Multimedia Đọc Báo in

Nước về vùng khó

14:37, 05/04/2013

Được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 3-2011, công trình cấp nước sinh hoạt xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) đã góp phần “giải cơn khát”, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên vùng đất khó. Tuy nhiên, để công trình phát huy hiệu quả lâu dài cần sự “tiếp sức” từ nhiều phía. 


Nước sạch  về với người dân xã  Ya Tờ Mốt
Nước sạch về với người dân xã Ya Tờ Mốt.

 

Giải cơn khát

Trước đây, trên địa bàn xã đã có công trình cấp nước tập trung được đầu tư xây dựng từ năm 2002, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho 170 hộ dân. Tuy nhiên, sau khoảng 4 năm đưa vào sử dụng, công trình xuống cấp, nguồn nước không đủ nên việc cấp nước rơi vào cảnh “được chăng hay chớ” khiến nhiều hộ dân lao đao vì thiếu nước sinh hoạt. Không những vậy, do đặc điểm địa hình nơi đây hầu hết là đất cát pha, nguồn nước mặt bị nhiễm phèn nên việc đào giếng rất khó khăn. Vào mùa khô, đa phần các giếng đều cạn nước. Để khắc phục, những hộ có điều kiện tự khoan giếng hoặc nhiều hộ ở gần nhau cùng góp tiền khoan chung một giếng, số còn lại phải đi xin nước sinh hoạt hằng ngày. Gia đình ông Đoàn Minh Nghệ (thôn 13) kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng vì muốn có nguồn nước ổn định phục vụ sinh hoạt nên đã đóng góp hơn 1 triệu đồng để đấu nối sử dụng nước. Tuy nhiên, mới thoát khỏi cảnh “khát nước” được vài năm, công trình đã ngưng hoạt động, những tháng mùa khô, gia đình ông lại phải đi xin nước về dùng. Năm 2009, ông đầu tư 5 triệu đồng đào giếng sâu 25m để lấy nước sinh hoạt. Cứ vào mùa khô, giếng thường bị cạn, mỗi lần bơm chỉ được 10 phút là hết nước nên phải bơm nhiều lần mới đầy bể xây có dung tích khoảng 4m3. Vì vậy, khi Công trình cấp nước sinh hoạt xã Ya Tờ Mốt đưa vào vận hành, ông đăng ký đấu nối ngay. Ông cho biết: Nước ở công trình mới này vừa trong, chảy mạnh cả ngày lẫn đêm nên bà con phấn khởi lắm”. Tuy nhiên, niềm vui  nước sạch kéo dài chưa được bao lâu, nhiều hộ dân trên địa bàn xã lại rơi vào cảnh khô khát. Bà Nguyễn Thị Phương (thôn 9) thở dài: “Hơn 12 năm đi kinh tế mới tại xã Ya Tờ Mốt, gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác đều có chung khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Khi có công trình cấp nước mới, những tưởng 95 hộ dân trong thôn trút được nỗi lo, nhưng nào ngờ năm nay nguồn nước cấp cũng phập phù, lúc có lúc không”.

Công trình cần được “tiếp sức”

Được biết, xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường (NSH&VSMT) tỉnh đã khảo sát, lập kế hoạch nâng cấp công trình cấp nước cũ và được UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phê duyệt với kinh phí trên 6,6 tỷ đồng, khởi công xây dựng từ cuối năm 2010. Trong đó, 90% vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMT nông thôn, số còn lại do người dân trên địa bàn đóng góp. Công trình có công suất thiết kế cấp nước ổn định cho 600 hộ dân thuộc các thôn 9, 10, 11, 12, 13, 14 xã Ya Tờ Mốt, hiện đã có 348 hộ đăng ký sử dụng nước. Ông Nguyễn Hữu Quảng, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Công trình được đưa vào sử dụng đã góp phần giải quyết bài toán thiếu nước của người dân vùng kinh tế mới. Chính quyền địa phương và các đoàn thể đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ công trình, sử dụng nước tiết kiệm, nhất là trong các tháng mùa khô”. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 2 năm vận hành, công trình đã gặp trục trặc. Do khô hạn kéo dài, nguồn nước bị sụt giảm, thêm vào đó 1 trong 2 giếng khoan của công trình bị hư hỏng, không thể sản xuất nước nên công suất chỉ còn khoảng 200 m3/ngày đêm (giảm một nửa so với trước kia). Điều này đồng nghĩa với việc 50% số hộ đã kết nối hiện không có nước sinh hoạt. Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn và việc cấp nước sinh hoạt không thường xuyên đã dẫn đến tình trạng nợ đọng tiền nước kéo dài diễn ra liên tục từ tháng 6-2012 đến nay, với mức trung bình từ 2-3 triệu đồng/tháng. Hơn nữa, do nguồn nhân lực hạn chế, hiện chỉ có một trạm trưởng đảm nhận tất cả các công việc từ vận hành, kết nối, thu tiền nước và sửa chữa những hư hỏng nhỏ nên gây không ít khó khăn trong công tác quản lý. Để công trình có thể phát huy hiệu quả lâu dài, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân, Trạm trưởng Trạm cấp nước Ya Tờ Mốt Vi Viết Hội mong muốn: “Trung tâm NSH&VSMT tỉnh - đơn vị chủ quản của công trình quan tâm đầu tư kinh phí sửa chữa giếng khoan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân. Đồng thời, tăng cường thêm nhân lực hỗ trợ công tác quản lý, vận hành công trình”.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.