Multimedia Đọc Báo in

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

08:01, 26/11/2012

Vừa làm giàu cho gia đình, vừa tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 50 người dân nghèo; không những thế bà Vũ Thị Đăng chủ cơ sở thu mua phế liệu Trường Anh Minh (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) còn đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Trước thực trạng một số cơ sở thu gom phế liệu làm ảnh hưởng môi trường sống, gây bức xúc trong dư luận thì bà đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng xưởng thu gom và hệ thống xử lý nước thải.

Thu gom phế liệu giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Thu gom phế liệu giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Trước đây, cuộc sống vốn khó khăn, vất vả phải chạy ăn từng bữa, thế nên khi kinh tế gia đình đã ổn định, chị Vũ Thị Đăng luôn đồng cảm và sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Cái cách người phụ nữ này làm không phải cho họ bát cơm mà bà cho cái "cần câu cơm". Và thế, gần 20 năm nay chị Đăng đã thực sự trở thành "bà đỡ" cho những người dân nghèo, không nghề nghiệp có công ăn, việc làm với nguồn thu nhập ổn định từ việc thu gom phế liệu.

 Hơn 5 năm làm công tại cơ sở Trường Anh Minh, bà H'rôn (xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin) luôn xem cô Đăng là ân nhân của gia đình mình. Với mức thu nhập hơn 100.000 đồng/ngày, bà có thể trang trải các chi phí sinh hoạt trong gia đình và để dành phòng khi ốm đau, túng thiếu. Nhớ lại cuộc sống trước đây, bà chia sẻ: "Sức khỏe yếu, hay đau ốm, do đó tôi không thể làm được những việc nặng. Không có tiền cho các con đi học nên chúng phải ở nhà đi làm nương rẫy để kiếm miếng ăn. Từ khi được nhận vào làm tại cơ sở thu gom phế liệu này với công việc chủ yếu là phân loại chất thải bằng nhựa theo màu, nhờ đó cuộc sống gia đình tôi đã khá hơn nhiều". Bây giờ, không chỉ bà H'Rôn mà cả 3 người con của bà cũng đang làm việc tại cơ sở thu gom phế liệu Trường Anh Minh với mức thu nhập ổn định từ 100 đến 150.000 đồng/ngày. Mẹ mất sớm, bố bỏ nhà đi, các em còn đang học nên dù mới 20 tuổi nhưng Y'Thin (xã Ea Bhôk) đã làm việc tại cơ sở thu gom phế liệu của chị Đăng hơn 2 năm nay. Từ số tiền công mỗi ngày (120.000 đồng) Y Thin đã nuôi 3 em ăn học và chi tiêu các khoản sinh hoạt trong gia đình. Em tâm sự: "Những lúc túng thiếu, cần tiền đóng học cho mấy đứa em, em được cô Đăng cho ứng trước vài triệu đồng rồi đi làm trừ dần. Mặt khác, do thời gian làm việc không quá khắt khe nên em vẫn có thể chăm sóc mấy sào cà phê của gia đình để tăng thêm thu nhập". Hiện tại chị Vũ Thị Đăng đã và đang tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 50 lao động nghèo trong và ngoài địa phương với mức lương từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng.

Cơ sở Trường Anh Minh hiện là điểm kinh doanh phế liệu lớn nhất trên địa bàn huyện Cư Kuin. Trung bình mỗi tháng, lượng phế liệu cơ sở nhập về khoảng 100 tấn; đồng thời cũng cung ứng cho các thương gia khắp nơi một lượng phế liệu tương đương dưới dạng xay nhỏ hoặc đóng khối. Song song với việc phát triển kinh tế, chị Đăng luôn suy nghĩ làm thế nào để hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình không ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Nghĩ là làm, chị đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng nhà chứa phế liệu và hệ thống xử lý nước thải cách xa khu dân cư để tránh gây ô nhiễm môi trường. Quy trình phân loại, xử lý tái chế phế liệu sau khi thu mua của các hộ dân được thực hiện ngay trong khuôn viên cơ sở. Phế liệu được những người lao động phân loại bằng tay. Nước thải từ “quy trình” làm sạch phế liệu được xử lý bằng hệ thống bể lắng lọc, không ngấm vào lòng đất hay thoát ra môi  trường xung quanh. Chị Vũ Thị Đăng chia sẻ: "Để xây dựng hệ thống xử lý nước thải này, tôi đã đầu tư hơn 100 triệu đồng nên quá trình sản xuất, tái chế phế liệu không làm ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, với những loại rác thải không thể tái chế được tôi cũng thu gom để tránh tình trạng người dân đi mua về không bán được lại ném ra khu vực công cộng".

Để bảo đảm môi trường trong cơ sở và xung quanh khu vực, mỗi tuần chị Đăng đều cho xe chở những rác thải không tái chế được sau khi phân loại đến bãi rác của TP. Buôn Ma Thuột để đổ. Hiện nay, cơ sở thu gom phế liệu Trường Anh Minh đã gia nhập vào Hợp tác xã Môi trường Hòa Thắng (thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh), điều này tạo cho người lao động yên tâm hơn với công việc của mình và vấn đề ô nhiễm môi trường cũng không còn là nỗi lo nữa.

 Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc