Bảo vệ môi trường: Nâng cao trách nhiệm của cộng đồng
Vấn đề môi trường đã trở thành một chủ đề “nóng” không chỉ đối với chuyên gia trong ngành, mà còn là mối quan tâm của toàn xã hội. Trước thực trạng ô nhiễm môi trường từ các khu vực nông thôn đến thành thị đang ngày càng trở nên phức tạp đòi hỏi chính quyền các cấp, tổ chức và mọi cá nhân phải nâng cao trách nhiệm, hiệu lực quản lý trong việc bảo vệ môi trường để cuộc sống được trong lành.
Thực trạng buồn
Dọc Quốc lộ 14 (đoạn phía Bắc đi vào TP. Buôn Ma Thuột) từ lâu đã tồn tại những bãi rác tự phát ven đường. Hình ảnh những chiếc túi ni lông, rác thải sinh hoạt, thậm chí cả rác sản xuất bốc mùi, bay tung tóe hai bên đường không chỉ làm ô nhiễm môi trường mà còn tạo phản cảm đối với mọi người. Đoạn đường này dài hơn 100km đi qua các huyện Ea H’leo, Krông Buk, thị xã Buôn Hồ… hai bên đường là các khu dân cư xen lẫn với rừng thông. Dù báo chí đã nhiều lần phản ánh sự việc, nhưng tình trạng trên vẫn không hề thay đổi, có chăng chỉ là những buổi "ra quân" thu gom để rồi chỉ một vài ngày sau lại vẫn như cũ. Theo những người dân sống trong khu vực thì những điểm “tập kết” rác này do nhiều người thiếu ý thức thường chở rác đến vứt mặc dù đã có biển báo cấm đổ rác. Hay trên đoạn Km 46 Quốc lộ 26 (thuộc thôn 7 và 9, xã Krông Buk, huyện Krông Pak) những “núi rác” từ bã mít được xếp chồng lên nhau cao 3-4 mét đang phân hủy, bốc mùi hôi thối gây khó chịu cho người dân; tại Km 43 (thôn 4), rác thải đổ tràn lan hai bên đường và xuống cả cây cầu gần đó, gây ô nhiễm nguồn nước.
Người dân xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) tham gia làm vệ sinh môi trường tuyến đường liên xã. |
Không chỉ tập trung ở những đoạn vắng vẻ, rác thải sinh hoạt cũng là vấn nạn với những khu vực tập trung đông dân cư như chợ, trường học.. Nguyên nhân trực tiếp tạo ra những bãi rác này không ai khác chính là những người dân kém ý thức, trong khi đó các cơ quan chức năng lại chưa có biện pháp xử lý hoặc có nhưng không triệt để. Bên cạnh đó, còn có những người vì lợi ích kinh tế gây ô nhiễm môi trường, tạo bức xúc trong nhân dân mà Báo Dak Lak đã phản ánh như: Việc lò mổ heo gây ô nhiễm trong khu dân cư của ông Trần Ngọc Quang (thôn 2, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột); một số hộ gia đình ở thôn 8 và 9 xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng lớn nhưng không bảo đảm vệ sinh, làm ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt của người dân quanh khu vực; hay tình trạng chăn nuôi trâu, bò thả rông với số lượng lên đến hàng trăm con ở xã Ea Uy (huyện Krông Pak), xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo)...
Nâng cao trách nhiệm của cộng đồng
Hiện nay, việc xử lý các chất thải trên địa bàn tỉnh, trong đó ở khu vực nông thôn vẫn còn nhiều bất cập. Để hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường, trước hết cần nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước và ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng để tạo ra những định hướng ban đầu cho việc kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường.
Thiết nghĩ, bảo vệ môi trường hãy bắt đầu bằng những hành động nhỏ nhất và cụ thể hàng ngày nhằm nâng cao nhận thức để mọi người cùng hiểu, biết và hành động vì môi trường. Chỉ có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng mới hành động đúng, và mỗi một hành động nhỏ sẽ góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường. Với những người dân, nên hạn chế sử dụng túi ni lông; không vứt rác, xác chết động vật xuống dòng sông, ao hồ, khu vực công cộng; nhắc nhở nhau cùng giữ gìn vệ sinh chung. Đối với các hội đoàn thể, cơ quan thường xuyên đưa các thông tin về bảo vệ môi trường trong các buổi hội họp; tổ chức tuyên dương, khen thưởng những gia đình thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung, những cá nhân tiêu biểu đã đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường. Đồng thời lên án, phê phán những trường hợp gây tác hại đến môi trường như vứt rác bừa bãi, chặt phá cây xanh... Những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nên đặt lợi ích kinh tế đi đôi với công tác bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Hãy xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn các trường từ việc tổ chức cho học sinh làm vệ sinh trường, lớp; xây dựng các mô hình học sinh tham gia bảo vệ môi trường trồng cây xanh… Thông qua những hoạt động, các em sẽ nhận thức sâu sắc hơn về việc bảo vệ môi trường và hình thành những thói quen tốt. Đối với các cấp chính quyền địa phương cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao các kiến thức pháp luật về môi trường trong cộng đồng dân cư để mỗi người dân nắm bắt thông tin, thay đổi nhận thức và hành vi sai trái của mình. Ngoài ra cần đầu tư đồng bộ nguồn nhân lực và kinh phí để sớm hoàn thiện các bãi xử lý rác thải…
Ô nhiễm môi trường đã và đang trở nên bức thiết, bởi việc xử lý dứt điểm vẫn đang là một bài toán nan giải, do đó nên cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cơ quan chức năng và ý thức của cộng đồng.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc