thách lực lượng kiểm lâm. Tổ chức hoạt động của kiểm lâm còn thiếu cơ chế, chính sách, chức năng, quyền hạn còn hạn chế. Trong khi đó, rừng Dak Lak có diện tích lớn, lực lượng kiểm lâm mỏng nhưng phải thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn rộng, phức tạp, vùng sâu, vùng xa. Các nhân tố về điều kiện dân sinh, kinh tế - xã hội và tự nhiên có ảnh hưởng lớn đến việc bảo vệ rừng. Dak Lak là đầu nguồn của nhiều hệ thống sông, suối lớn, bảo vệ và phát triển rừng lại càng có ý nghĩa quan trọng. Nhưng thực tế việc quy hoạch sử dụng đất đai và bảo vệ rừng lại đang phải chịu sự áp lực rất lớn từ vấn đề phát triển kinh tế - xã hội. Dak Lak là địa bàn chịu sự tác động phân bổ dân cư từ các vùng miền khác đến. Dân di cư tự do là một thực trạng phải tập trung giải quyết trong nhiều năm, phần lớn dân nghèo ở gần rừng, ven rừng để sinh sống. Thêm nữa, vấn đề thu hẹp đất rừng để phát triển trồng các loại cây công nghiệp cũng là một đòi hỏi khách quan đồng thời có tác động không nhỏ đến việc gia tăng các hành vi vi phạm pháp luật về rừng.

Lực lượng kiểm lâm trên đường tuần tra.
Lực lượng kiểm lâm trên đường tuần tra.

Đặc điểm về khí hậu, thời tiết, thảm thực vật rừng cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo vệ rừng trong mùa khô hàng năm. Bên cạnh đó, tình trạng chống đối thường xảy ra, tổn hại đến tinh thần, gây nguy hiểm, thương tích, thậm chí đe dọa sự an toàn tính mạng của người thi hành công vụ.

Vượt khó

Trước nhiều áp lực, với vai trò là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm tài nguyên rừng, nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm càng nặng nề. Cán bộ, công chức kiểm lâm đã nỗ lực thực hiện: công tác tham mưu thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về rừng cho chính quyền các cấp, tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách lâm nghiệp; công tác quy hoạch xây dựng 3 loại rừng, quản lý rừng bền vững; công tác giao đất, giao rừng, đấu tranh ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm rừng. Trong quá trình làm nhiệm vụ, nhiều cán bộ, công chức kiểm lâm công tác vùng sâu vùng xa, rừng hẻo lánh bị ốm đau, bệnh tật. Nhiều lực lượng tham gia bảo vệ rừng, trong đó có một số nhân viên kiểm lâm bị thương tích, thậm chí hy sinh. Theo thống kê trong gần 40 năm qua kể từ ngày thành lập, lực lượng kiểm lâm đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý được 48.731 vụ vi phạm, trong đó có 348 vụ khởi tố hình sự, tịch thu 94.398 m3 gỗ các loại, tiền thu sau xử lý 263 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổ chức quản lý bền vững 640.527 ha rừng, trong đó rừng đặc dụng 218.931 ha; rừng phòng hộ 66.085 ha; rừng sản xuất 322.505 ha và diện tích rừng ngoài quy hoạch ba loại rừng là 33.005 ha. Về phân cấp quản lý rừng cho UBND xã quản lý, ngành kiểm lầm đã tham mưu để UBND huyện tổ chức phân cấp được 67 xã có diện tích rừng tự nhiên trên 8 huyện: M’Dak, Lak, Ea Súp, Ea Kar, Krông Bông, Cư M’gar, Krông Ana, Ea H’leo, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết về quản lý bảo vệ rừng của HĐND tỉnh.

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn khách quan, công  tác tuần tra, kiểm soát, quản lý rừng được tăng cường nên nhiều vụ phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật rừng trái phép được kiểm tra ngăn chặn, có biện pháp xử lý kịp thời nên cơ bản xóa bỏ hầu hết các tụ điểm nóng, xâm hại tài nguyên rừng trên địa bàn trước đây thường xảy ra. Theo thống kê từ năm 2007-2012, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và xử lý được 10.051 vụ vi phạm, trong đó 130 vụ khởi tố hình sự, tịch thu 17.664 m3 gỗ các loại, tiền thu sau xử lý 85,7 tỷ đồng. Dự án đầu tư hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trồng rừng thay thế nương rẫy giai đoạn 2010-2015, qua hơn 2 năm thực hiện đã góp phần xoá đói, giảm nghèo, khắc phục tình trạng phá rừng. Với tổng kinh phí 18,7 tỷ đồng, dự án được thực hiện trên phạm vi 4 huyện: Krông Bông, Lak, Ea H’leo, Lak, Krông Ana, diện tích trồng rừng là 435,9 ha và có 475 hộ tham gia.

Cùng với sự tăng lên về diện tích rừng do khoanh nuôi bảo vệ và trồng mới, một thực tế là tình trạng suy giảm diện tích rừng cũng đã diễn ra với tổng diện tích là 8.533,7 ha. Trong đó, nguyên nhân mất rừng do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang các mục đích khác là 8.093 ha, chiếm 94,8%. Mất rừng do khai thác, chặt phá trái pháp luật là 354,3 ha, chiếm 4,1%; cháy rừng làm mất 86,4 ha, chiếm 1,1%. Qua diễn biến rừng cho thấy, mất rừng tự nhiên chủ yếu là do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cho các công trình nhà nước để phục vụ dân sinh; nguyên nhân mất rừng trái pháp luật ngày càng được hạn chế, được tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời, không để xảy ra diện tích thiệt hại lớn.

Tuy nhiên, cũng như một số nước trên thế giới có rừng nhiệt đới, ở Việt Nam nói chung và Dak Lak nói riêng, bảo vệ rừng đang đặt ra nhiều yêu cầu cấp thiết. Ngành kiểm lâm đóng vai trò nòng cốt nhưng cũng cần có sự chung sức của nhiều ngành, nhiều cấp và toàn dân.

 Thuận Thành

 

 

 


Ý kiến bạn đọc