Phòng chống sét trong mùa mưa dông ở Tây Nguyên
Tây Nguyên là vùng đất có địa hình bị chia cắt nhiều, đặc thù của thời tiết dễ xuất hiện những cơn dông, dông nhiệt mà trong đó thường có sấm sét. Năm nay, tuy mới vào đầu mùa mưa nhưng sét xuất hiện nhiều và đã gây hại nghiêm trọng, làm ba người chết, 2 người bị thương - đây là một sự gây hại đột biến của sét ở Tây Nguyên.
Sét là hiện tượng phóng điện từ đám mây xuống mặt đất. Khi phóng điện, cường độ dòng điện của tia chớp, sét lên đến 300.000 ampe, điện thế 126 triệu vôn nên không khí nơi luồng điện này đi qua bị đốt nóng cực nhanh đến trên 15.000oC khiến chúng giãn nở đột ngột gây ra tiếng nổ, đó là sấm.
Nói đến sấm sét, chúng ta thường nghĩ đến những tác hại do chúng gây ra như làm chết người, loài vật; là thủ phạm gây cháy rừng, phá hủy công trình, nhà cửa; gây chập, cháy mạng lưới điện; làm hư hỏng các thiết bị điện, điện tử; gây tai nạn giao thông (đặc biệt nguy hiểm với giao thông đường không); làm cho tằm không nhả tơ làm tổ kén được… Tuy nhiên, chớp sét cũng có những tác dụng to lớn. Nếu không có sấm sét thì trong vòng vài giờ, trái đất sẽ mất vào các lớp trên của khí quyển toàn bộ điện tích âm của mình, lượng điện tích cần cho sự tồn tại của Nitơ ở dạng thực vật dễ hấp thụ. Kết quả đo đạc tính toán cho thấy mỗi năm ở nước ta trung bình một ha đất nhận được trên 50kg Nitơrat và gần 20kg Amoniac từ mưa dông - các chất đạm này được hình thành từ Nitơ trong quá trình phóng điện.
Để phòng, tránh sét và tác hại của sét, qua theo dõi, nghiên cứu trong nhiều năm người ta nhận thấy: (1) Sét không những chọn những ngọn cây cao để đánh mà còn chọn phần đất có cơ cấu rễ cây thích hợp. Sét thường hay đánh vào những cây có nhiều rễ ăn sâu xuống đất, những loại cây chứa nhiều nước, dẫn điện tốt như cây đa, cây sến, cấy sồi, cây dừa. (2) Sét thường đánh vào những nơi có dải đất sét chạy ngầm gần mặt đất; những nơi có nhiều hơi ẩm như khe núi, vực sâu, nơi có mạch nước ngầm gần mặt đất. (3) Sét thường hay đánh vào những nơi có những luồng không khí nóng bốc lên, đặc biệt là các ống khói vì ở đó vừa có luồng khí nóng bốc lên, vừa có sự nhô cao hơn so với xung quanh. (4) Sét hay đánh vào những vật đang di chuyển hơn là những vật tĩnh. (5) Đặc biệt những vùng đất có kim loại nhất là sắt hoặc mỏ sắt là những vùng bị sét đánh nhiều.
Khoa học ngày nay đã chỉ ra được nguyên nhân sinh ra sét và những nơi sét thường đánh xuống nên đưa ra được nhiều biện pháp phòng tránh sét hiệu quả: Nơi ở, nơi có các công trình, nhà cửa, nơi đặt các máy móc thiết bị, cột điện, ăng ten, ống khói, nơi thường tập trung đông người như trường học, chợ, bệnh viện, công sở, nhà cao tầng… nhất thiết phải có hệ thống chống sét, đó là cột thu lôi. Cột thu lôi có thể xây thành cột riêng rẽ sát công trình hoặc có thể gắn vào nơi cao nhất của công trình với một thanh sắt có đầu nhọn đặt hướng thẳnh đứng lên trời; một dây dẫn điện có một đầu nối với thanh sắt còn đầu kia của dây buộc vào lá kim loại được xẻ làm nhiều nhánh chôn sâu xuống đất. Cột chống sét càng cao thì phạm vi bảo vệ của nó càng lớn. Không gian bảo vệ là một vòng tròn có tâm là chân cột, bán kính bằng chiều cao của cột. Các vật dụng bên trong vòng tròn này được bảo vệ không bị sét đánh. Khi đang chăn thả hoặc lao động sản xuất ở nương rẫy, ngoài đồng, đi lại ngoài đường nơi không có các hệ thống chống sét mà thấy có cơn dông đến thì cần nhanh chóng tìm cách phân tán đàn gia súc; bản thân để dụng cụ tại nơi làm việc rồi đi nhanh vào nhà hoặc không gần nhà thì tìm đến ngồi yên nơi đất thấp, xa cột điện, xa các vật dụng kim loại, xa các nơi có mặt nước như ao, hồ… chờ cơn dông đi qua. Không nên di chuyển (kể cả di chuyển trên các phương tiện giao thông cá nhân); tuyệt đối không nấp dưới các gốc cây to, nhất là các gốc cây đứng một mình giữa đồng, dưới các đống rơm, bó lúa, nơi có gò đất nhô cao. Khi có dông cần lưu ý cắt điện các dụng cụ máy móc tiêu thụ điện chỉ để lại những thứ thật cần thiết; cắt nguồn hoàn toàn các thiết bị điện tử, rút dây ăng ten ra khỏi ti vi chuyển sang dây nối đất (tất cả các ăng ten cần được làm dây nối đất dạng như hệ thống thu sét); không nên gọi điện thoại, tắt các ống khói, đóng bớt cửa ngăn gió ẩm vào nhà; bản thân không đi chân trần mà nên đi giày, dép khô…
Do lõi của tia sét rất nhỏ nên có nhiều người bị sét đánh sượt qua không chết, chỉ bị thương. Các trường hợp như vậy nạn nhân thường bị bỏng; cháy sém quấn áo, tóc; khó thở; nặng có thể ngưng thở hoặc ngưng tim trong giây lát. Với những trường hợp nặng như vậy việc cấp cứu kịp thời là đặc biệt quan trong nếu không họ có thể mất mạng. Công việc cấp cứu cần được khẩn trương, đúng quy cách: Nên để nạn nhân nằm nơi đất ẩm, nới rộng quần áo cho dễ thở; pha 5 gam muối Bicarbornate với 300ml nước cho nạn nhân uống từ từ. Nếu thấy nạn nhân có dấu hiệu nặng khó thở, nhịp tim không rõ cần làm các thao tác hô hấp nhân tạo, hỗ trợ tim bằng cách xoa bóp hoặc đấm mạnh vào vùng ngực. Và cuối cùng là nhanh chóng tìm cách gọi xe cấp cứu kịp thời đưa nạn nhân đi bệnh viện. Theo kinh nghiệm dân gian cứu chữa người bị điện giật hoặc bị sét đánh thì nên để nạn nhân nằm nguyên nơi họ ngã xuống mà sơ cứu, không được nhấc nạn nhân lên khỏi mặt đất ngay. Nếu thời gian từ lúc bị sét đánh đến khi tiến hành sơ cứu ngắn hơn bảy phút thì tỷ lệ cứu sống chiếm đa số (ngoại trừ trường hợp bị sét đánh chết ngay).
KS. Nguyễn Văn Huy
(Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum)
Ý kiến bạn đọc