Nguy cơ từ việc đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt trên sông Krông Ana
Nhiều loài thủy sản trên sông Krông Ana đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt do sự khai thác quá mức của con người, đặc biệt là tình trạng sử dụng xung điện, ghe cào điện… để đánh bắt.
Những loài cá nhỏ khai thác bằng ghe cào điện đã ươn sình và bốc mùi được phơi khô bên cạnh bờ sông xã Quảng Điền (huyện Krông Ana). |
Nhận được thông tin phản ánh của một số người dân về tình trạng khai thác thủy sản bằng ghe cào điện trên sông Krông Ana, chúng tôi đã đến và tận mắt chứng kiến sự việc. Đó là những chiếc ghe gắn hệ thống điện có thể đánh bắt tất tần tật các loại tôm, cá từ lớn đến nhỏ. Khi ghe tập kết về bến, ngoài những con cá, tôm lớn đã được các lái buôn mua thì cá nhỏ đã ươn sình, bốc mùi hôi thối được phơi trên bãi cát cạnh bờ sông. Theo một người dân chuyên nghề đánh bắt cá tại xã Quảng Điền (huyện Krông Ana), gần một năm nay gia đình anh đã chuyển từ việc đánh bắt bằng lưới sang dùng ghe có gắn mô tơ điện, vì khi quét tới đâu, cá lớn cá bé đều bị bắt sạch, không bỏ sót. Việc đánh bắt bằng ghe điện khiến hầu hết các loại cá, tôm nhỏ đều bị chết nên dù bán giá hơi thấp nhưng nguồn thu nhập của gia đình cũng được cải thiện đáng kể. Chính vì kiểu khai thác tận diệt này nên khoảng 3 năm nay không chỉ sản lượng cá đánh bắt tự nhiên trên toàn huyện Krông Ana giảm (khoảng 30%) mà một số loại cá quý hiếm như cá trắm đen, trôi bạc, cá dâu... cũng đang có nguy cơ tuyệt chủng. Anh Phan Văn Dũng, một người dân gắn bó lâu năm với nghề chài lưới trên sông Krông Ana chia sẻ, trước đây mỗi ngày anh đánh thả lưới được khoảng 10 kg cá, giờ chỉ kiếm đủ ăn vì mấy năm nay, nhiều người sử dụng điện để đánh bắt nên các loài tôm, cá lớn nhỏ đều bị tận diệt, không còn sinh sản như trước.
Khai thác thủy sản là một kế sinh nhai của những người dân miền sông nước. Tuy nhiên, việc sử dụng ghe cào điện và các kiểu đánh bắt tận diệt khác đã và đang gây tác hại rất lớn, bởi điều này không chỉ làm giảm nguồn lợi thủy sản trong tương lai, mà còn tác động xấu đến môi trường. Điều đáng nói là nó gây hệ lụy đến sinh kế của chính người dân địa phương trong một tương lai không xa khi những con cá, tôm nhỏ li ti cũng không bị loại trừ để đánh bắt cho dù giá trị mang lại chẳng đáng bao nhiêu. Chị Lan, chủ nhân của hàng chục tạ cá đang phơi bên bờ sông (khu vực xã Quảng Điền) cho biết: "Trung bình mỗi ngày tôi thu mua mấy tạ cá từ những thuyền, ghe đánh bắt, đây là những loài cá do quá nhỏ và đã chết nên chỉ dùng để làm thức ăn cho gia súc, sau đó bán lại cho những hộ mua lẻ với giá khoảng 2.000-3.000 đồng/kg cá tươi và 15.000 đồng/kg cá khô".
Ông Nguyễn Mạnh Cương, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Ana cho biết: "Việc xử lý những người sử dụng ghe cào điện để đánh bắt thủy sản hiện gặp rất nhiều khó khăn bởi họ tìm mọi cách né tránh, che giấu tang vật khi gặp đoàn kiểm tra. Trên thực tế, hầu hết người dân đều biết pháp luật nghiêm cấm việc khai thác thủy sản kiểu tận diệt và hậu quả của nó gây ra, nhưng vì lợi nhuận trước mắt nên vẫn cứ vi phạm”. Thiết nghĩ, triển khai bảo vệ nguồn lợi thủy sản là điều vô cùng cần thiết nhằm bảo đảm cuộc sống của bà con ngư dân. Các cấp, các ngành hữu quan cần thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn nữa để chấm dứt tình trạng đánh bắt kiểu tận diệt nhằm bảo vệ môi trường và đặc biệt bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc