Đổ xô đi trục vớt gỗ sâu
Trong những ngày nắng nóng, mực nước ở các sông, suối cạn kiệt, người dân ở các xã Ea Trul, Hòa Lễ, Hòa Phong (huyện Krông Bông) bắt đầu đổ xô đi trục vớt gỗ sâu, gỗ rụi (là các loại cây gỗ lớn bị gió mưa, bão lũ quật ngã và đất cát vùi lấp) ở dưới lòng sông để kiếm sống…
Trục vớt gỗ sâu dưới lòng sông. |
Trong cái nắng gay gắt, chúng tôi men theo dòng sông Krông Ana để tìm hiểu cuộc sống cực nhọc của người dân trục vớt gỗ sâu ở đáy dòng sông. Trò chuyện với anh Lê Văn Hổ (thôn 6, xã Hòa Lễ) đã làm nghề vớt gỗ sâu hơn 12 năm nay, được anh cho biết: Việc trục vớt được những cây gỗ sâu có giá trị phải mất rất nhiều công sức. Mỗi lán trại có từ 15-20 người lực lượng khỏe mạnh và được chia làm 3 đội thường trực, gồm: đội thăm dò, đội cẩu và đội khoan cắt. Để tìm được một cây gỗ có giá trị, người thợ dò gỗ phải tinh nhanh, chăm chỉ và chịu đựng ngâm mình dưới nước từ 3-4 giờ, dùng cây sắt nhọn dài khoảng 1-3m săm xuống đất để tìm kiếm thân gỗ sâu nằm dưới lòng đất. Khó khăn không chỉ riêng đội quân thăm dò mà cũng phải kể đến đội quân trục vớt. Để trục vớt một cây gỗ nằm dưới lòng sông, bị đất cát vùi lấp khoảng 1-2m, người ta phải dùng đến máy múc, máy hút cát công suất lớn và sà lan để tời lên. Nếu một cây gỗ dài khoảng 10-15m, thì đội quân này phải làm từ 10 ngày đến nửa tháng mới đưa được cây gỗ lên khỏi mặt nước. Cũng do nằm dưới sâu dưới lòng đất, nên việc tìm kiếm, trục vớt rất khó khăn; đã có không ít người bị thương tật. Anh Đoàn Viết Thắng (thôn 5, xã Hòa Lễ) là thanh niên cường tráng, cách đây hai năm, trong lúc lặn xuống nước buộc dây cáp vào thân gỗ để trục vớt lên bờ thì anh bị dây cáp cuốn vào chân trái, rất may không bị thiệt mạng, nhưng vết thương vẫn còn hằn sâu trên thân hình chàng trai trẻ này. Anh tâm sự: “Nghề trục vớt gỗ sâu gian khổ lắm. Bình quân mỗi ngày công, người thợ chỉ được chủ lán chi trả từ 200.000 – 300.000 đồng; mà đó là ngày công nếu tìm được cây gỗ có giá trị. Còn khi tìm được cây gỗ không có giá trị cũng phải mất công đưa lên làm củi. Trong mấy năm gần đây, lượng người tham gia đi trục vớt gỗ sâu càng nhiều, nên việc tìm kiếm càng khó khăn. Có khi nhiều lán trại phải mất cả gần tháng trời mới tìm được cây gỗ sâu có giá trị…”.
Riêng tại đoạn sông đi qua xã Hòa Lễ và Cư Kty đã có hàng chục lán trại đang tập trung khai thác. Theo nhiều người dân sống ở hai bên bờ sông Krông Ana, cũng chính từ việc trục vớt gỗ ở dưới dòng sông đã gây sạt lở nghiêm trọng 2 bên bờ sông, ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất của người dân sống xung quanh. Tuy nhiên, việc khai thác, trục vớt gỗ sâu đã diễn ra trong nhiều năm nay, nhưng chính quyền ở các địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý.
Thuần Túy
Ý kiến bạn đọc