Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Người dân vẫn “khát” nước sạch

10:35, 02/11/2012

Cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột chưa đầy 5 km, thế nhưng mấy chục năm qua, hàng trăm hộ dân tổ dân phố 9 (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) đã và đang phải dùng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh. Dù đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị với các cơ quan chức năng, nhưng họ vẫn đang mỏi mòn chờ nguồn nước sạch.

Giếng khoan 100m... nước vẫn ô nhiễm

Nước sạch là nhu cầu bức thiết, không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người dân, bởi nó không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe, thể hiện sự phát triển của đô thị. Thế nhưng, hơn 200 hộ dân tổ dân phố 9, phường Tân Lập từ lâu nay vẫn phải dùng nguồn nước giếng đào, giếng khoan và nước mưa để phục vụ mọi sinh hoạt trong gia đình.


Hàng chục năm nay, các hộ dân tổ dân phố 9 vẫn phải dùng nước giếng bị ô nhiễm phục vụ sinh hoạt trong gia đình.
Hàng chục năm nay, các hộ dân tổ dân phố 9 vẫn phải dùng nước giếng bị ô nhiễm phục vụ sinh hoạt trong gia đình.

 Anh Phạm Hùng Đăng, một người dân sống ở khu vực cho biết, "Trước đây gia đình tôi chủ yếu dùng nguồn nước giếng đào với độ sâu khoảng vài mét để sinh hoạt và ăn uống, nhưng nay do nguồn nước bị nhiễm phèn, có mùi tanh nên gia đình đã quyết định khoan giếng. Biết rằng, để đầu tư giếng khoan phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ (khoảng 15 triệu đồng), cũng đành chấp nhận vì công việc kinh doanh, đồng thời để bảo đảm sức khỏe mọi người trong gia đình". Dù đã khoan giếng với độ sâu 100 mét, nhưng theo anh Đăng nguồn nước ở đây vẫn còn mùi hôi tanh. Cách nhà anh Đăng không xa là hộ anh Nam, mua đất xây nhà xong, anh cũng bỏ ra hơn 10 triệu đồng khoan giếng độ sâu hơn 70 mét để phục vụ việc sản xuất bún tươi. Do nguồn nước có mùi quá nặng nên sau lần thử nghiệm làm bún bằng nước giếng khoan bị thất bại, kéo theo đó là hơn 1 tạ gạo làm bún phải đổ đi vì nguồn nước hôi thối. Cũng từ đó, anh đành đóng cửa ngôi nhà mới xây và chuyển đi chỗ khác để tiếp tục việc làm ăn của mình.

Với những gia đình khá giả thì chất lượng nguồn nước sinh hoạt cũng có thể cải thiện vì họ đầu tư tiền khoan giếng. Tuy nhiên, với những gia đình khó khăn thì họ chỉ đào giếng sâu từ 5 đến 7 mét, nên chất lượng nguồn nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đó là chưa nói đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô vì các giếng đào đều cạn kiệt. Mặt khác, một thực tế đáng lo ngại hơn cả khi nguồn nước của các hộ dân ở đây bị ô nhiễm nặng do khu vực này trước kia chủ yếu là đất trồng cây cà phê, dẫn đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ngấm vào nguồn nước là điều không tránh khỏi. Đồng thời, các giếng đào, khoan trong các gia đình đều nằm cạnh nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi nên mỗi khi dùng để ăn uống có cảm giác nhờn nhợn trong người.

Mòn mỏi chờ nước sạch

Qua tìm hiểu được biết, tổ dân phố 9, phường Tân Lập có gần 300 hộ dân, trong khi đó khoảng 90 hộ thuộc tổ liên gia 1, 2 và 3 đã có nguồn nước máy từ lâu. Riêng hơn 200 hộ dân thuộc 5 tổ liên gia còn lại do bị ngăn cách bởi một cây cầu nhỏ nên nước sạch không đến nơi. Ông Tô Văn Tâm, Tổ trưởng tổ dân phố 9 cho biết: Chúng tôi đã phản ánh, kiến nghị với các cơ quan chức năng nhiều lần, nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết. Phía Công ty Cấp thoát nước cũng đã mấy lần đến khảo sát, nhưng vẫn chưa đưa ra biện pháp nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Từ lâu, người dân chỉ mong ước có được nguồn nước sạch phục vụ cuộc sống, nhưng vẫn phải mòn mỏi chờ không biết đến bao giờ".

Trước thực trạng ô nhiễm từ nguồn nước giếng khoan, đào, một số hộ dân đã tự tìm giảp pháp tạm thời nhằm cải thiện cuộc sống, hạn chế việc sử dụng nước không hợp vệ sinh như hộ ông Hoàng Văn Minh xây dựng một bể chứa nước mưa hơn 6 khối để dùng. Hay gia đình ông Nguyễn Sày, ngoài việc tắm giặt và sinh hoạt bằng nước giếng thì ông đều đi mua nước lọc để dùng cho việc nấu ăn, uống. Biết mỗi tháng phải tốn một khoản tiền không nhỏ, nhưng cũng đành chấp nhận vì sức khỏe của cả nhà. Dù cuộc sống không mấy khá giả hơn các hộ khác, nhưng gia đình ông Võ Văn Danh (Bí thư Chi bộ tổ dân phố 9) vẫn quyết định đầu tư hơn 3 triệu đồng để kéo đường ống nước máy từ một hộ khác ở tổ liên gia 3 về phục vụ sinh hoạt. Vì đường ống quá nhỏ, nên thỉnh thoảng gia đình ông cũng không đủ nước dùng, còn nước giếng chỉ để lau chùi nhà cửa, vật dụng...

Thực tế cho thấy, số hộ tìm giải pháp để hạn chế việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm ở khu vực này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi hầu hết người dân nơi đây vẫn phải sử dụng nước giếng phục vụ mọi sinh hoạt của gia đình, kể cả việc ăn, uống. Ông Tâm, chia sẻ: "Cũng như các gia đình khác, nhà tôi đều phải dùng nước giếng đào bị ô nhiễm để ăn, uống và sinh hoạt. Biết là nguồn nước không bảo đảm vì nằm cạnh nhà vệ sinh và chuồng trại chăn nuôi, nhưng nếu không dùng thì đâu có nguồn nước khác thay thế. Không biết đến bao giờ nhân dân thuộc tổ dân phố 9 mới có nước sạch để dùng. Hiện tại, người dân vẫn thấp thỏm sống trong cảnh lo lắng về sức khỏe vì sử dụng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.